Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình: “Có tổng cộng 329 cán bộ, công chức mang cấp hàm!”

14:15 | 18/11/2014

1,176 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là thành viên Chính phủ thứ 2 trả lời chất vấn, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình bắt đầu với các nội dung tập trung vào cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng công vụ; tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng quá nhiều cấp phó, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương…

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình: “Có tổng cộng 329 cán bộ, công chức mang cấp hàm!”

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình.

Lạm phát cấp “Phó” - Cơ chế còn xung đột!

Đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) nêu lên thực trạng đang tồn tại ở rất nhiều đơn vị, cơ quan công quyền. Đó là quá nhiều cấp phó giúp việc, gây nên tình trạng phình to quỹ lương, kém hiệu quả và quá nhiều lãnh đạo trong đơn vị.

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho hay, quy định cấp phó trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được nêu rõ trong Nghị định 187, nay được thay bằng Nghị định 36. Quy định này không cứng mà hoàn toàn cơ động. Như ở một số Bộ, ngành và cơ quan ngang bộ có trên 4 thứ trưởng, nếu muốn tăng thêm thì cũng phải qua nhiều tầng nấc và cơ quan có thẩm quyền quyết định.

“Một Bộ muốn tăng thêm phải chức danh quản lý thì có đề án báo cáo cơ quan có thẩm quyền, thông qua nhiều kênh trong đó có ban cán sự đảng của Chính phủ, Ban Tổ chức trung ương, rồi Bộ Chính trị quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhắc lại quy trình.

“Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo để có cơ chế mềm, Bộ Nội vụ nhiều lần đề nghị có cơ chế cứng, nhưng qua thảo luận, bỏ phiếu thì không quá bán. Bộ Nội vụ có đề nghị số lượng ít, nhưng ban cán sự đề nghị số lượng nhiều nên chưa gặp nhau được. Bộ Nội vụ cho rằng cần quy định cứng, Bộ nào có bao nhiêu thứ trưởng thì quy định rõ để không còn bàn cãi!”.

Xung quanh vấn đề ảnh hưởng ngân sách và gây tâm lý trong xã hội, người đứng đầu ngành nội vụ đồng ý việc bổ nhiệm nhiều cấp phó gây lãng phí ngân sách và không được đồng thuận của xã hội.

Chia sẻ với Đại biểu Quốc hội và cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình mong nhận được sự thông cảm. Nguyên nhân là nhiều đơn vị có quá nhiều sức ép công việc. Có những cuộc họp không phân công cấp phó đi thì không cho tham dự. Do đặc thù một số ngành, cũng cần cấp phó để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.

Trả lời thắc mắc của Đại biểu cho rằng lạm phát cấp phó có mối liên hệ với việc bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, biện pháp Bộ Nội vụ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ là cần sớm ban hành chương trình hành động triển khai có hiệu quả chỉ thị này; trong đó thực hiện công khai minh bạch công tác công chức viên chức, đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy lùi tiêu cực, người đứng đầu của cơ quan đơn vị gương mẫu, thực hiện chặt chẽ công vụ...

Cấp “hàm” là do thủ trưởng đơn vị đặt ra

Về chất vấn của Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Bình Phước) về xuất hiện nhiều chức danh "hàm", người đứng đầu Bộ Nội vụ nhấn mạnh không có quy định nào về hàm. Tuy nhiên thực tế nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương lại tồn tại chức danh về hàm. Đây là vấn đề cần được quan tâm.

“Ngày 11/6/2014, Bộ có công văn gửi các bộ, ngành đề nghị cung cấp danh sách cán bộ, công chức viên chức được hưởng chế độ hàm lãnh đạo quản lý từ cấp phòng. Thông tin phản hồi cho thấy hiện có 329 công chức viên chức tại các cơ quan bộ, ngành đang được hưởng chế độ hàm từ cấp phòng trở lên; trong đó 96 trường hợp hưởng chế độ hàm vụ trưởng, phó vụ trưởng là 150. Thời gian tới cần có hội thảo, tọa đàm nghiên cứu về lý luận, thực hiện để xem xét vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đưa ra thông tin.

Sử dụng công chức chưa đúng với năng lực

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) nêu bức xúc của dư luận khi người có năng lực không vào, mà vào rồi lại đi khỏi khu vực nhà nước ngày càng nhiều; và ngược lại người kém năng lực vào nhà nước ngày càng nhiều.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận thực trạng việc sử dụng cán bộ công chức, viên chức hiện chưa đúng với năng lực của từng người, cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm, chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, chế độ tiền lương chậm được cải thiện, đầu vào chưa thực sự tuyển được người có năng lực, tâm huyết.

Các giải pháp Bộ nội vụ đưa ra là đổi mới cơ chế đánh giá theo hướng cấp trên đánh giá cấp dưới, sử dụng người có năng lực vào làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các giải pháp về miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác đối với người không đáp ứng được nhu cầu công việc cũng được thực hiện.

(Còn tiếp)

Lê Tùng