Kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014)

Chuyện ít biết về gia đình Anh hùng Tạ Quốc Luật

06:47 | 04/05/2014

11,063 lượt xem
|
Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Tạ Quốc Luật, người chỉ huy tổ xung kích xông vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát cùng Bộ Tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954, là người con ưu tú của quê hương Thái Bình. Song ít ai biết rằng, chính ở nơi người anh hùng đã sinh ra và lớn lên ấy - thôn Quang Lang Đông, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Tạ Quốc Luật có một gia đình, dòng họ vinh hiển, được người làng ngưỡng mộ...

Năng lượng Mới số 316

Tôi có được những thông tin đầu tiên về một dòng họ Tạ nổi tiếng ở vùng cửa biển Thái Thụy trong một lần về tham quan Bảo tàng tỉnh Thái Bình. Tuy không được tiếp cận những hiện vật cần tìm liên quan đến Tạ Quốc Luật trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ do những người trong ngành chưa sưu tầm được, nhưng tôi lại rất may mắn khi được đồng chí Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình Vũ Đức Thơm hé lộ một chi tiết: “Ông Luật đã mất tại Hà Nội nhiều năm nay rồi, các con của ông bây giờ cũng không ai ở quê cả. Nhưng với họ Tạ của ông, chắc vẫn có những người trong dòng tộc thờ tự tổ tiên ở đó”.

Ông Nguyễn Quang Dương, người gần gũi với Anh hùng Tạ Quốc Luật thuở thiếu thời

Thôn Quang Lang Đông thuộc xã Thụy Hải chỉ cách trung tâm thị trấn huyện Thái Thụy chưa đầy 2km. Đến khu chợ cá hỏi người trong làng, chúng tôi được người dân nhiệt tình dẫn đến tận nhà người họ hàng gần với gia đình ông Luật. Đó là gia đình bà Phạm Thị Ngự. Bà Ngự năm nay 68 tuổi, một cán bộ ngành y tế đã nghỉ hưu. Bà Ngự cho biết, bên gia đình chồng bà là ngành trưởng của họ Tạ, còn bên ông Luật là ngành thứ. Bà là dâu trưởng nên từ ngày chồng mất, bà đảm nhiệm thờ cúng tổ tiên và quản lý, trông coi nhà từ đường của dòng họ Tạ. “Trước đây, chú Luật còn sống thì hằng năm vẫn cùng các con, cháu về thăm quê vài lần. Nhưng từ ngày chú ấy mất, con cháu ít về hơn, họ thường về vào những ngày tết Nguyên đán và ngày giỗ tổ họ Tạ, mồng 4 tháng Giêng âm lịch” - bà Ngự kể.

Hơn 40 năm về làm dâu, lại là dâu trưởng của dòng họ Tạ, với bà Ngự, dòng họ Tạ được người dân xã nhà hiểu rất rõ về tấm gương tiêu biểu của ông Luật trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Song theo bà Ngự, ông Luật là người đã được thừa hưởng và phát huy xuất sắc truyền thống quê hương và của một gia đình cách mạng. “Trước tiên phải kể đến ông nội của chú Luật. Đó là cụ Tạ Hiện (còn gọi là cụ Đề Hẹn), làm quan trong triều đình nhà Nguyễn thời vua Tự Đức, cụ giữ đến chức Đô thống quân vụ. Từng là vị quan võ trong triều, yêu nước, thương dân, giỏi cầm quân... nhưng cụ cũng là tấm gương tiêu biểu về nghĩa khí khi không tham địa vị, công danh” - bà Ngự giới thiệu. Sử sách còn lưu truyền rằng, cụ Đô thống quân vụ Tạ Hiện là người đã từng cầm quân chiến đấu rất ngoan cường với giặc Pháp ngay từ khi chúng tiến hành xâm lược Việt Nam ở vùng cửa biển phía nam miền Trung. Khi biết tin triều đình nhà Nguyễn ký thỏa thuận bắt tay với giặc Pháp, cụ đã dâng sớ xin triều đình cho đánh nhưng không được chấp thuận nên cụ đã cáo quan về quê rồi tiếp tục tập hợp lực lượng đứng lên chống thực dân Pháp. Sau khi cụ mất, người dân vùng cửa biển Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã rước vong linh cụ về thờ tự tại một ngôi miếu làng như là để tưởng nhớ một người đã có công với dân làng, với đất nước. Dẫu đã hơn trăm năm rồi, nhưng ngôi miếu làng ở thôn Quang Lang Đông, xã Thụy Hải hôm nay vẫn còn vẹn nguyên nơi thờ tự cụ Tạ Hiện và người dân nơi đây vẫn ngày ngày hương khói, coi cụ như vị thần của làng chở che cho ngư dân trong mỗi lần ra khơi bám biển.

Từ đường dòng họ Tạ ở Quang Lang Đông

Cuộc đời cụ Tạ Hiện thật vẻ vang nhưng cũng lại rất hiếm hoi, chỉ sinh được một người con trai là Tạ Bá Khá (bố của anh hùng Tạ Quốc Luật -  PV). Sau này, đến đời cụ Tạ Bá Khá lại sinh được 4 người con trai là Tạ Bá Khả, Tạ Bá Phục, Tạ Bá Luật và Tạ Bá Lệ (trong đó ông Luật và ông Lệ là hai anh em sinh đôi). Ông Nguyễn Quang Dương, năm nay 87 tuổi, là giáo viên nghỉ hưu, sống ở cạnh nhà ông Luật từ nhỏ - một nhân chứng sống rất hiếm hoi ở làng mà tôi gặp. Ông Dương nhớ lại: “Từ lúc còn nhỏ cho đến lúc là thanh niên, anh em chúng tôi đã chơi với nhau ở làng rồi. Anh Luật hơn tôi khoảng 5 tuổi, dáng người to khỏe. Tôi nhớ, chúng tôi hay ra bãi biển nô đùa, tập võ, nhưng nếu có ai đó bắt nạt thì vẫn được anh Luật bênh ngay. Cho nên ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi hễ bị đám thanh niên choai choai ở làng khác sang bắt nạt là chúng tôi nói ngay: Tao sẽ bảo với anh Luật đấy! Đám thanh niên làng khác cũng từ đó mà không dám bắt nạt chúng tôi nữa”. 

Từ những câu chuyện cuộc sống đời thường thuở thiếu thời của các ông, tôi đã dần biết đến một ông Luật sớm giác ngộ cách mạng. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Luật khi đó là một học sinh đã tham gia sôi nổi phong trào đấu tranh chống đàn áp và “sưu cao thuế nặng” ở địa phương. Khi đã lọt vào “tầm ngắm” của Ủy ban Kháng chiến giải phóng huyện Thụy Anh (nay là huyện Thái Thụy), ông đã được đồng chí Nguyễn Đức Nhu lúc đó là chủ tịch triệu tập cùng tham gia tập hợp, kêu gọi nhân dân địa phương đứng lên giành chính quyền. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, gia đình có 4 anh em thì ông Luật và ông Lệ xung phong đi bộ đội. Cũng từ đó cái tên Tạ Bá Luật (còn gọi là Tạ Bá Lân - tên thường gọi ở làng ngày ấy) đã chính thức được đổi thành: Tạ Quốc Luật. Và tiểu sử của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Tạ Quốc Luật đã được ghi lại rất rõ: Năm 1947 là Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 151, tham gia nhiều trận đánh ở các tỉnh: Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn. Năm 1952, ông cùng đơn vị đánh cứ điểm Nà Sản. Sau trận này, ông được đề bạt là Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông được giao chỉ huy một tổ xông vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát cùng Bộ Tham mưu của địch, là người phất cao lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của quân và dân ta, báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954. Sau khi ông mất, năm 2004, Đảng và Nhà nước đã truy tặng ông Tạ Quốc Luật danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”.

Nguyễn Mạnh Dũng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc