Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 16)

06:33 | 10/07/2014

1,208 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hoàn thành một khối lượng công việc như thiết kế nói trên, lại trong một thời gian ngắn sao cho cùng xong với công trình Lăng. Công tác tổ chức, chỉ huy bảo đảm để nhanh chóng thi công là công tác rất thiết yếu lúc này.

Năng lượng Mới số 336

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 15)

 

Đúng ra, khi thành lập công trường xây dựng Lăng, Chính phủ có giao nhiệm vụ cho công trường gồm việc xây dựng Lăng và làm lại Quảng trường Ba Đình. Nhưng tới tháng 5 năm 1974, công trường xây Lăng có nhiều khó khăn trong tiến độ xây dựng, nên khó đảm đương nổi cả nhiệm vụ thi công Quảng trường. Vì vậy, ngày 5 tháng 6 năm 1974, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phân giao nhiệm vụ này cho các bộ, các ngành và các địa phương.

Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngay từ những buổi đầu, cán bộ kỹ thuật của quân đội đã tham gia thiết kế cải tạo Quảng trường và vườn hoa tiếp giáp Lăng với chuyên gia và chuẩn bị các phương án tổ chức bộ máy để giúp cho Ban Phụ trách Lăng theo dõi công trình này: Thành lập Ban Kiến thiết và một công trường thống nhất, hoặc do nhiều đơn vị thi công chuyên ngành. Cả hai phương án nói trên, quân đội sẽ cử một số cán bộ tham gia vào Ban Kiến thiết và nếu có yêu cầu thì sẵn sàng cử một lực lượng tham gia thi công trực tiếp.

Ban Phụ trách Lăng đã trao đổi với Bộ Quốc phòng về sự cần thiết phải có một cơ quản lý thi công có đủ năng lực vừa làm nhiệm vụ Ban Kiến thiết vừa làm tham mưu giúp Ban Phụ trách. Ban Phụ trách xây dựng Lăng ủy nhiệm cho Bộ Quốc phòng tổ chức khung Ban Kiến thiết Quảng trường, lấy quân đội làm nòng cốt. Ngày 29 tháng 6 năm 1974, Ban Kiến thiết Quảng trường Ba Đình đã được thành lập, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ban Phụ trách. Cùng ngày Bộ Tổng tham mưu ra chỉ thị quyết định về cơ cấu Ban Kiến thiết và lấy cán bộ của Phòng sân bay Bộ Tư lệnh Công binh là nòng cốt.

Đưa thi hài Bác từ K84 về Lăng ngày 18 tháng 7 năm 1975

Ban Kiến thiết Quảng trường gồm 75 người, trong đó 85% là cán bộ kỹ thuật quân đội. Ngoài ra còn có cán bộ của các Bộ Vật tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng tham gia. Đồng chí Nguyễn Văn Tưởng được cử làm Trưởng ban Kiến thiết Quảng trường.

Ngày 1 tháng 9 năm 1974, công trường cải tạo Quảng trường chính thức khởi công. Tin chiến thắng ở chiến trường, cùng với tốc độ thi công khẩn trương trong giai đoạn chót của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ở công trường xây Lăng đã cổ vũ mọi người trên công trường kiến thiết Quảng trường Ba Đình. Các bộ, các ngành và thành phố Hà Nội, mỗi ngành, mỗi địa phương nhận thi công một khu vực hoặc một việc chuyên ngành. Tuy Nhà nước chưa có đủ vật tư, các đơn vị thi công phải tự giải quyết lấy, Nhà nước sẽ trả sau. Song người và nguyên vật liệu từ các ngả đường ùn ùn tiến về Quảng trường. Bộ này thi đua với Bộ kia, ngành này thi đua với ngành kia. Các đơn vị thi công nhà cửa và hàng rào lập thành một khối do Bộ Xây dựng làm tổng B. Các đơn vị thi công chuyên ngành làm việc trực tiếp với Ban Kiến thiết Quảng trường.

Mười bốn công ty của các bộ và thành phố Hà Nội tham gia xây dựng và giải phóng mặt bằng. Công trường luôn có hàng nghìn người lao động. Lúc này đang là đầu mùa thu, trời se lạnh nhưng Quảng trường như sống lên bởi không khí lao động nồng nhiệt, khẩn trương của mọi người. Tiếng tường đổ, tiếng cuốc xẻng đào xới, tiếng hò reo... không khí Quảng trường lúc nào cũng náo nhiệt.

12. Ngày 31 tháng 8 năm 1974, Liên Xô mới gửi bản thiết kế cơ bản sang cho công trường, chưa có thiết kế thi chi tiết và bản vẽ thi công. Đi đôi với việc giải phóng mặt bằng, Ban phụ trách xây dựng Lăng đã huy động cùng một lúc hơn 100 cán bộ của 13 Viện Thiết kế chuyên ngành đến Quảng trường triển khai cụ thể hóa thiết kế của bạn.

Ngày 20 tháng 11 năm 1974, công trường bước vào thi công các công trình theo thiết kế mới. Có lẽ từ trước đến lúc này chưa có một công trường lao động nào nhân lực được lựa chọn tinh nhuệ đến như vậy. Toàn bộ Quảng trường như một sự huy động tổng hợp lực lượng chuyên ngành.

Lực lượng của Bộ Giao thông Vận tải, có đủ các loại xe tải đang lăn bánh rầm rập chuyển nguyên vật liệu, thiết bị từ các nơi về công trường cho tất cả các đơn vị thi công. Lực lượng của họ còn được rải ra trên các trục đường chạy dọc, chạy ngang trên Quảng trường. Tất cả các đường bê tông nhựa đều do họ đảm nhiệm.

Lực lượng của Bộ Xây dựng tiến hành khai thác, sản xuất, gia công nguyên vật liệu, cấu kiện bê tông đúc sẵn cho toàn công trường. Họ còn là những người thi công các hạng mục công trình Quảng trường, hệ thoát nước, cấp nước, điện chiếu sáng, lát gạch và tấm bê tông cho hè đường và cải tạo, lắp đặt thiết bị Nhà chỉ huy trung tâm...

Cánh quân của Tổng cục Bưu điện thi công toàn bộ công trình thông tin, truyền thanh, phát thanh và truyền hình...

Đội quân của Tổng cục Lâm nghiệp là những con người đang đem lại màu xanh cho Quảng trường, cho các đường quanh Lăng, và cho khu vườn của Bác. Công việc đầu tiên của họ là tiếp nhận hàng trăm thứ cây xanh, cây cảnh và các loại hoa của nhân dân từ trăm vùng đất nước gửi tới. Mỗi cây hoa, cây cảnh biểu hiện nồng thắm tấm lòng của nhân dân các địa phương đối với Bác - Qua bao nhiêu chặng đường mưa nắng gió sương nó vẫn tươi xanh như mầm chồi búp. Các anh chị trong ngành lâm nghiệp hơn ai hết biết cái giá của mỗi loại cây được chuyển tới đây. Họ sẽ trồng những loại cây này đúng nơi, đúng chỗ như bản thiết kế quy định, như ước mong của nhân dân.

Những cây chò nâu từ đất tổ Hùng Vương đã được chuyển tới. Các nhà thiết kế đã nghĩ đến việc trồng loại cây này trên con đường lớn nhất, trang trọng nhất chạy trước Lăng Bác. Đó là đường Hùng Vương. Đây là loại cây cao, thẳng, tán lá rộng có màu xanh đậm. Tất cả các cây được lựa chọn gần như cùng một lứa tuổi, độ lớn, độ cao giống nhau. Những cây chò nâu Đất Tổ sẽ tạo cho con đường một vẻ đẹp, một sức sống bền vững thiêng liêng.

Hai bên đường Bắc Sơn sẽ trồng hai hàng hoa ban giáp lòng đường và hai hàng dầu nước bên trong. Hoa ban gợi nhớ một vùng đất mang chiến công oanh liệt của cả nước: Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc rất quý loài hoa này. Họ gửi về công trường một loại hoa cây to, cao, hoa trắng muốt và nở từ tháng 5 trở đi, những cánh hoa ban là thể hiện tấm lòng thủy chung, thanh bạch của họ gửi về Bác trong những dịp sinh nhật của Người.

Những cây dầu nước bên trong là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần kiên cường, bất khuất “đi trước về sau”, bám trụ trên mảnh đất quê hương đến thắng lợi cuối cùng của đồng bào chót mũi Cà Mau.

Ngoài hàng rào, hai bên đường Hùng Vương và Bắc Sơn, cán bộ, công nhân viên Lâm nghiệp trồng những hàng phi lao - một loài cây tượng trưng cho sự chịu đựng gan góc trước nắng, mưa bão táp. Cây phi lao hầu như sống được ở khắp nơi. Những vùng cát trắng ven biển, những đồi núi khô cằn...

Đôi bàn tay của người thợ Lâm nghiệp còn vinh dự được trồng những loại cây có ý nghĩa lịch sử, như trúc Pác Bó mọc dưới núi Các Mác và bên suối Lênin, từng gần gũi với Bác trong năm gian nan khốc liệt của đất nước, những cây đa Tân Trào - kỷ niệm những ngày Bác đến Tân Trào, những ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời. Những cây luồng, cây tre vùng Lam Sơn, Thanh Hóa - tiêu biểu cho ý chí quật khởi của các cuộc khởi nghĩa của anh hùng dân tộc Lê Lợi... Những người thợ Lâm nghiệp còn được đón nhận những thứ cây quý từ miền Trung gửi về như cây quế Trà My, nổi tiếng về chất lượng và mùi thơm, cây loòng boong Quảng Nam - Đà Nẵng, một thứ cây đặc sản từng nuôi sống cán bộ, chiến sĩ miền Trung trong những năm chống Mỹ ác liệt...

Hàng trăm loại cây ăn quả mà trước đây Bác vẫn chăm bón hàng ngày, lấy quả làm quà gửi tặng các chiến sĩ quân đội, các cháu thiếu nhi và nhân dân các vùng như vú sữa, cam, chanh, bòng, bưởi... cũng được quy hoạch lại, chăm chút thêm để tiếp tục sinh sôi nảy nở bên Người.

Còn những chàng trai, cô gái thanh lịch thủ đô, thi công toàn bộ hệ thống đường ống cống thoát nước, trồng cỏ, trồng hoa và cây cảnh. Các cô gái Công ty Công viên cấy xuống Quảng trường những vuông cỏ, vừa có sức chịu nắng mưa, vừa xanh tốt bốn mùa. Ở vườn hoa tiếp giáp, họ đang nâng niu những loại hoa có nhiều ý nghĩa, như các cây đào được chiết ra từ cây đào Tô Hiệu, và những cành mai đủ màu sắc chỉ quen sống ở vùng đất phía Nam.

Phía sau Lăng một chút, những bồn hoa nhiều hương sắc mà sinh thời Bác vẫn ưa thích như nhài, hương mộc, dạ hương... được trồng xen kẽ với nhau, và vô vàn những loài hoa khác đặc sắc về màu sắc và hương thơm được nhân dân các địa phương gửi tới. Đồng bào cả nước muốn Bác nằm giữa muôn vàn hương thơm của hoa lá. Hoa lá như tấm lòng của nhân dân cả nước muốn được vây quanh Bác, muốn được quấn quýt bên Người.

Ở hai phía Lăng là loại ngọc bút trắng, cạnh hoa tường vi hồng tươi, phía trước, sát bên Lăng Bác là hoa hàng vạn tuế. Dưới chân Lăng là hai cây đại tượng trưng cho sự thanh khiết, trường tồn.

Ngoài các bộ, các ngành, thành phố Hà Nội, xây dựng Quảng trường còn có lực lượng của 14 tỉnh, thành tham gia. Việc phối hợp, điều hòa sao cho hợp với tiến độ, kế hoạch chung là việc không dễ dàng. Mặt khác vật tư thiết bị lúc thiếu, lúc chậm cũng làm cho công trường gặp không ít khó khăn.

Lực lượng lao động gồm nhiều thành phố khác nhau, nếu tổ chức phối hợp không tốt sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, do đó các chỉ tiêu kế hoạch của các đơn vị thi công đạt rất thấp. Ban Kiến thiết Quảng trường sớm nhận thấy phải có biện pháp củng cố về tổ chức, vì vậy đã đề nghị Ban Phụ trách xây dựng Lăng thành lập một Ban chỉ huy chung để điều hành công việc phối hợp cho nhịp nhàng ăn khớp do trưởng Ban Kiến thiết làm chỉ huy trưởng. Tháng 2 năm 1975, Ban chỉ huy này được thành lập và quả nhiên tình hình thi công có khá hơn.

Ban chỉ huy chung đã đề nghị với Ban Phụ trách huy động thêm lực lượng chi viện. Cán bộ, công nhân viên ở các cơ quan trung ương và Hà Nội, các sinh viên ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp đã hăng hái tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, chi viện đắc lực cho công trường. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1974, lực lượng này đã góp được khoảng bảy vạn ngày công.

Tháng 6 năm 1974, tính chung toàn công trường mới hoàn thành được khoảng 60% khối lượng. Ban Phụ trách Lăng đã đề nghị Bộ Quốc phòng chi viện thêm lực lượng. Thế là, một lần nữa quân đội đã điều động khẩn cấp một lực lượng gồm hai trung đoàn: Trung đoàn Trung Dũng của Đồng Bằng và Trung đoàn Tân Trào của Quân khu Việt Bắc đến Quảng trường Ba Đình.

Họ là lực lượng cơ động của Ban Kiến thiết Quảng trường, xung kích ở những “điểm nóng”. Lực lượng làm đường thiếu người, có bộ đội bổ sung; lực lượng trồng cây cần người đào hố, có bộ đội chi viện... Bộ đội còn có mặt trong các lực lượng xây lắp hệ thống thông tin, phát thanh, truyền hình và các công việc phức tạp khác. Chỗ nào gặp khó khăn, bộ đội sẵn sàng tới chi viện.

Tuy không phải là lực lượng kỹ thuật, chuyên ngành, song nhờ có lãnh đạo và chỉ huy chặt chẽ, bảo đảm vật chất và hậu cần có nền nếp nên ở mọi nơi, mọi chỗ bộ đội tham gia đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cán bộ, chiến sĩ hai trung đoàn Trung Dũng và Tân Trào đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần lao động quên mình, và về năng suất và chất lượng công việc, xứng đáng với truyền thống “Đánh đâu được đấy” của quân đội ta. Sự có mặt của họ trong lúc công trường đang khó khăn đã gây được niềm tin yêu của mọi người, thúc đẩy và động viên mọi lực lượng nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng thời hạn quy định.

Thế là gần năm năm, kể từ ngày Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên xây dựng Lăng, cải tạo Quảng trường Ba Đình đã vượt trăm nghìn gian khó, những gian khó tưởng chừng không thể vượt qua được để lúc này có thể báo cáo với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân rằng: Ngôi nhà vĩnh hằng của Bác, Quảng trường Bác đọc Tuyên ngôn độc lập năm xưa đã được xây dựng tốt đẹp, trọn vẹn.

Tất cả đã sẵn sàng đón Bác về giữa trái tim Tổ quốc!

Ngày 22 tháng 8 năm 1975, các đơn vị quân đội tham gia xây dựng Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình tổ chức lễ mừng công hoàn thành nhiệm vụ trong không khí tràn ngập niềm vui. Đến dự, có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và đông đảo đại diện các quân khu, quân chủng, binh chủng, cơ quan Bộ Quốc phòng và đại diện của các bộ, các ngành có liên quan. Các đồng chí lãnh đạo rất vui vẻ tự hào về những chiến sĩ yêu quý của mình. Họ đã giữ đúng lời hứa trước Đảng và nhân dân. Họ đã xứng đáng là những đại diện ưu tú của lực lượng vũ trang đi xây dựng Lăng Bác. Họ đã góp phần quan trọng lập nên những kỳ tích trong lao động, để lại một dấu son góp phần tô thắm lịch sử anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Vào mùa xuân năm 1974, một ngày khoảng giữa tháng 2, đoàn cán bộ Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh dẫn đầu, trước khi trở lại chiến trường chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã lên K84 viếng Bác. Ngày hôm ấy, những người con của mảnh đất thành đồng, mảnh đất mãi mãi nằm trong trái tim vĩ đại của Người đã im lặng đứng trước linh cữu, thầm hứa sẽ làm trọn những lời di chúc thiêng liêng của Người. Trong chiếc hòm kính trong suốt, Bác nằm thanh thản, trên đôi môi như vẫn còn phảng phất một nụ cười và hơi ấm từ thân thể Người như vẫn còn lan tỏa khắp khu rừng đang tràn ngập mùi hương của các loài hoa. Dường như Người vừa mới đi dạo trở về đang say nồng trong một giấc ngủ yên lành.

Mùa xuân lịch sử 1975, vào lúc Cuộc tổng tiến công nổi dậy diễn ra như vũ bão trên khắp chiến trường miền Nam thì ở khu đồi K84, các chiến sĩ Đoàn 69 cũng bước vào những đợt luyện tập cuối cùng, bởi ai cũng hiểu rằng thắng lợi đã gần kề, Lăng Bác gần hoàn thành và họ sắp được đón Bác về Lăng. Hơn 150 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 144 cũng được lệnh hành quân lên một vùng đồi ở Vĩnh Phú, dựng lên một mô hình giống như mô hình của Lăng, để luyện tập. Những động tác bồng súng đứng nghiêm, đi đều đổi gác, khênh hoa, dẫn khách đã được tập đi tập lại nhiều lần giữa những trưa hè nắng gắt cho đến khi thật thuần thục. Kết thúc thời gian luyện tập, các cán bộ, chiến sĩ kể trên trở về Hà Nội kết hợp với một số cán bộ, chiến sĩ ở cơ quan lữ đoàn thành lập đoàn 275 làm nhiệm vụ chủ yếu gác, tiêu binh danh dự và bảo vệ an toàn khu vực Lăng. Đó cũng là tiền thân của Đoàn 275 hiện nay.

Cho đến những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, cả khu rừng K84 sống trong một tâm trạng rạo rực và xao động. Tin chiến thắng từ chiến trường dồn dập bay về. Suốt ngày đêm cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 vừa làm nhiệm vụ vừa theo dõi diễn biến chiến sự và truyền cho nhau nghe từng tin chiến thắng. Khuôn mặt người nào cũng sáng bừng lên và tràn đầy xúc động. Đó là những ngày thật lạ lùng, mọi người vừa có cái gì như thảng thốt vừa như sung sướng. Những vất vả hy sinh của cả một dân tộc suốt 30 năm qua, những nỗi đau mà trái tim vĩ đại của Bác hằng đau nhói đêm đêm đã sắp được quân và dân ta đền đáp trọn vẹn.

Các chuyên gia Liên Xô, những người đồng chí, những người bạn từng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với các đồng nghiệp Việt Nam cũng không giấu nổi được niềm vui và xúc động. Trong phòng ngủ của đồng chí tổ trưởng chuyên gia Cadanxép, có một tấm bản đồ Việt Nam. Cadanxép đã làm rất nhiều những cây cờ đỏ nhỏ. Cứ mỗi lần có tin một thành phố, một tỉnh lỵ ở miền Nam được giải phóng, ông lại cắm một cây cờ đỏ lên vùng đất đó trên bản đồ và khi lá cờ cuối cùng của Cadanxép được cắm trên mảnh đất Sài Gòn thì các chuyên gia Liên Xô cũng chạy ùa cả ra ngoài hành lang ôm chầm lấy các đồng nghiệp Việt Nam reo hò chiến thắng.

Không thể nói hết được niềm sung sướng đến bàng hoàng của các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69, khi nghe tin miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Đó là một ngày đầu tháng 5 êm ả, sáng lấp lóa trên những tán rừng, trên những ô kính trong ngôi nhà Bác đang yên nghỉ. Mọi người ở các bộ phận đều dừng làm việc để ra ôm chầm lấy nhau reo hò đến khản cả giọng. Thế là đã chấm dứt, chấm dứt vĩnh viễn những đau khổ mà nhân dân cả nước phải chịu đựng hơn ba chục năm trời. Từ đây, Bác sẽ được yên nghỉ thanh thản, sẽ không còn những cảnh sơ tán vì bom, đạn Mỹ và không bao lâu nữa, nhân dân cả nước sẽ được đến Quảng trường Ba Đình lịch sử để vào Lăng viếng Người.

Ngày 26 tháng 5 năm 1975, Ban Chỉ huy Đoàn 69 nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng chuẩn bị chu đáo mọi mặt để đón Bác về Lăng. Từ đây, đơn vị bắt đầu chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới, một nhiệm vụ mới. Đó là nhiệm vụ vừa bảo vệ giữ gìn thi hài Bác, vừa quản lý vận hành Lăng, đón tiếp nhân dân và khách quốc tế vào viếng Bác.

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo Giữ yên giấc ngủ của Người