Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 7)

07:00 | 08/06/2014

2,153 lượt xem
|
Khi chiếc xe Páp dừng lại, tắt máy trước cửa ngôi nhà kính, hai thanh sắt lại được bắc song song ở phía sau thùng xe. Lại những phút giây căng thẳng mới, đưa xe lên đã khó, đưa xe xuống lại càng khó khăn hơn.

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 6)

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 5)

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 4)

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 3)

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 2)

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 1)

Chiếc xe hồng thập tự nổ máy. Hai bánh sau của xe rồi hai bánh trước bám vào hai thanh ray từ từ lùi xuống. Cả bốn bánh xe đã nằm gọn trên hai thanh sắt ở một độ dốc 30 độ. Bên dưới là khoảng trống. Xung quanh bỗng im phắc, mọi người như nín thở. Không ai còn nghe thấy tiếng gió chạy rào rào giũ nước trong rừng thông. Không gian chỉ còn tiếng xe rú nhè nhẹ, bốn bánh xe từ từ lăn trên hai thanh sắt. Và khi chiếc hồng thập tự đỗ thăng bằng đủ bốn bánh trên mặt đất, mọi người ồn lên. Vì quá căng thẳng và xúc động, đồng chí Sướng xỉu thiếp đi trên vòng tay lái.

Sau tám tháng trời xa cách, trở lại K84 lần này mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của khu căn cứ. Mặc dù chỉ còn một bộ phận nhỏ ở lại nhưng cơ sở vật chất được phát triển khá phong phú. Ngay buổi tối hôm ấy, để mừng thắng lợi của cuộc di chuyển, Ban chỉ huy Đoàn đã cho anh em một bữa liên hoan bằng những vật phẩm của các chiến sĩ làm ra.

Ngày hôm sau, để đề phòng địch đổ bộ đường không, Đoàn đã tổ chức cho anh em ngụy trang cắm cọc bố phòng ở những khoảng trống. Ba khẩu đội pháo 14 ly 5 của E20 F361 Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân cũng được điều về bổ sung cho Đoàn, bố trí trên ba ngọn đồi xung quanh căn cứ, tạo thành một thế chân kiềng vững chãi. Ngoài ra, những ngày tiếp theo Bộ Tổng tham mưu còn điều tiếp một đại đội bộ binh của Lữ đoàn 144 đứng ở vòng ngoài, sẵn sàng tiêu diệt bọn biệt kích một khi chúng liều lĩnh đổ bộ xuống căn cứ.

Các chiến sĩ Đoàn 69 tại khu nhà kính giữ gìn thi hài Bác tại K84

Vẫn chưa thật yên tâm, đồng chí Phùng Thế Tài còn chỉ thị cho xây ba lô cốt xung quanh nhà kính. Nhưng Ban chỉ huy Đoàn đề nghị Bộ điều cho ba chiếc xe tăng thay cho việc xây lô cốt. Ba xe tăng cũng là ba chiếc lô cốt nhưng có khả năng cơ động cao. Ý kiến của Đoàn được Bộ Tổng tham mưu chấp thuận và ba chiếc T34 có trang bị pháo ĐKZ84 của Trường sĩ quan Thiết giáp đã được điều về đứng trong đội hình chiến đấu của Đoàn.

Do các đơn vị phối thuộc nhiều như vậy, quân số của Đoàn tăng vọt lên, việc bảo đảm lương thực, thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị mới đến phải nằm võng. Địa bàn đứng chân rộng, bếp ăn lại tập trung nên việc đi lại, ăn uống cũng rất vất vả, có những bộ phận đi xa hàng cây số lấy cơm về.

Trước tình hình đó, có hai nhiệm vụ mà Đảng ủy và Ban chỉ huy Đoàn chú trọng triển khai cùng một lúc: bảo đảm giữ gìn thi hài Bác ở mức độ tốt nhất, đi đôi với việc khắc phục chỗ ăn, chỗ ở cho từng bộ phận, nhất là các bộ phận mới đến.

Nhờ có tính năng động của các cán bộ và chiến sĩ trong Đoàn, chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả các ngôi nhà dột nát đã được sửa chữa, nhiều ngôi nhà mới đã được xây dựng. Tuy chưa thật khang trang nhưng cũng đủ để các bộ phận sinh hoạt và làm việc.

Giải quyết xong chỗ ăn, chỗ ở, Ban chỉ huy Đoàn lại gặp khó khăn khác, đó là tư tưởng chán nản, không thông suốt với nhiệm vụ của một số đơn vị mới đến, đặc biệt là đơn vị pháo cao xạ. Số anh em ở bộ phận này phần lớn nhập ngũ từ năm 1962, 1963, đã từng trải qua nhiều thử thách, lập được nhiều chiến công nhưng quân hàm vẫn chỉ là binh nhì, binh nhất. Quyền lợi chính trị cũng không được giải quyết thỏa đáng...

Sự chán nản nảy sinh cũng còn bởi một lẽ, anh em không hề biết mình về đây để làm gì. Đang lao vào cuộc chiến đấu sôi nổi, bỗng dưng bị thu về một góc rừng, lại quá nhàn rỗi, không được tiếp xúc với dân. Anh em có mặc cảm như đang phải chịu một hình thức kỷ luật.

Ban chỉ huy Đoàn hiểu rằng, nếu được nói rõ cho anh em chiến sĩ cao xạ hiểu, họ đang lãnh nhận một nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ thi hài Bác thì dù khó khăn đến đâu, thiệt thòi đến đâu, chắc chắn sẽ không một ai kêu ca, phàn nàn. Nhưng những gì thuộc về nguyên tắc thì phải tuyệt đối tôn trọng. Hơn nữa, công tác bảo mật luôn luôn được Đoàn đặt lên hàng đầu, coi đó là yếu tố quan trọng nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Trước tình hình đó, một mặt, Ban chỉ huy Đoàn tích cực động viên anh em, mặt khác đề nghị với Bộ Tổng tham mưu giải quyết tất cả các mặt tồn đọng của chính sách và đơn vị đã đi sâu vào tâm tư, tình cảm của anh em giải quyết từng việc cụ thể, chỉ một thời gian ngắn, đơn vị pháo cao xạ đã trở thành một đơn vị mạnh của Đoàn.

Cùng chia sẻ gian khổ với cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn là các chuyên gia Liên Xô. Công việc chủ yếu của các đồng chí chuyên gia là làm thuốc cho Bác. Bạn được ưu tiên ở một khu nhà riêng biệt, sát cạnh ngôi nhà kính để thi hài Bác. Thường xuyên giao dịch với bạn chỉ có các đồng chí trong Ban chỉ huy Đoàn và bộ phận đối ngoại. Biết những người đồng chí phải xa gia đình quê hương sang sống giữa vùng rừng núi heo hút này vì một nghĩa vụ cao cả, Ban chỉ huy Đoàn cũng như bộ phận đối ngoại đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để làm dịu bớt những thiếu thốn vật chất và tình cảm mà những người đồng chí, những người bạn đang phải chịu đựng.

Một lần biết đồng chí Đê-bốp, trưởng đoàn chuyên gia rất thích nuôi chim, Đoàn đã cử người về Hà Nội mua một chiếc lồng và một con vẹt thật đẹp. Đồng chí Đê-bốp rất thích. Hầu như rảnh lúc nào đồng chí Đê-bốp cũng ngồi trước lồng chim. Những lúc đó đôi mắt đồng chí nheo lại, miệng huýt sáo khe khẽ. Có một đêm, do làm thuốc cho Bác quá khuya, khi Đê-bốp đi nghỉ thì đã 12 giờ đêm. Sáng ra bác sĩ Nguyễn Gia Quyền có việc phải lên phòng của Đê-bốp, bỗng phát hiện ra con vẹt đã cắn đứt nan lồng bay đi mất. Biết Đê-bốp còn ngủ cho tới 10 giờ trưa, đồng chí Quyền một mặt cho người về Hà Nội mua lại một con vẹt khác, một mặt cho anh em chia nhau vào rừng tìm. Tìm một con chim giữa rừng quả không khác gì "tìm kim đáy bể". Nhưng thật kỳ lạ, chỉ 15 phút sau, các chiến sĩ cảnh vệ đã tìm thấy con vẹt đang đậu ngơ ngác trên một ngọn lau bên đầm nước và đã khéo léo bắt được nó đem về trong khi đồng chí Đê-bốp còn đang ngủ. Câu chuyện nhỏ này chứng tỏ tấm lòng của những cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn đối với các đồng chí chuyên gia chu đáo và tế nhị biết chừng nào...

Cải tiến xe bọc thép BTR-60 thành xe lội nước chở thi hài Bác

Như để đáp lại tấm lòng ấy, các đồng chí chuyên gia Liên Xô cũng làm việc hết sức mình, đáp ứng mọi yêu cầu của người bạn đồng nghiệp Việt Nam. Vừa làm việc, vừa truyền đạt lại những kinh nghiệm, những bài học mà bạn được phép truyền đạt. Sau giờ làm việc mỗi ngày, bạn cũng có mặt ở sân bóng chuyền, bóng bàn hoặc đi dạo mát dưới những rặng thông thoáng đãng vàng rực trong ánh hoàng hôn đang lặn xuống sau những dãy núi cao hùng vĩ...

Thời gian lại lặng lẽ trôi qua trên khu đồi thơ mộng và yên tĩnh. Con sông sau mùa lũ lụt dữ dội hiếm thấy trong lịch sử lại thu mình chảy hiền hòa, êm đềm giữa hai bờ lau sậy xanh biếc. Rồi tết đến, một cái tết thật yên ả. Mọi người đón xuân bên những cành đào, những đòn bánh chưng xanh. Đó là một mùa xuân đầy đủ, ít xáo động nhất của những người lính Đoàn 69 kể từ khi được thành lập. Đó cũng là mùa xuân thứ ba, đất nước ta, dân tộc ta vắng Bác.

5. Mùa hè năm 1972, một mùa hè đỏ lửa và đẫm máu trên chiến trường miền Nam. Sau những trận đánh dữ dội ở Quảng Trị, chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Bình Long... Thế và lực giữa ta và địch đã thay đổi. Quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn nhiều thị xã, thị trấn. Nhiều con đường chiến lược quan trọng đã bị cắt đứt. Học thuyết "thay màu da xác chết" của Ních-xơn đã bị giáng trả một đòn nặng nề, cơ hồ không thể nào có thể đứng vững được nữa.

Thế và lực trên chiến trường thay đổi dẫn đến sự thay đổi thế và lực trên bàn hội nghị ở Pari. Khả năng ký kết một hiệp định ngừng bắn đã xuất hiện. Nhưng giống như một con thú dữ đã bị thương nặng, Ních-xơn điên cuồng đe dọa ném bom trở lại miền Bắc. Còn Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống ngụy quyền Sài Gòn thì gào thét đòi tái chiếm vùng giải phóng. Suốt trong mùa thu và mùa đông năm ấy, những trận đánh dai dẳng, giành giật từng tấc đất đã diễn ra trên hầu khắp các chiến trường trọng điểm.

Song song với việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở miền Nam, Ních-xơn liều lĩnh dùng máy bay B52 đánh phá trở lại miền Bắc, dùng thủy lôi phong tỏa mặt biển, hy vọng có thể giành được ưu thế trước khi một hiệp định ngừng bắn được ký kết.

Tất cả những diễn biến quân sự ấy đều đã được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương dự tính và chuẩn bị đối phó. Ngay từ những ngày giữa tháng 5, khi tin chiến thắng dồn dập bay về Hà Nội, Bộ Chính trị đã có kế hoạch đưa nhân dân và các cơ quan trong nội thành, nội thị và một số khu công nghiệp lớn tiếp tục sơ tán về nông thôn và các khu căn cứ rừng núi.

Vào những tháng ngày sôi động ấy, một bầu không khí lo âu bao trùm lên khu căn cứ của Đoàn. Mỗi khi có tiếng máy bay bay qua bầu trời của khu căn cứ và nghe tiếng bom rền rĩ từ thủ đô và các vùng xung quanh dội về, lòng mọi người lại thấp thỏm, bồn chồn.

Đề phòng máy bay Mỹ có thể ném bom phá hủy khu căn cứ, Ban chỉ huy Đoàn quyết định chuyển thi hài Bác từ nhà kính xuống hầm ngầm. Việc chuyển thi hài Bác xuống hầm ngầm không khó khăn lắm vì đã có đường ray, nhưng chuyển chiếc bể thủy tinh xuống theo thì không phải là một công việc đơn giản.

Sau những trăn trở, tìm tòi, các chiến sĩ cảnh vệ đã tìm ra được phương pháp khắc phục rất đơn giản: dùng một chiếc giát giường đơn đặt lên trên bể. Đáy bể kê một tấm gỗ có đệm mút, lấy dây cột thật chặt rồi nghiêng bể đưa xuống hầm. Với phương pháp này, chỉ 20 phút sau chiếc bể đã được đưa xuống buồng trung tâm an toàn. Trong công việc âm thầm của các chiến sĩ, những cố gắng dù rất nhỏ cũng có thể được coi như một chiến công vì nó đòi hỏi không chỉ có sức lực, trí thông minh mà còn đòi hỏi cả lòng dũng cảm, dám chịu trách nhiệm trước một nhiệm vụ không được phép sai lầm, cũng như không có thời cơ để sửa chữa sai sót.

Nhưng đưa Bác xuống hầm ngầm trong tình hình máy bay Mỹ ngày càng đánh phá dữ dội miền Bắc chỉ là một biện pháp tạm thời, bởi K84 mặc dù ở xa Hà Nội nhưng lại nằm trong phạm vi đường bay của máy bay giặc Mỹ. Đề phòng khả năng bị đánh trả quyết liệt, máy bay Mỹ sẽ quăng bom bừa bãi dọc đường bay để tháo chạy,

Bộ Chính trị và Quân ủy lại quyết định di chuyển thi hài Bác đến một vị trí an toàn hơn, trước ngày 15 tháng 7 năm 1972.

Song di chuyển Bác đi đâu, về hướng nào là một câu hỏi lớn đối với Ban chỉ huy Đoàn 69. Cuối tháng 6 một đoàn cán bộ do đồng chí Kinh Chi phụ trách đã tiến hành một chuyến khảo sát địa hình hết sức vất vả. Đoàn dùng ca nô chạy xuôi ngược ở hai bên bờ sông và hết đi xe lại đi bộ, vượt rừng, trèo núi... đoàn đã xem xét, kiểm tra hàng loạt công trình đã xây dựng sẵn. Sau khi cân nhắc, đối chiếu cái hay, cái dở, cái thuận cái nghịch của từng công trình, cuối cùng Ban chỉ đạo quyết định chọn K2, một hang đá lớn nằm bên bờ tả ngạn dòng sông, cách K84 15 kilômét về phía bắc. Công trình này đã được cải tạo xây dựng từ năm 1966, dùng làm nơi sơ tán các cơ quan của Bộ Quốc phòng khi cần thiết.

Từ ngoài đường nhìn vào, cả khu vực hang đá K2 là một thung lũng lớn nằm khuất sâu giữa những lùm cây xanh, mọc rậm rịt từ chân tới đỉnh núi. Cách hang không xa là nhà dân, và những thửa ruộng trồng đậu, trồng sắn. Người dân ở khu vực này chất phác, cần cù. Hang đá lớn, có sức kháng lực cao, nằm gần đường nên rất thuận tiện cho việc di chuyển. Tuy vậy, công trình cũng có một số nhược điểm: độ ẩm trong hang lớn, luôn luôn có nước ngầm làm cho vỏ hầm cũ bị rò rỉ, mặt khác do hang nằm gần đường, gần dân nên rất khó giữ được bí mật.

Sau khi nghe đoàn khảo sát trở về báo cáo, Ban chỉ đạo quyết định cải tạo K2 làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ Tư lệnh Công binh với một thời hạn hết sức ngắn. Với 20 ngày đêm vừa khảo sát thiết kế và cải tạo. Tuy khối lượng công việc bề bộn, nhưng bù lại, đơn vị thi công sẽ được chi viện, đáp ứng mọi yêu cầu về vật tư kỹ thuật.

Ngày 15 tháng 6 năm 1972, đoàn cán bộ của Bộ tư lệnh Công binh do đồng chí Bùi Danh Chiêu phụ trách lên đường đi tiền trạm và ba ngày sau, đại đội 2, tiểu đoàn 3, trung đoàn 259, lực lượng trực tiếp thi công đã có mặt ở K2. Thời gian này thời tiết miền núi mưa nắng thất thường. Sau mỗi cơn mưa, khí núi bốc lên ngùn ngụt. Muỗi và vắt rừng sinh sản nhiều vô kể.

Cũng giống như thời gian thi công cải tạo công trình K84, ở K2 các chiến sĩ tiểu đoàn 3 hăng say lao động ngày đêm. Ở K84 có "hội đèn" thì ở K2 có "hội đuốc". Ban đêm, đèn đuốc thắp lên sáng rực trong vòm hang. Tiếng choòng phá đá vang lên trong tiếng mưa rơi ồ ạt. Sau 20 ngày đêm, các chiến sĩ công binh đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ. Đục phá 70 mét khối đất đá, đào xây một giếng 25 mét khối đất. Xây trát cải tạo 5 buồng và 3 bể chứa nước trong hang, lắp đặt toàn bộ thiết bị trạm điện, trạm bơm, cung cấp điện, nước, bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cho công trình. Riêng buồng trung tâm, sau khi đo kiểm, các chuyên gia đã đánh giá cao việc bảo đảm thông gió và nhiệt độ. Cùng với việc thi công công trình, việc đi nhận thiết bị, vật tư cũng diễn ra hết sức phức tạp. Các đồng chí đi lấy máy ở kho Đông Anh bị máy bay Mỹ ném bom ở khu vực kho, xe đi lấy máy bị hư hại nặng. Ngày hôm sau đi tiếp nhận, lại bị máy bay Mỹ ném bom trên đường về.

Đó là những ngày đêm căng thẳng. Rất ít khi trên bầu trời vắng tiếng máy bay Mỹ. Những loạt bom vang rền dội vào tâm tư các cán bộ, chiến sĩ một nỗi lo lắng đến thắt ruột.

Trong khi các chiến sĩ công binh bắt tay vào cải tạo K2, thì các chiến sĩ Lữ đoàn 144 cũng bắt tay vào sửa chữa đường và luyện tập.

Sau vụ lụt năm 1971, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý xe Tổng cục Hậu cần cải tạo xe Páp để chở thi hài Bác mỗi khi cần phải di chuyển. Yêu cầu cải tạo xe được đặt ra rất cao. Xe phải được sử dụng hết dung tích trên xe, bảo đảm phải có một giường nằm, một chỗ ngồi cho người chỉ huy, hai dãy tủ đựng thuốc đủ chứa các bình hóa chất. Ngoài ra, xe còn được lắp đặt một số thiết bị máy móc như máy điều hòa nhiệt độ, máy thông gió, máy điện thoại... Đặc biệt xe phải bảo đảm khả năng việt dã, lội nước cao, có thể di chuyển trong mọi địa hình, thời tiết và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn không thể xảy ra bất kỳ sự cố nào trong quá trình sử dụng.

Sau một năm trời nghiên cứu và làm việc, các cán bộ, công nhân quốc phòng Cục Quản lý xe đã cho ra đời một chiếc Páp thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu nói trên và bàn giao cho Đoàn 69. Sau này, khi được biết chiếc Páp mà đơn vị mình cải tạo được dùng để chở thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt, các chiến sĩ Cục Quản lý xe Tổng cục Hậu cần hết sức cảm động. Họ không ngờ chính họ đã được nhận niềm vinh dự đặc biệt ấy.

Để giữ bí mật với kẻ địch mặt đất cũng như trên không, các cuộc hành quân luyện tập đều diễn ra vào ban đêm. Nhiều đêm, đồng chí Kinh Chi trực tiếp ngồi trong xe Páp với một gói lớn bột màu, chỗ nào đường xấu, xóc nhiều, đồng chí lại rắc bột xuống đường để các chiến sĩ Lữ đoàn 144 biết mà sửa chữa. Sau mỗi đêm như vậy, sáng ra quần áo, mặt mày đồng chí Kinh Chi đầy bột màu. Mệt mỏi nhưng rất vui vì mỗi lần đi kiểm tra, số bột màu rắc xuống cứ ít dần và con đường đã trở nên mềm mại dưới vành bánh xe lăn đằm và êm của chiếc xe Páp.

Khác với những lần hành quân di chuyển trước đây, lần di chuyển này phải vượt sông. Vì thế, bến sông phải cải tạo lại theo yêu cầu.

Những đêm luyện tập vượt sông cũng diễn ra hết sức căng thẳng và vất vả. Một lần, khi chiếc Páp vừa bò lên bến sông bờ tả ngạn thì chốt tời bị gãy. Phải dùng tời kéo kết hợp vì nước sông chảy xiết, xe không thể cập vào bến được. Chốt tời gãy đẩy chiếc Páp vào một trạng thái "chết'. Đầu xe thì ở trên bờ, nửa sau xe thì bị chìm ở dưới nước, tiến thoái lưỡng nan. Giữa lúc đó, được một người dân ở gần bến sông đã dẫn đến một đơn vị công binh đang diễn tập gần đấy mượn xe ủi đến kéo giúp. Có xe kéo nhưng lại không có tời. Thế là lại phải chạy đến một trạm lâm nghiệp mượn tời. Tất bật, vất vả nhưng không thể chậm trễ vì trời sắp sáng, tuyến đường di chuyển dễ bị lộ và chiếc Páp có thể trở thành mục tiêu cho máy bay địch đến đánh phá...

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo "Giữ yên giấc ngủ của Người"

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc