Trung Quốc - mối nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực!

16:05 | 11/07/2014

2,700 lượt xem
|
(Petrotimes) – Trong hội thảo về Biển Đông lần thứ 4 với chủ đề “Các xu hướng ở Biển Đông và chính sách của Mỹ” do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) – cơ quan tư vấn chính sách đối ngoại hàng đầu cho chính phủ Mỹ, tổ chức tại Washington trong hai ngày 10 – 11/7, các học giả và các nhà hoạch định chính sách quốc tế khẳng định Trung Quốc đã trở thành một mối nguy hiểm cho sự ổn định của Đông Nam Á. Washington và các nước đồng minh cần buộc Trung Quốc phải trả giá cho hành vi khiêu khích của mình.

Trung Quốc “tham ăn, gây hấn trắng trợn”

Trong bài phát biểu mở đầu cuộc hội thảo, ông Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ đã thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc “tham ăn, gây hấn trắng trợn” trong việc đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông và kiểm soát các nguồn tài nguyên ở khu vực này.

“Trung Quốc đang âm mưu thay đổi thực trạng trong khu vực, từ bãi này sang bãi khác, từ đảo này sang đảo khác. Họ đang cố gắng làm thay đổi động lực trong quan hệ giữa các nước trong khu vực. Trong vài tháng qua, họ đã dịch chuyển một giàn khoan dầu cỡ như sân bóng về gần quần đảo Hoàng Sa trong vùng biển của Việt Nam. Họ cũng đang xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa”, ông Rogers nói.

Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers

Ông Mike Rogers nhận định, Trung Quốc đã xây dựng lực lượng quân đội, phát triển hải quân trong  suốt 20 năm qua để chuẩn bị cho những gì mà họ đang làm tại Biển Đông. Ông gọi đây là những hành động “gây hấn và trơ tráo”.

Theo Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, chiến thuật lấn lướt dần dần mà Trung Quốc đang làm là “ một vết sâu với nhiều nhát cắt’ và đạt đến cấp độ hết sức nguy hiểm. Trong khi đó, ông cho rằng, những phản ứng từ phía Việt Nam, Philippines thậm chí cả Nhật Bản tại biển Hoa Đông đối với hành động lấn lướt của Trung Quốc là vẫn chưa đủ.

Từ đây, ông kêu gọi Mỹ cần phải mở rộng hợp tác hơn nữa với các nước đồng minh trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc, thay vì đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh, trong bối cảnh những căng thẳng trong khu vực có thể sẽ dẫn đến những tính toán sai lầm và bùng phát thành xung đột.

“Không ai muốn đối đầu, không ai tìm kiếm xung đột nhưng chúng ta phải có hành động ngăn chặn với cái mà Trung Quốc cho là thế giới không quan tâm”, ông Rogers nhấn mạnh.

Đến từ Việt Nam, ông Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc gia tăng các đòi hỏi chủ quyền bằng cách làm phức tạp thêm vấn đề tại Biển Đông bằng nhiều hình thức. Trong đó có việc thay đổi hiện trạng tại Trường Sa bằng việc cho xây dựng đường băng ở bãi Đá Gạc Ma; sử dụng “chiến lược bắp cải” và “tằm ăn dâu” để lấn chiếm các đảo và đối phó với từng nước một; áp dụng các lệnh cấm đánh bắt cá vô lý trên Biển Đông, lệnh kiểm soát tàu nước ngoài của tỉnh Hải Nam hồi đầu năm nay, và gần đây là việc in bản đồ với “đường lưỡi bò” 10 đoạn thay vì 9 đoạn như trước kia.

Giàn khoan dầu Hải Dương 981 của Trung Quốc đang hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam

Theo ông Trần Trường Thủy, điểm quan trọng “đánh dấu bước ngoặt leo thang trong các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông” là việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương 981 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc điều hơn 100 tàu các loại, bao gồm cả tàu chiến ra bảo vệ hoạt động của giàn khoan được cũng được coi là một bước ngoặt mới trong hành động của Trung Quốc thời gian qua. Bắc Kinh đã chuyển từ “gây hấn do phản ứng lại sang gây hấn chủ động”.

“Trung Quốc hiện đang xem Biển Đông là của mình”, ông Thủy cảnh báo.

Giải thích về những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông, học giả Christopher Johnson, chuyên gia về Trung Quốc của CSIS nhận định: “Đây là một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng chứ không phải đơn thuần là một loạt các chiến thuật nhỏ hoặc phản ứng của Trung Quốc trước hành động của Mỹ hay các nước khác. Chúng ta phải hiểu đây là một chiến lược và mỗi một thời kỳ trong đó được kết nối với nhau để thực hiện chiến lược này”.

Vai trò của Mỹ

Mặc dù Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Washington đã nhiều lần khẳng định họ có “lợi ích quốc gia” khi các tranh chấp này được giải quyết hòa bình. Trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng thể hiện sự quan ngại và lập trường phản đối các hành vi hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc hòng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông. Do đó, cũng tại hội nghị, các học giả và nhà hoạch định cũng đề cập đến vai trò quan trọng của Mỹ trong tranh chấp Biển Đông.

Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Rogers kêu gọi Mỹ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác quân sự với các quốc gia khác trong khu vực để chống lại Trung Quốc, và “mở mắt” cho Bắc Kinh thấy rằng họ không phải là sức mạnh duy nhất và chiếm ưu thế.

“Bất kỳ nước nào trên thế giới sử dụng sức mạnh quân sự để bắt nạt, đe dọa hay gây bất ổn cho nền kinh tế thế giới cũng đều không mang lại điều tốt đẹp gì cho lợi ích của Mỹ, không phải là bạn hay đồng minh của chúng ta”, ông Roger khẳng định.

Người đứng đầu cơ quan giám sát hoạt động tình báo của Hạ viện Mỹ cũng cảnh báo rằng, mặc dù Mỹ còn đang phải bận tâm vối nhiều điểm nóng khác trên thế giới, nhưng Bắc Kinh không nên nghi ngờ quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ tự do hàng hải và thương mại trong khu vực Biển Đông, nơi có 40% hàng hóa thương mại của thế giới đi qua.

Cùng quan điểm, giám đốc chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm an ninh mới của Mỹ (CNAS) Patrick Cronin cho rằng, Washington và các nước đồng minh cần buộc Trung Quốc phải trả giá cho hành vi của mình.

“ Chúng ta phải làm cho giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng việc đơn phương thay đổi hiện trạng và dùng vũ lực là không thể chấp nhận được”- ông Cronin nhấn mạnh.

Ông Cronin cũng đề xuất chính phủ Mỹ cần tăng cường hợp tác khu vực với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Malaysia và các nước khác trong khu vực để chống lại việc Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế gây sức ép các nước láng giềng và áp đặt các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Hội thảo về Biển Đông do CSIS tổ chức lần này diễn ra cùng thời điểm Mỹ và Trung Quốc đang tổ chức Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên tại Bắc Kinh. Theo nguồn tin của AFP, tại hội nghị này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói thẳng với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì rằng, bất kỳ quốc gia nào cũng không có quyền “hành động đơn phương để đẩy mạnh các đòi hỏi chủ quyền hay lợi ích của mình”.

Phía Mỹ cũng tái khẳng định sự cần thiết của một “trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương” và yêu cầu Trung Quốc “đóng góp và tham gia vào trật tự đó, thay vì chống lại các chuẩn mực khu vực và toàn cầu”.

Linh Phương (theo CSIS.org, CBS News, AFP)