Về Thủy Trầm xem cá chép đỏ

09:57 | 01/02/2013

4,462 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Từ Rằm tháng Chạp, cả làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ lại nhộn nhịp vào vụ thu hoạch cá chép đỏ, phục vụ cho lễ cúng ông Công ông Táo.

Làng Thủy Trầm có hơn 500 hộ dân thì đa phần đều nuôi cá chép đỏ, mỗi năm xuất hàng chục tấn cá ra thị trường. Đa phần thương lái từ các tỉnh thành phố đến trực tiếp lấy hàng, nhưng cũng có khi chính nông dân Thủy Trầm phải chở cá hàng trăm cây số đi bỏ mối.

Cá chép đỏ được người dân mua giống ngay trong làng, với giá khoảng 150 đồng/con. Sau 6-7 tháng nuôi, họ có thể bán với giá 80 nghìn đồng/kg. Theo một số nông dân cho biết, với 6kg cá giống có thể cho thu hoạch khoảng 200kg cá chép thương phẩm.

Các thương lái đang tiến hành chọn và cân cá chép đỏ trước khi mang đi tiêu thụ.

 Anh Lưu Viết Vạn đang tiến hành mua cá của 1 người bà con trong làng trước khi thả vào bể nuôi trong nhà. Anh cho biết tới sát ngày 23 tháng Chạp sẽ đích thân chở cá lên tận Lào Cai để bán.

 Cá được nuôi đặc trong các ao hồ để hạn chế sự phát triển, mỗi mét vuông mặt nước có thể thả từ 500 đến 700 con. Cá được thả từ tháng 6 hằng năm, được nuôi sao cho đến khi xuất bán kích cỡ chỉ bằng 2 đầu ngón tay.

 Cá trước khi bán được trải qua quá trình "lồ - ép" trong bể nhân tạo, có sục khí ôxi để đảm bảo chất lượng trước một chuyến hành trình dài về các thành phố.

Trong khu bể của gia đình anh Lương, chị Thiện tại khu 3 thôn Thủy Trầm. Gia đình chị xây tới 10 bể to nhỏ khác nhau cho từng kích cỡ cá. Chị cho biết sản lượng năm nay khoảng hơn 1 tấn cá.

Chị Lương đang lấy cá cho thương lái tới mua. Cá giống bố mẹ được chăm sóc ở bể riêng biệt, có con nặng tới 3kg. Chị cho biết cá bố mẹ được chọn từ giống tốt, phải nuôi dưỡng từ 2 đến 3 năm mới có thể sinh sản được.

Cá được cho vào các bao ni-lông bơm đầy khí ôxi để vận chuyển. Cao điểm mua bán cá chép vàng vào khoảng ngày 21 tháng Chạp. Khi đó con đường dẫn vào làng thường chật kín các loại xe tải đến chở cá.

Nghề nuôi cá chép đỏ đã và đang là một con đường giúp người dân vùng trung du Thủy Trầm, Tuy Lộc có một cái tết no ấm, xa hơn nữa là thoát khỏi đói nghèo và làm giàu bằng chính nghề gia truyền của mình.

Bảo Sơn