Lập cơ quan điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp

17:11 | 26/10/2014

638 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật tổ chức VKSND được Quốc hội thảo luận trong ngày 27/10 là quy định về Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Được đề xuất thành lập nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, vì vậy, việc quy định cụ thể thẩm quyền của cơ quan này được dư luận và nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức VKSND của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, về thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC một số ý kiến đề nghị: “Cơ quan điều tra của VKSNDTC có thẩm quyền điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc cơ quan tư pháp, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng nên giao cho cơ quan này điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp và các vụ án tham nhũng khác mà sau khi nhận hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phát hiện thấy bỏ lọt tội phạm hoặc oan, sai.

Thậm chí có đại biểu ý kiến đề nghị giao cho Cơ quan điều tra VKSNDTC thẩm quyền "điều tra tất cả các tội phạm về tham nhũng".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục giữ thẩm quyền điều tra của cơ quan này như quy định của Luật tổ chức VKSND hiện hành là: “điều tra một số loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc cơ quan tư pháp”...

Đồng thời, kết quả giám sát còn cho thấy ngoài cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp thì người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp (như người có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành một số hoạt động điều tra) cũng có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp (như nhục hình, làm sai lệch thông tin tội phạm, bắt giữ người trái pháp luât…).

Về những kiến nghị nêu trên, UBTVQH cho rằng, nếu Cơ quan điều tra của VKSNDTC chỉ có thẩm quyền điều tra như quy định hiện hành thì qua thực tiễn cho thấy việc làm rõ hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp sẽ gặp khó khăn. Vì cơ quan điều tra này không đồng thời được điều tra hành vi phạm tội khác mà hành vi đó là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp như: Nhận hối lộ để làm sai lệch hồ sơ vụ án, để ra bản án, quyết định trái pháp luật dẫn đến oan, sai.

Về ý kiến đề nghị giao thêm cho Cơ quan điều tra VKSNDTC điều tra tất cả các tội phạm về tham nhũng hoặc điều tra các vụ án khi Viện trưởng VKSNDTC thấy cần thiết hoặc điều tra các vụ án tham nhũng khác ngoài hoạt động tư pháp mà sau khi nhận hồ sơ vụ án VKSND phát hiện thấy bỏ lọt tội phạm hoặc oan, sai, UBTVQH cho rằng: Nếu mở rộng quá phạm vi thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra VKSNDTC sẽ không bảo đảm tính khả thi, tính chuyên trách trong điều tra tội phạm, không bảo đảm chặt chẽ khi áp dụng, dẫn đến chồng chéo thẩm quyền điều tra.

Vì vậy, để bảo đảm chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp có hiệu quả, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phù hợp với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND, tiếp thu ý kiến các ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý Điều 20 dự thảo về thẩm quyền điều tra của VKSNDTC như sau: “Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”. 

Được biết, theo chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, ngày mai (27/10), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).

Cổng TTĐT  Chính phủ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc