Bộ trưởng Xây dựng đề xuất 3 bước làm ấm thị trường bất động sản

09:00 | 13/11/2012

784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Hàng loạt dẫn chứng từ Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho thấy, các Bộ, Ban, Ngành đang hết sức quan tâm đến thị trường Bất động sản – nơi được coi đã “gim chặt” 1 triệu tỉ đồng tín dụng vào đất mẹ.

Về nguyên nhân, trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Châu Thị Thu Nga (Hà Nội), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Phùng Văn Hùng (Cao Bằng)... về vấn đề tồn kho bất động sản và phá băng, giải cứu thị trường bất động sản, bảo đảm lợi ích của người mua nhà, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, vấn đề tồn kho bất động sản không chỉ theo các số liệu đã báo cáo mà còn có tồn kho ở các sản phẩm dở dang, chủ đầu tư chưa đủ tiền để tiếp tục thực hiện; chưa kể tồn kho nền đất ở các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp...

Bộ trưởng cũng công khai số liệu báo cáo của Sở Xây dựng 44 tỉnh, thành phố có nhiều bất động sản, đến ngày 31/8/2012, số bất động sản tồn kho theo các tiêu chí gồm: căn hộ chung cư là 16.469; nhà thấp tầng là 5.176 căn; đất nền 1.624.878 m2; văn phòng trung tâm thương mại 25.870 m2. Tổng giá trị tồn kho ước tính 40.750 tỉ đồng. Bản thân số tiền hơn 40 nghìn tỉ đồng này cũng nhận được phản ứng trái chiều từ các đại biểu, bởi theo con số ước tính từ các nhà nghiên cứu độc lập thì phải là xấp xỉ 1 triệu tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nguyên nhân thị trường bất động sản bị trầm lắng, đóng băng là do quá trình phát triển các dự án bất động sản nói riêng, trong đó có các dự án đô thị phát triển tự phát, theo phong trào, thiếu tuân thủ quy hoạch, kế hoạch dẫn đến quá nhiều, vượt xa so với nhu cầu thực của thị trường. Bên cạnh đó, cơ cấu bất động sản rất bất hợp lý, vừa thừa bất động sản cao cấp hoặc trung bình nhưng thiếu bất động sản phục vụ ng ười dân thu nhập thấp. Trong khi đó, vốn cho bất động sản chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng là chủ yếu, chủ đầu tư đa số là doanh nghiệp vốn chủ sở hữu rất thấp nên khi tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt, lãi suất tăng cao dẫn đến các dự án bất động sản bị đóng băng, không thể thực hiện được.

Xung quanh quản lý thị trường bất động sản, quan điểm của Quốc hội và Chính phủ thì đây là 1 vấn đề lớn. Tình trạng đóng băng đã tác động xấu đến nền kinh tế, gây ra sự đình trệ, ách tắc trong lĩnh vực xây dựng, gây ra sự tồn đọng lượng lớn vật liệu xây và 1 số loại mặt hàng của 1 số nền công nghiệp liên quan. Và đương nhiên, trong bối cảnh đó các Doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp vật liệu xây dựng lao đao, tác động đến hệ thống mạch máu ngân hàng, làm nên tình trạng nợ xấu nhức nhối hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – chủ tọa phiên chất vấn các thành viên Chính phủ khẳng định, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản rất lớn. “Doanh nghiệp vay tiền mua đất, vay tiền mua nhà, vay tiền góp tiền xây nhà, vay tiền đầu tư xây dựng, vay tiền để giải phóng mặt bằng, vay tiền để đầu cơ bất động sản. Chính phủ đang tìm cách làm ấm lên thị trường”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu đề dẫn cho phần trả lời của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng.

Về phần mình, người đứng đầu ngành Xây dựng đã đưa ra ba giải pháp sau: (i) Giải quyết cân đối cung-cầu. Bộ Xây dựng đang tập trung cao độ rà soát dự án bất động sản đang tồn kho (căn hộ, đất bỏ hoang, biệt thự...) để khoanh vùng Dự án (dừng, điều chỉnh hay tiếp tục...). Đây được đánh giá là khâu mất nhiều thời gian, công sức và khó khăn nhất.

(ii) Sau khi rà soát đầy đủ, cân đối cung-cầu xong xuôi, cân đối các khu đô thị, chủng loại, phân khúc thị trường nhà (ở, cho thuê, văn phòng), Bộ Xây dựng sẽ gắn nhu cầu với khu đô thị, khu dân cư. Trong quá trình này, thị trường hoàn toàn có thể gắn tái cơ cấu với kế hoạch giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, tranh thủ dự án bất động sản kém hiệu quả hiện nay để giải quyết nhà cho sinh viên, người thu nhập thấp.

(iii) Trong quản lý, Bộ Xây dựng phải là cầu nối gắn kết các bộ, ngành liên quan với địa phương, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, đến cuối năm 2013, thị trường sẽ ấm lên nếu các giải pháp được làm quyết liệt.

T.L