Cuộc trùng phùng lịch sử

06:54 | 10/10/2014

1,558 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiệm vụ tiếp quản thủ đô được trao cho Đại đoàn 308, trong đó có Trung đoàn Thủ đô. Anh Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng 308, Chỉ huy Mặt trận thủ đô 8 năm trước, hôm nay là Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố. Chủ tịch TP Hà Nội vẫn là anh Trần Duy Hưng năm đầu cách mạng.

Trên đường về tiếp quản thủ đô, một số đại diện cán bộ của 308 được triệu tập tới gặp Bác ở Đền Hùng tại Lâm Thao, Phú Thọ. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ đại đoàn phải triệt để chấp hành 8 chính sách của Chính phủ, 10 điều kỷ luật trong quân đội, “không được xâm phạm đến cái kim sợi chỉ của dân”, tôn trọng dân và giúp đỡ dân, thực hiện thật tốt nhiệm vụ tiếp quản thủ đô. Cuối cùng Bác hỏi: “Các chú có biết đây là nơi nào không?”. Anh Song Hào nói: “Thưa Bác, đây là đền thờ các vua Hùng...”. Bác nói tiếp: “Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”...

Ngày 9/10/1954, một số đơn vị của 308 vào trước tiếp quản các công sở, nhà máy từ tay quân Pháp. Thành phố đang bị đặt dưới lệnh giới nghiêm, không một bóng người, các ngôi nhà, cửa đều đóng kín. Một đơn vị tới Cầu Giấy làm thủ tục bàn giao. Những chiếc xe bọc thép của quân Pháp chưa kịp quay đầu thì từ ngôi nhà tranh xiêu vẹo bên đường đã xuất hiện một lá cờ đỏ sao vàng, những tiếng hô không biết từ đâu nổi lên: “Hồ Chủ tịch muôn năm!... Hoan nghênh các anh bộ đội trở về giải phóng thủ đô!”. Rồi những cánh cửa bật mở, bà con ùa ra, xúm xít xung quanh các chiến sĩ tủi tủi mừng mừng. Chỉ trong giây lát, cả dãy phố nghèo ở ngoại ô đã đỏ rực màu cờ.

Tại Nhà máy đèn Hà Nội, anh chị em công nhân đứng xếp hàng trước cửa với những bó hoa trên tay. Họ đã trải chiếu nằm tại sở mấy ngày qua, không cho quân địch tháo dỡ máy móc đem đi. Lời chào mừng của chị công nhân nghẹn đi vì nước mắt tuôn chảy. Bác thợ già ôm lấy anh chiến sĩ như gặp lại đứa con đi xa từ lâu. Ở các nhà máy, họ đều gặp những người thợ mang theo cơm nắm nằm chờ bộ đội tới từ mấy hôm nay.

Một bác ở Nhà máy điện Yên Phụ nói: “Biết các anh từ hồi còn chiến đấu ở Hà Nội kia mà!”. Tại nhà ga Hàng Cỏ, anh chị em vui vẻ cho biết vừa sửa xong một chiếc đầu tàu thật tốt, bảo đảm cho chuyến tàu đầu tiên xuất phát đúng giờ chào mừng bộ đội trở về. Quân Pháp lui dần qua cầu Long Biên, chấm dứt sự có mặt gần một trăm năm ở thành Hoàng Diệu.

Cuộc trùng phùng lịch sử

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Phạm Văn Đồng trên lễ đài cuộc mít tinh mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ trở về thủ đô

Sáng ngày 10/10/1954, những ngôi nhà cổ kính của Hà Nội đều sáng rực lên những lá cờ sao. Hôm trước trời mưa, nhưng đường phố sáng nay rất sạch. Cổng chào đã được dựng lên khắp nơi. Những cụ phụ lão khăn đóng áo dài trang nghiêm đứng chung quanh bàn thờ Tổ quốc. Tàu điện từ ngoại ô vào chật ních bà con ngoại thành. Sau nhiều năm tạm bị chiếm, thủ đô đã sống lại không khí ngày đầu tổng khởi nghĩa. Tất cả mọi người dồn ra hai bên đường chờ đón giờ phút lịch sử, đoàn quân chiến thắng trở về.

“Đường quen phố cũ đây rồi

Thủ đô tươi dậy mặt người như hoa

Vườn hồng ngớt gió mưa qua

Cờ hoa đỏ nắng, mái nhà vàng sao...”.

Anh hùng Nguyễn Quốc Trị, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô, dẫn đầu đơn vị bộ binh tiến vào Hà Nội. Người từ hai bên đường đổ xô ra đặt vào tay anh và các chiến sĩ những bó hoa tươi. Những chiếc lưỡi lê sáng ngời lấp lánh bên hoa. Tiếp sau là đoàn xe bộ binh cơ giới, pháo binh. Người Hà Nội không ngờ hầu hết cán bộ, chiến sĩ ta đều trẻ. Cái làm họ ngạc nhiên hơn là những người chiến sĩ nhỏ nhắn, hiền lành, giản dị này đã đánh thắng những tên lính Pháp cao lớn, dữ tợn, vũ trang đầy người, có cả máy bay, tàu chiến, xe tăng! Hàng Bông, Hàng Đào rộn ràng tiếng trống múa sư tử, múa lân. Pháo nổ rền, xác pháo đỏ hồng rải trên đường phố như những cánh hoa đào. Bên hồ Hoàn Kiếm, sinh viên, học sinh tụ tập kín vườn hoa Chí Linh như năm nào, hát những bài ca cách mạng.

15 giờ. Từ Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi còi dài. Các loa phóng thanh vang lên tiếng đồng chí Chủ tịch Ủy ban Quân chính đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào thủ đô: “Tám năm qua, Chính phủ xa rời thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.

Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể...

Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của thủ đô ta...”.

Với người dân Hà Nội, lòng Già Hồ vẫn như những ngày nào...

Bác và anh Trường Chinh còn ở lại Sơn Tây một thời gian. Tôi được Bộ Chính trị phân công cùng với các anh Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu chỉ đạo việc tiếp quản thủ đô.

Sáng ngày 11/10, chúng tôi về tới Hà Nội. Thủ đô vẫn giống như những ngày Cách mạng Tháng Tám khi Bác và chúng tôi từ chiến khu trở về. Rợp trời cờ đỏ. Những đường phố vào thu lác đác lá vàng. Những ngôi nhà kín đáo nấp dưới vòm cây. Hàng liễu rủ quanh Hồ Gươm, nước vẫn xanh ngắt. Chỉ khác với hồi tháng 12/1946 là không còn những chiếc xe nhà binh, những chiếc môtô Pháp gầm rú trên đường phố, không còn tiếng giày đinh của những tên lính mũ đỏ nện trên vỉa hè. Hà Nội rất ít thay đổi trong chiến tranh, vì người Pháp chưa lúc nào tin họ có thể tái định cư lâu dài như trước kia, mặt trận thường xuất hiện cách đây vài chục kilômét. Thành phố yên tĩnh, không khí trong lành.

Nơi tôi tới thăm đầu tiên là Nhà máy điện Yên Phụ. Tôi siết chặt tay những người thợ quần áo đầy muội than đã phá máy làm tắt nguồn điện của Hà Nội thay hiệu lệnh tiến công đêm 19/12/1946, hôm nay lại đấu tranh kiên cường với địch bảo vệ máy, giữ lại nguồn ánh sáng cho thủ đô. Tất cả các công sở tôi tới đều trống trơn, không còn một chút tiện nghi làm việc.

Một lần, tôi ghé qua Ngã Tư Sở định tìm lại Liễu Trang, ngôi nhà nhỏ xinh nơi Thường vụ vẫn họp trước khi rời Hà Nội. Bác và anh Trường Chinh đã có những lần tới đây. Nhưng hoàn toàn không còn thấy dấu vết. 9 năm chiến tranh là một thời gian không ngắn. Mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày đầy ắp những sự kiện. Nó đã mang lại bao đổi thay trong đời sống dân tộc, trong mỗi con người. Nó có thể xóa đi nhiều kỷ niệm.

Ngày 1/1/1955, Chính phủ và Trung ương Đảng trở về Hà Nội. Bác Hồ gặp lại đồng bào ở Quảng trường Ba Đình, nơi 9 năm trước Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Nụ cười của Bác Hồ trên lễ đài sẽ sáng mãi trang sử mới của Hà Nội nối tiếp Đông Đô, Thăng Long xưa. Chúng ta đã tổ chức cuộc duyệt binh lớn đầu tiên ở Hà Nội, một cuộc duyệt binh bộ đội, dân quân du kích chỉ mang theo toàn vũ khí của Pháp và Mỹ, từ vũ khí nhẹ, vũ khí nặng, đến các phương tiện thông tin đều là chiến lợi phẩm thu được trong chiến đấu. Ba chiếc xe tăng được đưa từ Điện Biên Phủ về, sửa chữa lại, mở đầu cuộc diễu hành.

Ngôi nhà phủ toàn quyền cũ nay trở thành Phủ Chủ tịch. Ngay từ khi mới tới, Bác đã chọn chỗ làm việc, cũng là nơi ở của Người tại căn nhà nhỏ của người làm vườn nằm sâu phía trong, dưới những vòm cây, bên cạnh một cái hồ.

Công việc của hòa bình dồn dập kéo tới. Hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng quân đội... Những công việc mới, những vấp váp mới. Hai năm qua rất nhanh. Quân Pháp từng bước rút về nước. Nhưng cuộc tổng tuyển cử cũng như những điều khoản khác của Hiệp định Giơnevơ đã không được thực hiện. Ở Nam Việt Nam, những người kháng chiến cũ bị ruồng bố, lùng bắt, phải chạy ra bưng biền, chạy lên rừng núi. Ngô Đình Diệm đã nhanh chóng thay thế Bảo Đại, lớn tiếng đòi “lấp sống Bến Hải”, đòi “Bắc tiến”. Nhân dân ta chuẩn bị lên đường đi tiếp chặng đường mới của cuộc trường chinh giành độc lập, thống nhất, so với chặng đường đã qua còn bội phần gian nan hơn...

(Trích Hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)