Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 15)

06:40 | 06/07/2014

1,595 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khối lượng công việc lớn, nhưng điều kiện thi công hết sức khó khăn. Mạng lưới đường ống hơi, đường ống nước, đường ống điện vừa nặng vừa cồng kềnh, lúc thì ở trên cao, lúc dưới hầm sâu. Điều kiện thi công chật hẹp và cùng một lúc, các phần công việc khác đan xen nhau. Công trường xây lúc này đang dồn dập ốp đá, trát vữa, quét sơn

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 14)

Trong cùng một diện tích hẹp đã có đủ mặt các loại thợ lắp, thợ xây, các loại dụng cụ, thiết bị. Trong lúc thợ xây đang trang trí hoàn thiện tường, trần thì thợ điện nhấp nhỏm đợi chờ bên cạnh để lắp hệ thống điện trên trần. Lợi dụng giàn giáo và các phương tiện của đội bạn bên xây vừa làm, cán bộ, công nhân lắp máy tổ chức làm thêm ca, thêm kíp. Mới đêm qua, trong phòng còn do bên xây làm chủ, sáng hôm sau các đoạn ống hơi, ống nước, ống điện đã được lắp đặt chằng chịt.

Mặc dù chạy đua với thời gian, tranh thủ mọi thời cơ để công việc hoàn thành với thời gian sớm nhất, song chất lượng công việc vẫn được đặt lên hàng đầu. Khẩu hiệu hàng đầu của công trường lúc này là: "Chất lượng là mệnh lệnh của trái tim", "Chất lượng là thể hiện lòng trung thành với Đảng với Bác". Phải "Đoàn kết hợp đồng, lập công tập thể". "Xây hỗ trợ lắp, lắp hộ trợ xây, triển khai toàn tuyến". "Năng suất ngày hôm nay phải cao hơn ngày hôm qua".

Không khí làm việc những ngày này như có chất men say của người lính ra trận năm xưa. Những câu hát, câu hò quen thuộc ngày nào lại vút cao trong những phút nghỉ ngơi như nhắc nhủ động viên bộ đội vượt qua những gian nan hiện tại. Trong khó khăn, tình đồng đội càng gắn bó keo sơn. Những sáng kiến không ngừng nảy nở. Ở hào thông hơi từ tầng ngầm lên tầng kỹ thuật cao 21m, trong hào không những lắp 5 ống hơi lớn mà còn là vị trí của thang điện. Đường ống dài theo phương thẳng đứng, các ống nằm sát nhau không có chỗ để thao tác bảo ôn và xử lý độ kín của mối nối... làm sao có thể lắp tốt và tránh được mọi nguy hiểm? Nhóm kỹ sư thông hơi, điều hòa đã đưa ra giải pháp: phân đoạn đường ống thành nhiều đoạn. Mỗi đoạn từ 2 đến 3 ống ghép lại. Dùng tời kéo từng đoạn ống để lắp và liên kết các đoạn vào với nhau, cứ như thế lần lượt lắp đến đoạn cuối cùng. Kết quả là cả 5 ống hơi được lắp nhanh, chất lượng tốt, an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe báo cáo về chất lượng thiết bị công trình Lăng

Cùng với những sáng kiến không ngừng phát sinh là những tấm gương lao động quên mình luôn nảy nở trong cán bộ, chiến sĩ, công nhân công trường. Lê Văn Duyệt, thợ hàn điện của đội lắp điện đang say mê hàn trên thang ở độ cao 2,5m bỗng lịm dần rồi ngất xỉu. Mọi người vội vã chạy đến đỡ Duyệt xuống và sau 30 phút cấp cứu, anh vừa tỉnh dậy lại thiết tha xin trở lại vị trí của mình. Anh đã làm việc liên tục mỗi ngày 12 giờ liền. Anh xin được làm như thế trong hàng tuần lễ để sớm xong công việc giải phóng mặt bằng cho bên xây. Ý chí của anh thật vô hạn.

Trọn cuộc đời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã hy sinh phần hưởng thụ riêng, cống hiến toàn bộ sức lực cho công việc chung. Phải chăng những chiến sĩ quân đội mà Người hằng chăm sóc giáo dục, những ngày này đã noi gương của Người.

Cuối tháng 12 năm 1974, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường lắp đã cơ bản hoàn thành lắp hệ mạng của hệ kỹ thuật.

Cùng thời gian này, đồng chí Trường Chinh đến thăm công trường. Đồng chí Trường Chinh xem xét tình hình thi công, đột nhiên đồng chí chỉ ra một đoạn ống hàn chưa thật thẳng. Đồng chí ân cần nhắc nhở: "Lăng Bác là công trình tôn nghiêm vĩnh cửu, các đồng chí phải làm thế nào đạt chất lượng tốt nhất, đẹp nhất". Đồng chí Trường Chinh chỉ nói vậy thôi, nhưng ngay ngày hôm sau, mọi người đề nghị được cắt bỏ đoạn ống đó thay bằng đoạn khác, thẳng và đẹp hơn. Cũng từ đó ý thức về chất lượng và mỹ thuật của công trình được quán xuyến sâu sắc hơn trong cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường.

Công việc đầu tiên của những người thợ lắp là hoàn thành phần điện trạm nguồn và các tủ bảng phân phối điện. Các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và thợ lắp máy lành nghề đã được huy động tới lắp trạm biến áp 3x1000 KVA. Cụm máy này được coi như quả tim của công trình. Trước ngày lắp đặt, các đội đã được nghiên cứu kỹ thiết kế, quy trình, quy phạm kỹ thuật. Các đồng chí chuyên gia luôn có mặt với cán bộ kỹ thuật Việt Nam chỉ đạo việc di chuyển lắp đặt và xử trí các tình huống phức tạp. Người ra vào Lăng tấp nập, hối hả. Từ dưới hầm sâu khu giữa, khu trái, khu phải lên tới độ cao 19 mét, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, bám trên thang, trên giá lắp tủ bảng điện các loại. Xen kẽ với thợ lắp tủ bảng điện là thợ lắp điện đèn chiếu sáng. Đèn trên trần, đèn trên tường, đèn ở những chỗ cheo leo ẩn khuất. Mỗi bộ đèn chiếu sáng đều có một mục đích, một ý nghĩa riêng, theo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật rất nghiêm ngặt. Quá trình lắp đèn chiếu sáng, những người thợ lắp đã cải tiến sơ đồ khối và điều chỉnh độ sáng để nâng hiệu quả của ánh sáng phục vụ nhân dân vào thăm viếng Bác tốt hơn.

Dưới hầm sâu, trên mặt nền, và cả ở những vị trí lơ lửng trên cao, hàng trăm động cơ điện từ 0,6KW đến 2.000KW đang được bàn tay của những người lính thợ nâng nhấc, đưa vào vị trí. Tại buồng điều độ trung tâm, từng tốp thợ lặng lẽ lắp các bảng điều khiển, kiểm tra hệ điều hòa không khí. Công việc tuy không nặng nề nhưng căng thẳng. Các bảng này rồi đây sẽ thay con người làm những công việc chi li tinh xảo, tự động báo những con số, những sai sót lệch lạc để kịp thời điều chỉnh hệ thống điều hòa.

Ở một phòng khác, tổng đài điện thoại 100 số, và hệ truyền hình công nghiệp cũng đang được lắp ráp tỉ mẩn công phu. Hàng trăm chi tiết lớn, nhỏ, trông đến rối mắt đang được những đôi bàn tay khéo léo và những bộ óc tỉnh táo ghép nối thành hệ thống hoàn chỉnh. Cạnh đó là một tốp thợ vừa lắp, vừa kiểm tra lại hệ tín hiệu bảo vệ, hệ tín hiệu báo cháy. Chỉ cần một sai sót nhỏ xảy ra trong các chi tiết máy đều có thể gây sự nhiễu loạn. Và sẽ thiệt hại cho công trình biết chừng nào nếu trong điều kiện khẩn cấp, các tín hiệu này không bảo đảm độ tinh nhạy chính xác.

Trong lúc có những bộ phận làm việc lặng lẽ căng thẳng thì ở đội kéo cáp động lực lại nổi lên tiếng dô hò, ầm ĩ và sôi động. Cáp tiết diện lớn nhỏ đang được các chiến sĩ giăng hàng, dồn hết sức lực kéo như kéo pháo để đưa vào vị trí lắp đặt. Đường kéo cáp vòng vèo, nhiều chỗ ngoặt khúc khuỷu. Số người kéo lên tới bốn năm chục mà vẫn trầy trật vất vả. Găng tay bảo hộ lao động không đủ, nhiều bàn tay rộp phồng, vậy mà không ai bỏ cuộc, không một ai kêu ca phàn nàn.

Khối lượng công việc nặng nề nhất, có tầm quan trọng đặc biệt nhất trong thời gian này là lắp hệ thống thông hơi, điều hòa nhiệt độ. Cuối tháng 2 năm 1975, các bộ phận máy móc này cập bến Hải Phòng. Cả công trường náo nức hẳn lên. Chỉ trong vòng một tuần, 240 tấn hàng đã được bốc dỡ về công trường.

Ngày 1 tháng 3 năm 1975, Bộ Chỉ huy lắp máy quyết định mở chiến dịch "40 ngày lắp xong hệ điều hòa". Đây là hệ thiết bị công nghệ cơ bản và tự động hóa cao nhất trong Lăng, có nhiệm vụ tạo ra môi trường tinh khiết, có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp phục vụ cho việc giữ gìn thi hài, phục vụ quần chúng đi viếng Bác và phục vụ nhân viên vận hành. Hệ điều hòa này còn có nhiệm vụ chống nấm mốc cho công trình. Ngày 2 tháng 3 năm 1975, tức là chỉ sau một ngày của chiến dịch đầy sôi động, một vinh dự bất ngờ lại đến với cán bộ, chiến sĩ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và động viên đơn vị.

Lắp đặt hệ thống điều hòa là công việc hoàn toàn mới mẻ với cán bộ, chiến sĩ, công nhân của đội lắp máy. Hệ thống máy này do Liên Xô thiết kế, nhưng máy móc được đặt làm ở một nước khác, các phụ tùng, linh kiện, các mô đuyn của máy lại do nhiều hãng thuộc nhiều nước như Nhật, Mỹ, Ý, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ... chế tạo. Tất cả hệ thông hơi, điều hòa, 4 hệ điều hòa trung tâm nặng 160 tấn, rất hiện đại, chưa từng có ở nước ta. Hỗ trợ cho hệ điều hòa trung tâm còn có các bộ làm lạnh cục bộ, các bộ sấy cục bộ, các máy điều hòa treo. Đưa không khí đã điều hòa đi có hàng chục máy quạt gió với tổng lượng gió trên 8 vạn mét khối giờ. Không kể hệ thống đường ống hơi chằng chịt, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường lắp còn phải lắp thiết bị lẻ như tiêu âm, van gió, mô tơ, lưới hút, thổi... Và một nhà máy lạnh có sáu cụm máy lạnh với tổng công suất hơn hai triệu rưỡi kilô calo/giờ, cũng được lắp đặt để phục vụ hệ thống điều hòa.

Thượng tướng Lê Trọng Tấn và Trung tướng Phùng Thế Tài kiểm tra công tác bảo vệ an ninh công trình Lăng

Đưa một khối lượng máy móc lớn vào trong Lăng quả là một việc không ít khó khăn. Đội lắp máy chẳng những đã phải huy động lực lượng các đội khác cùng giúp sức, mà còn phải không ngừng phát huy những sáng kiến trong quá trình làm việc. Để đưa máy nén nặng 7 tấn của trạm lạnh lên bệ, biện pháp thi công lúc đầu là "kích". Một vài lần làm theo phương pháp này, anh em thấy vừa tốn quá nhiều thời gian, sức lực, vừa không bảo đảm an toàn. Quá trình "kích" máy đã hai lần nghiêng vì nâng hạ kích không đều. Anh em đã đề nghị cho cố định pa-lăng vào sắt chờ, phía trên bệ máy để đưa máy vào bệ.

Nhờ sự cải tiến này, năng suất tăng 200%, bảo đảm an toàn tuyệt đối khi đưa máy vào bệ. Tốp thợ căn chỉnh máy nén cũng có những sáng kiến đáng kể, anh em sử dụng dụng cụ thông thường mất 12 giờ một máy. Sau khi nghiên cứu thiết kế một bộ tăng đơn giản cho phép nâng hạ máy với khoảng cách nhỏ tùy ý. Biện pháp này chẳng những làm cho việc căn chỉnh máy rất chính xác mà còn đưa năng suất lên 300%. Việc kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị trước khi lắp ráp máy cũng được cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường lắp tiến hành rất nghiêm khắc và tỉ mỉ.

Cùng với việc lắp hệ thống điều hòa nhiệt độ, đội lắp máy còn lắp hệ thống cấp thoát nước. Trong Lăng có hệ thống cấp và thoát nước. Quan trọng nhất là hệ thống nước kỹ thuật: Nước làm mát bình ngưng máy lạnh và hệ thống nước tải lạnh. Nhu cầu cấp nước cho Lăng rất lớn. Lượng nước của thành phố chưa đáp ứng được nên công trường đã xây dựng nhà máy nước riêng. Bảo đảm một ngày đêm cấp được một vạn khối nước. Ống dẫn nước đưa vào Lăng cũng được đặt hai đường, một sử dụng và một dự bị. Nhà máy nước này cũng có hệ thống lọc để bảo đảm chất lượng.

Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường lắp đã phải lắp 5 bình chứa nước dung tích từ 10 đến 50m3, gần 50 máy bơm các loại, 450 van khóa và một khối lượng ống nước lớn có đến 5.000m. Ngoài việc lắp các hệ thống máy móc cơ bản trên, anh em còn phải lắp nhiều máy móc cơ khí khác. Lắp thang máy đặc biệt. Lắp hệ thống bảo vệ gồm các cửa nặng, các cửa kín, cửa tròn, các van phòng sóng xung kích, và hệ quang treo giảm chấn.

Các máy móc ở đây thiết kế khá độc đáo, yêu cầu lắp ráp với độ chính xác cao. Hệ cửa bảo vệ có thể điều khiển từ xa. Thang máy có nhiều giải pháp thiết kế bảo đảm an toàn. Trong các loại máy móc tinh vi quan trọng có thiết bị quan tài. Thiết bị này do các đồng chí chuyên gia lắp. Quan tài trong suốt và kín. Máy móc nâng hạ quan tài cũng theo nguyên lý chuyển động chính xác đặc biệt. Hai mươi loại đèn nhiều tia, có màu khúc xạ bởi nhiều bộ lăng kính và hệ thoát nhiệt. Trình độ công nghệ và trình độ khoa học ở thiết bị này rất cao.

Tuy việc lắp ráp các máy móc tinh xảo đòi hỏi có trình độ khoa học kỹ thuật rất cao, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường lắp không những hoàn thành tốt mà còn phát huy được nhiều sáng kiến để thay đổi bổ sung cho thiết kế và lắp đặt được tốt hơn. Nhờ tinh thần chủ động, sáng tạo và tinh thần đoàn kết hiệp đồng cao của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường, chiến dịch 40 ngày đêm lắp máy đã hoàn thành thắng lợi. Đây cũng là tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ công nhân viên công trường đối với Bác với Đảng kính yêu.

10. Cùng với việc thiết kế, xây dựng Lăng Bác là việc thiết kế, cải tạo xây dựng lại Quảng trường Ba Đình. Nơi đây, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Xây dựng lại Quảng trường Ba Đình to đẹp hơn, trang nghiêm hơn, hiện đại hơn cũng là ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đây không chỉ là nơi nhân dân ta biểu dương lực lượng, biểu hiện ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mình mà còn là nơi nhân dân ta, các thế hệ mai sau cùng bạn bè năm châu quy tụ về đây thăm viếng Hồ Chủ tịch và tham quan những di tích lịch sử thời đại Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở phác thảo của ta, chuyên gia Liên Xô đã thiết kế Quảng trường, đường sá và vườn hoa tiếp giáp Lăng trên diện tích, bao gồm vườn Bách Thảo, khu lưu niệm và chỗ ở của Hồ Chủ tịch, Phủ Chủ tịch, Lăng, Hội trường Ba Đình... Trước mắt cải tạo xây dựng lại khu trước Lăng để kịp hoàn thành với Lăng trong dịp Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1975.

Ngày 10 tháng 4 năm 1974, Liên Xô cử một đoàn chuyên gia do đồng chí A.Lêốp, đại diện Xôviết Mátxcơva làm trưởng đoàn sang Việt Nam. Đoàn mang dự án thiết kế cải tạo Quảng trường và vườn hoa tiếp giáp Lăng sang Việt Nam để Nhà nước ta xem xét phê duyệt.

Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã triệu tập một hội nghị gồm đại biểu 14 bộ, ngành, địa phương có liên quan để giao nhiệm vụ. Đồng chí Đỗ Mười yêu cầu mỗi bộ, mỗi ngành cử cán bộ có năng lực tập trung nghiên cứu thiết kế của đoàn chuyên gia, đề xuất ý kiến trước khi Nhà nước xem xét và phê duyệt phương án này.

Chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của đồng chí Đỗ Mười, các đồng chí lãnh đạo cán bộ được giao trách nhiệm đã miệt mài nghiên cứu, thảo luận dự án của bạn. Ngày 7 tháng 5 năm 1974, biên bản làm việc giữa ta và bạn đã được ký kết. Kết quả của cuộc hội đàm này được báo cáo lên Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ. Bản dự án thiết kế của đoàn chuyên gia Liên Xô đã được phê duyệt. Một số thay đổi, bổ sung trong quá trình thảo luận đã được hai phía đưa vào bản dự án cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Theo thiết kế đã thống nhất thì Quảng trường Ba Đình, vườn hoa tiếp giáp và Lăng Bác là một quần thể kiến trúc thống nhất. Tổng diện tích cải tạo và xây dựng là 14ha. Quảng trường phía trước Lăng, diện tích 2,8ha, chứa khoảng 10 vạn người, chia thành 168 ô vuông trồng cỏ, giữa có lối đi rộng 1,4m. Xung quanh Quảng trường là hè rộng 7m và 4m lát bằng tấm bê tông cốt thép sỏi nổi trang trí. Tổng diện tích lát hè là 7.800m2. Dưới mặt đất là hệ thống tiêu thoát nước. Nước được thu dần về hai trạm bơm đặt ngầm dưới mặt đất. Mạng đường sá sẽ được làm lại rộng và chắc chắn hơn. Đường Hùng Vương, đi qua trước Lăng, làm bằng bê tông cốt thép, dài 1.060m, rộng 40m. Riêng đoạn trước Lăng rộng 60m. Đường Bắc Sơn dài 280m, rộng 60m, chia làm 2 làn, ở giữa là dải ngăn cách rộng 12m làm vườn hoa. Đường Ba Đình dài 400m, rộng 18m. Ngoài ra còn có đường xung quanh Lăng gồm các đoạn ra vào vườn hoa hai bên và phía sau Lăng...

Để cho Quảng trường khô ráo nhưng vẫn bảo đảm hàng trăm thứ cây cảnh, cây hoa, các vuông cỏ có thể sống tốt tươi, những người thiết kế Quảng trường hết sức chú ý đến hệ thống cấp thoát nước. Hệ thống này phải tiêu thoát nước cho một diện tích 14ha trong đó có Lăng, Quảng trường, hệ thống đường và các khu tiếp giáp. Một hệ thống ống cống bằng bê tông cốt thép đặt ngầm dưới các hè dọc đường với tổng chiều dài 4.200m được nối với mạng đường thoát nước của thành phố. Dưới các vuông cỏ của Quảng trường có các tầng lọc nước, mạng ống và mương ngầm. Đi đôi với hệ thống thoát nước, có hệ thống cấp nước. Hệ thống cấp nước chủ yếu để tưới cây, tưới cỏ. Đường ống dẫn nước được bố trí trên các khu vực Quảng trường, sau Lăng và đường Bắc Sơn.

Công trình điện cho Quảng trường chủ yếu cấp và phân phối năng lượng cho tất cả các thiết bị dùng điện chiếu sáng mặt ngoài Lăng, chiếu sáng Quảng trường, vườn hoa và các đường phố phụ cận. Quảng trường sử dụng các đèn thủy ngân cao áp và các đèn nêông đặt trên các cột cao.

Quảng trường còn có một hệ thống thông tin, truyền thanh, truyền hình. Các công trình này sẽ bảo đảm thông tin liên lạc, truyền thanh, thu thanh và thu phát hình tại chỗ.

Công trình cây xanh, cây cảnh và vườn hoa làm tôn vẻ đẹp và tạo ra không khí trong lành cho Lăng Bác và Quảng trường. Với công trình này các địa phương trên mọi miền đất nước có thể gửi về Thủ đô những cây xanh, cây cảnh và những loại hoa tiêu biểu cho vùng đất của mình.

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo Giữ yên giấc ngủ của Người

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc