Không minh bạch tài sản thì đừng nói chuyện phòng, chống tham nhũng!

11:14 | 03/11/2012

1,321 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Đa số đại biểu đều đồng ý với đề xuất, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại đơn vị mình, đồng thời phạm vi, vấn đề vướng mắc khi đưa Bộ luật sửa đổi đi vào cuộc sống.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) chia sẻ, khi đi tiếp xúc cử tri, vấn đề phòng, chống tham nhũng được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt chú ý. Bởi vậy, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi lần này, theo đại biểu An cần phải đưa luật đi vào thực tiễn một cách trực diện và hiệu quả nhất.

Nhắc đến cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, Đại biểu khẳng định, cơ chế hiện tại chưa thật sự khuyến khích người dân dám đứng lên đấu tranh với tiêu cực. “Đa số đều rất e dè vì sợ bị trả thù, trù dập. Chỉ khi nào biết chắc cán bộ trong sạch hoặc ít nhất là công bằng, thì họ mới đến báo cáo, vì họ không biết thật - giả thế nào trong việc chống tham nhũng”. 

Về trách nhiệm người đứng đầu, đại biểu Bùi Thị An không đồng ý với dự luật sửa đổi, vì khi nhìn rộng ra mô hình các nước, nếu xảy ra bê bối lĩnh vực nào, thì bộ trưởng lĩnh vực đó thường từ chức. Ở Việt Nam, lỗi xảy ra thì cán bộ chỉ đứng lên trả lời rằng “Tôi làm đúng quy trình”, làm đúng thế sao lại xảy lỗi? Giờ đây chúng ta phải thay đổi tư duy toàn diện, chuyển từ tư duy quy trình cứng nhắc sáng tư duy kết quả thực tế. Muốn vậy thì phải quy định rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu.

Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến đề xuất Dự thảo Luật sửa đổi nên quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý ngân hàng, quản lý tài chính và công tác của ngành Hải quan

Về phần mình, đại biểu Đào Văn Bình cho biết, không đâu giám sát hiệu quả bằng thông tin cơ sở. “Theo Nghị quyết TƯ4, Mặt trận Tổ quốc sẽ giám sát Đảng viên nơi dân cư. Do đó, những việc như kê khai, minh bạch tài sản... không đâu nhanh và chính xác hơn các Ban công tác mặt trận cơ sở. Điều 76 về vấn đề phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát chưa thấy có phần của Mặt trận TQ, điều này là không hợp lý”, đại biểu Đào Văn Bình đóng góp vào dự thảo Luật.

Đại biểu cũng cho hay, người dân ở địa phương biết rất nhiều chuyện, từ việc cán bộ sửa chữa nhà cửa, để sở hữu bao nhiêu cái xe, đời sống sinh hoạt hàng ngày cao đến đâu... đều rõ cả. Bởi vậy, đấy cũng là một kênh thông tin không thể bỏ qua khi kết luật mức độ tham nhũng, tham ô của cán bộ đến đâu.

Đa số đại biểu các đoàn cũng đồng tình với ý kiến kê khai, công khai tài sản là giải pháp quan trọng nhất trong phòng chống tham nhũng. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM),  phòng, chống tham nhũng có vấn đề quản lý tài sản, vì thế cán bộ phải có NGHĨA VỤ kê khai tài sản.

“Đã là nghĩa vụ, thì với cương vị càng cao thì mức độ công khai, minh bạch càng phải cao. Nên tránh cào bằng việc công khai tài sản trong dự luật với tất cả các đối tượng. Nhằm hạn chế tính hình thức trong kê khai hiện nay", Đại biểu đề nghị dự luật nên quy định chặt nội dung này theo hướng thực chất, trong đó chú ý tới việc làm rõ nguồn gốc của tài sản. Đồng thời phải quy định cụ thể cơ chế xác minh, thẩm tra tài sản. Bên cạnh đó, việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai còn ít được thực hiện, kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi, chưa được sử dụng đầy đủ để tăng cường cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn tham nhũng.

Xung quanh vấn đề chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, dù Dự thảo luật chưa quy định rõ người đứng đầu Ban chỉ đạo sau khi bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ phụ trách Ban này, tuy nhiên đây cũng là mảng công việc toàn hệ thống chính trị cần tập trung hoàn thiện sớm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, nên đưa Ban Chỉ đạo về bên Đảng, cụ thể đồng chí Tổng bí thư là Trưởng ban, đại diện Quốc hội, Chính phủ đều tham gia ở vị trí Phó trưởng ban giúp việc.

“Điều này sẽ giúp cơ quan đầu não phòng chống tham nhũng đủ mạnh, có thể xử lý kịp thời, răn đe, gây hiệu ứng lớn trong dư luận và xã hội. Tổng Bí thư là trưởng ban; Đảng, Chính phủ và QH đều có người làm phó ban; các bộ, ngành, cơ quan là ủy viên. Như thế chỉ đạo toàn diện và quyết định luôn, không còn phải qua các cấp như hiện nay. Hiện đang chuẩn bị nhân sự bộ máy rồi, vấn đề khó còn lại là có quy định trong luật hay không thôi” – Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu trong buổi thảo luận ở Tổ.

Thảo luật về Phòng, chống tham nhũng luôn sôi nổi và nhiều ý kiến đóng góp.

Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng TC Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) đề xuất nên đưa lĩnh vực thương mại, tài chính, ngân hàng vào quy định cụ thể trong Luật. “Quản lý Nhà nước (quản lý về vốn) thì có nhiều rồi, rõ rồi, nhưng đặc biệt là quản lý Ngân hàng, quản lý tài chính công khai minh bạch thì Dự thảo vẫn chưa quy định rõ. Trong các Điều liên quan đến thủ tục hành chính của hoạt động hải quan cũng cần phải bàn thêm. Hiện tại, thuế nhiều ít, giảm, miễn cũng là do Hải quan. Do đó phần của lực lượng Hải quan cũng phải minh bạch, cần được quy định rõ ràng”, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến phát biểu.

Nhiều ý kiến lấy ví dụ lực lượng Thanh tra hiện nay, trách nhiệm lớn, trọng trách không phải là nhỏ. Bản thân các Đoàn Thanh tra phát hiện rất nhiều vụ tiêu cực, nhưng trên thực tế khi chuyển xử lý thì lại chỉ mức độ, bởi gặp rất nhiều sức ép. Bởi thế, cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu nên có cơ quan chống tham nhũng tương đối độc lập, hình thức thế nào thì theo thực tiễn và mô hình các nước… Về công tác phối hợp phòng, chống tham nhũng, hiện có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ... nhưng lại không tập trung.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đồng tình với ý kiến trên. Theo Đại biểu Quyền, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này chỉ nên tập trung vào một số vấn đề đang thực sự vướng mắc, không nên quá dàn trải. Các vấn đề còn lại, tiếp tục giao cho Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉnh sửa thấu đáo để trình Quốc hội trong thời gian tới. “Theo tôi, trước mắt luật nên tập trung chống tham nhũng theo lợi ích nhóm, vì tham nhũng kiểu này kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế đất nước; rồi tham nhũng trong những lĩnh vực nhạy cảm và những lĩnh vực khác như: đất đai, tài chính ngân hàng, đầu tư công…”.

Lê Tùng (ghi)