“Chúng tôi đã giữ được đảo Cô Lin như thế đấy!”

07:00 | 21/12/2014

5,151 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân dịp “Đêm tri ân Nhân vật và Sự kiện” lần thứ 2 tại Thái Bình, chúng tôi gặp lại Anh hùng Lực lượng Vũ trang (AHLLVT), Đại tá Vũ Huy Lễ. Vẫn dáng người chắc nịch, giọng nói ấm áp của anh lính biển, Đại tá Vũ Huy Lễ đã dành cho Báo Năng lượng Mới một cuộc trò chuyện ngắn về trận hải chiến giữ đảo Cô Lin năm 1988, trận chiến mà sự dũng cảm, mưu trí của người lính Hải quân đã đẩy lùi những âm mưu xâm chiếm của quân thù.

Năng lượng Mới số 384

PV: Thưa Đại tá Vũ Huy Lễ, ông có thể cho biết đôi nét về sự nghiệp quân ngũ của mình?

AHLLVT Vũ Huy Lễ: Tôi đi bộ đội từ năm 1964. Thời đó tôi đang học đại học ở Hải Phòng thì sự kiện Vịnh Bắc Bộ diễn ra. Chúng tôi ngồi học không yên, lòng sục sôi quân cướp nước khiến tôi cùng anh em xung phong đi bộ đội để ra tiền tuyến giữ nước. Tôi được phân công gia nhập Đội tàu không số, nay là Lữ đoàn 125 với nhiệm vụ vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí vào miền Nam thân yêu chiến đấu chống giặc Mỹ.

Đến năm 1982, tôi được đi học ở Liên Xô, sau khi học xong về nước được phân công làm Thuyền trưởng tàu HQ-505. Đây là thuyền vận tải lớn nhất của hải quân ta đã chiếm được của Mỹ. Tàu dài hơn 100m, rộng 30m, có thể chở được 50-60 xe tăng, máy bay trực thăng có thể cất, hạ cánh trên boong tàu. Năm 1988, tôi được phân công đảm nhiệm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 955 đến khi được nghỉ hưu, tôi có tròn 35 năm tuổi quân.

Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Vũ Huy Lễ

PV: Là một trong những nhân chứng của trận hải chiến Gạc Ma và giữ đảo Cô Lin, ông có thể kể lại cho bạn đọc Báo Năng lượng Mới về diễn biến cuộc chiến này?

AHLLVT Vũ Huy Lễ: Năm 1988, khi Trung Quốc bất ngờ chiếm một số đảo như Chữ Thập, đảo Đá nhỏ… Chúng tôi nhận lệnh ra khu vực đảo Sinh Tồn với nhiệm vụ giữ đảo Cô Lin (bãi đá ngầm gần đảo Gạc Ma). Hành trình này cùng đi với chúng tôi có tàu HQ-604 do đồng chí Trần Đức Thông người Hưng Hà, Thái Bình giao mật lệnh cho chúng tôi đưa tàu HQ-505 ra đảo Cô Lin để giữ đảo.

Đúng 12 giờ trưa ngày 13/3/1988, chúng tôi xuất phát. Đến 16 giờ thì gặp 2 tàu chiến của Trung Quốc. Chúng chặn đường, gây hấn không cho chúng tôi đi qua mặc dù chúng tôi đã hú còi, gửi tín hiệu xin nhường đường. Mất gần 30 phút chúng tôi mới thoát khỏi sự ngăn cản của tàu chiến Trung Quốc. Khi đến cách đảo Cô Lin 100m, 2 tàu chiến của Trung Quốc vẫn tiếp tục đeo bám. Theo quan sát, chúng tôi thấy có sự khác thường trong việc điều động tàu trong khu vực đảo Đá Lớn, anh em nhận định chỉ đêm nay hoặc sáng mai chúng có thể chiếm đảo Cô Lin. Bởi vậy, anh em lập tức xin lệnh đổ bộ lên đảo Cô Lin cắm cờ Tổ quốc. Ngay sau đó, chúng tôi xin lệnh từ Sở Chỉ huy nhưng địch gây nhiễu sóng, rất khó khăn không thể liên lạc được với Sở Chỉ huy. Lập tức, chúng tôi cử 1 tổ do đồng chí Phạm Xuân Điệp làm tổ trưởng đổ bộ lên bãi san hô trên đảo Cô Lin, chờ thủy triều xuống sẽ đào lỗ cắm cờ.

Đến 2 giờ sáng ngày 14/3/1988, chúng tôi mới bắt được liên lạc với Sở Chỉ  huy. Sau khi báo cáo tình hình thực tế, Sở Chỉ huy đã đồng ý với nhận định của chúng tôi, yêu cầu anh em giữ bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí không mắc mưu khiêu khích của địch. Anh em tổ đổ bộ tiến hành đào hố, chuẩn bị cờ Tổ quốc. Đến đúng 5 giờ sáng, cờ đỏ sao vàng đã được dựng lên trên đảo Cô Lin. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tổ đổ bộ cắm cờ đã về tàu. Sáng sớm hôm ấy, khi chúng tôi đang tập thể dục, anh em quan trắc trinh sát phát hiện phía đảo Gạc Ma xuất hiện nhiều mục tiêu gần tàu HQ-604. Trong đó, 2 tàu chiến của Trung Quốc đã dồn dập khai hỏa, những ánh lửa bùng lên từ nòng pháo địch. Chúng tôi biết rằng cuộc chiến giữ đảo Gạc Ma đã bắt đầu.

Tôi lệnh cho toàn bộ tàu HQ-505 khẩn cấp nhổ neo, chạy hết tốc lực hướng về phía tàu HQ-604, gia nhập vòng chiến. Mới chạy được một đoạn, các chiến sĩ trên tàu đều thấy tim như thắt lại khi chứng kiến tàu HQ-604 bị giặc bắn cháy, đang chìm dần xuống biển. Cả tàu chúng tôi đều sẵn sàng chiến đấu, xả đạn về phía tàu Trung Quốc. Tàu địch cũng bắn dữ dội về phía chúng tôi, đạn 85 ly, 100 ly bắn xối xả. Tàu chúng tôi bị một loạt pháo bắn trúng phía mạn phải và đuôi tàu khiến báo vụ, đài chỉ huy bị hư hỏng nặng.

Đạn pháo địch giã trúng trục lái khiến đường ống dẫn khí bị nổ, mất điện toàn bộ. Tôi đã hạ lệnh chuyển sang chế độ lái cơ (lái bằng tay), đưa lái về số 0, sửa chữa khẩn cấp động cơ, trục lái tàu để cứu thương binh, các đồng đội trên tàu HQ-604. Mũi tàu chúng tôi bị quay ngang, kết hợp với gió Đông Bắc đã đẩy tàu trôi xa đảo Cô Lin. Đồng thời do mạn phải bị thương khá nặng nên tàu nghiêng một góc 300, có khả năng chìm bởi độ sâu cách đảo một khoảng lên tới cả 1.000m. Đứng trước lựa chọn sẽ có thể chìm tàu, hy sinh vô ích mà không giữ được đảo, không cứu được anh em còn sống sót của tàu HQ-604. Toàn bộ chỉ huy của tàu gồm tôi, thuyền trưởng, thuyền phó, chính trị viên và phó máy trưởng Nguyễn Văn Thắng tuy bị thương vào đầu nhưng vẫn xung phong xuống hầm sửa máy tàu. Trong khi đó, tàu vẫn liên tục bị trôi dạt, tàu chiến của Trung Quốc  vẫn bắn càng ngày càng dữ dội.

Đại tá Vũ Huy Lễ giao lưu trong Chương trình “Đêm tri ân Nhân vật & Sự kiện”       

Dẫn đầu anh em, tôi cùng ban chỉ huy động viên anh em giữ vững vị trí chiến đấu. Sau 15 phút giằng co với địch, máy tàu đã sửa được. Tôi hạ lệnh cho 1 máy lùi, một máy tiến, hướng mũi tàu vào bãi cạn đảo Cô Lin, tàu chồm lên hết tốc lực lao vào giữa 2 tàu chiến của địch lên thẳng bãi cạn. Chúng tôi lập tức đổ bộ vừa chiến đấu vừa sửa máy, bịt rò, chống đắm. Trên đảo Cô Lin, chúng tôi thấy hơn 100 anh em CBCS của đảo Gạc Ma, tàu bị chìm đang trôi dạt trên biển. Tôi lập tức lệnh tổ chức ứng cứu, sử dụng xuồng cứu sinh lao ra ứng cứu. Một tiểu đội dùng xuồng lao xuống biển bơi ra đảo Gạc Ma, đến 12 giờ trưa thì cứu được 45 CBCS, trong đó có cả anh Trần Văn Phương, người giữ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, anh Nguyễn Văn Lanh, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang bị địch đâm xả vai.

Đến 14 giờ, tàu HQ-671 của ta đến đảo Cô Lin ứng cứu. Chúng tôi lập tức báo cáo bằng điện đàm về Sở Chỉ huy, đề xuất đưa anh em hy sinh về chôn cất tại đảo Sinh Tồn. Trong điện gửi Sở Chỉ huy, chúng tôi đã viết: “Cờ Tổ quốc chúng tôi đã giữ được nên xin phép chọn 9 đồng chí ở lại giữ tàu và giữ đảo. Các anh em khác về đảo Sinh Tồn để cấp cứu thương binh, chôn cất tử sĩ”.

PV: Thưa Đại tá, 10 người của ông đã giữ đảo như thế nào?

AHLLVT Vũ Huy Lễ: Những ngày ở lại giữ đảo là những ngày cực kỳ căng thẳng. Chỉ có vỏn vẹn 10 anh em giữa trời, biển mênh mông với nhiệm vụ quyết tử giữ đảo, giữ tàu. Ngoài biển, tàu chiến Trung Quốc suốt ngày đêm đe dọa, bắn thị uy vào nhiều thời điểm. Dù vậy nhưng tinh thần của 10 anh em chúng tôi đều rất vững vàng chung lòng thề hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ đảo.

Bị địch bao vây nên thực phẩm, nước ngọt và gạo rất thiếu thốn. Chúng tôi phải cắt cử 2 người chèo xuồng đi xin thực phẩm từ đảo Sinh Tồn. Có những đêm anh em đói quá, phải đốt đuốc đi đâm cá. Có một lần chúng tôi đâm được 1 con cá hồng gấm nặng 3-4 cân. Ăn xong, cả đội bị ngộ độc, anh em đều phát sốt, bụng chướng lên, mệt đến mờ cả mắt. Ấy vậy mà chỉ thoáng nghe tiếng máy tàu địch là anh em lại vùng dậy cầm súng vào vị trí chiến đấu, quyết giữ đảo cho bằng được.

Chúng tôi giữ đảo đúng 2 tháng tròn thì có một tổ khác ra thay. Sau trận chiến giữ đảo Cô Lin về tôi được phong hàm Thượng tá, đảm nhiệm chức vụ Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Vận tải 955 (vận tải hàng hóa ra Trường Sa) thuộc vùng 4 Hải quân.

PV: Sau này ông có lần nào ra thăm lại Trường Sa hay không?

AHLLVT Vũ Huy Lễ: Tháng 4 vừa qua tôi được Bộ Ngoại giao mời ra thăm lại đảo Trường Sa. Sau 16 năm xa cách, tôi thấy Trường Sa khác trước rất nhiều. Gặp lại anh em CBCS, nhân dân trên đảo tôi thật sự xúc động. Tôi thấy rằng sự phát triển, xây dựng đảo càng ngày càng tươi đẹp có sự dốc sức, đóng góp và hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân cả nước và quân đội ta. Tôi tin tưởng thế hệ trẻ, Đảng, Quân đội ta sẽ tiếp tục truyền thống vẻ vang giữ nước, giữ đất và giữ biển đảo quê hương.

PV: Xin cảm ơn Đại tá Vũ Huy Lễ.

Đầu năm 1988, lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa: chiếm giữ đá Chữ Thập (ngày 31/1), đá Châu Viên (ngày 18/2), đá Ga Ven (ngày 26/2), đá Tư Nghĩa Huy Gơ (ngày 28/2), Xu Bi (ngày 23/3). Các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa được gọi là đảo chìm, đều có chữ đầu là “đá”.

Ngày 14/3/1988, trên vùng biển thuộc Quần đảo Trường Sa của chúng ta, Hải quân Trung Quốc đã ngăn chặn lực lượng Hải quân Việt Nam đang triển khai xây dựng công trình giữ đảo. Tàu chiến Trung Quốc đã nổ súng tấn công vào lực lượng Hải quân Việt Nam, bắn cháy và chìm 3 tàu vận tải quân sự của Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, 64 CBCS Hải quân ta đã hy sinh.

Hải quân Việt Nam đưa vũ khí, khí tài ra đóng giữ tại các đá Tiên Lữ (ngày 26/1), đá Lát (ngày 5/2), đá Lớn (ngày 6/2), đá Đông (ngày 18/2), đá Tốc Tan (ngày 27/2), đá Núi Le (ngày 2/3), bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của Hải quân Trung Quốc ra các đảo lân cận.

Căn cứ vào tình hình xung quanh khu vực Trường Sa, quyết tâm đóng giữ các đá, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng giao cho Lữ đoàn Vận tải 125 cử lực lượng thực hiện nhiệm vụ này.


Thành Công (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc