Công bố bản đồ cổ Trung Quốc: Không hề có "Tây Sa", "Nam Sa"

15:37 | 25/07/2012

3,605 lượt xem
|
(Petrotimes) - Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.

Sáng nay, ngày 25/7, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia diễn ra lễ tiếp nhận 5 tài liệu, hiện vật do một số tổ chức, cá nhân hiến tặng. Trong đó, tiến sĩ Mai Ngọc Hồng (nguyên trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam) trao tặng tấm bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm Giáp Thìn (1904) mà ông đã dày công tìm kiếm và nghiên cứu.

“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) là tập bản đồ Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1905 và tái bản năm 1910. Đây là một trong những tập bản đồ Trung Quốc được vẽ và ấn hành vào cuối triều Thanh, phản ánh nhận thức đương thời của người Trung Quốc, quan chức, học giả đối với cương giới, lãnh thổ Trung Quốc thời điểm đó.

Đại Nam nhất thống toàn đồ (bản đồ Việt Nam vẽ năm 1834) đã có Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam - Nguồn: NXB Bản Đồ

Điều đáng chú ý là: Trên bản đồ toàn quốc và bản đồ tỉnh Quảng Đông chỉ vẽ đến đảo Hải Nam. Đảo Hải Nam trên bản đồ là điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc và bản đồ tỉnh Quảng Đông, chứng minh các quần đảo ở Biển Đông nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được in màu khá đẹp gồm 35 miếng ghép bằng giấy bồi dán trên mặt vải bố, trong đó mỗi miếng ghép có kích cỡ khoảng 20x30cm. 

Nói về cơ duyên có được tấm bản đồ này, Tiến sỹ Mai Hồng cho biết: “Khoảng thời gian cuối những năm 1970 thế kỷ trước, lúc này đang công tác tại Viện Hán Nôm và được cố Giáo sư Phạm Huy Thông giao cho việc trông coi kho sách cổ, trong một lần có một cụ ông ở Phú Xuyên (Hà Tây cũ) gánh sách lên bán cho Viện, trong hành trang cá nhân của ông có đem theo tập “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, biết tôi là người yêu thích sưu tập các văn tự cổ, ông lão đã bán tấm địa đồ này cho tôi…”.

Tiến sĩ Mai Hồng (trái) giao lại bản đồ cho đại diện Bảo tàng lịch sử quốc gia 

Sau khi có được tấm bản đồ ông Hồng đã cất giữ trong kho tư liệu của mình. Đến năm 2002, ông Hồng về hưu và cũng dần quên mất sự có mặt của tấm bàn đồ. Tình cờ trong một lần gần đây sắp xếp lại kho tư liệu ông mới tìm lại được tấm bản đồ quý này.

Phía trên của “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” có một văn bản bằng Hán tự cổ có nội dung đại ý rằng từ đời xưa người Hán đã có các tấm bản đồ nhưng không được rõ ràng, chính xác và không rõ ngọn nguồn. Đến đời Khang Hy thứ 47 Thánh tổ nhân hoàng đế đã sai phái 2 giáo sỹ người nước ngoài làm ra tấm “Vạn lý thành đồ” trong vòng hơn 1 năm.

Sau khi các tỉnh đã duyệt quy mô như đã định trên bản đồ, đến năm Tân Mão đời Khang Hy thứ 50 các giáo sỹ đã tập trung ở Kinh đô cùng nhau vẽ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” gồm 13 tỉnh của Trung Quốc, trong đó có nói rõ “Chỗ nào bị tàn khuyết thì bổ sung, chỗ nào nhầm lẫn thì sửa lại cho đúng, khiến cho nó được rõ ràng như trong lòng bàn tay…”. 

Toàn cảnh "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ"

Về tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” mới được tìm thấy, PGS.TSKH Hà Minh Hòa, viện trưởng Viện Khoa học đo đạc và bản đồ (Bộ Tài nguyên - môi trường), khẳng định  “Chính lịch sử Trung Quốc đã khẳng định lãnh thổ của họ không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nghĩa là sau này họ mới vẽ vào bản đồ, nhận vơ của mình và không chứng minh được mình có chủ quyền với 2 quần đảo đó”.

Tấm toàn đồ Trung Quốc chỉ dừng lại ở cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam và không hề có cái mà gần đây họ vẫn gọi là "Tây Sa và Nam Sa" (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) 

Ngoài ra ông còn cho biết: “Tấm bản đồ đó đã khẳng định nơi non cùng đất tận của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Nếu ai nghiên cứu kỹ lịch sử sẽ biết ngày xưa người Trung Hoa không ra biển. Thậm chí đời nhà Thanh có luật ra biển bị tử hình. Ông thám hiểm hàng hải người Trung Quốc là Trịnh Hòa mà họ hay nói cũng chỉ là đi qua và thấy Hoàng Sa đẹp quá rồi mô tả lại chứ Trung Quốc không chiếm hữu, sử dụng liên tục trong giai đoạn dài ở đấy”.

Trong “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” không hề xuất hiện hình in, vẽ, tính toán, đo đạc tới các quần đảo ở biển Đông. Người Trung Quốc thời đó chỉ nhận đất đai tới cực nam là đảo Hải Nam. 

Như vậy, cùng với các tư liệu của Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Mỹ, tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Trung Quốc càng khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam và “đường lưỡi bò”, “Thành phố Tam Sa” đều là sự bịa đặt trắng trợn của chính quyền Trung Quốc.

Nhóm Phóng viên Petrotimes

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc