Luật Đất đai: Cần phát huy đầy đủ nội lực của nguồn tài nguyên vô giá!

10:00 | 29/10/2012

915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Trong phiên họp toàn thể tại Hội trường sáng nay (29/10), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày Tờ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển phiên họp.

Tờ trình cho thấy, qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đồng thời cũng phát sinh những hạn chế, bất cập như: chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; pháp luật về đất đai hiện hành còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa thật đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế.

Nguồn lực đất đai cần được các địa phương tập trung phát huy hơn nữa.

Tuy nhiên, lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được đảm bảo tương xứng. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp. Qua thảo luận, ý kiến chung của Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai năm 2003 nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đa số ý kiến tán thành với quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế - xã hội được tính toán trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp huyện được chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã.

Tuy vậy, cũng có ý kiến đề nghị cần tiếp tục lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 04 cấp như Luật Đất đai hiện hành. Ý kiến khác đề nghị đối với đô thị không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì đã có quy hoạch đô thị theo Luật quy hoạch đô thị.

Về kế hoạch sử dụng đất, đa số ý kiến tán thành quy định kế hoạch sử dụng đất hàng năm phải thể hiện được nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư, của các ngành, lĩnh vực. Nhiều ý kiến đề nghị kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện là 5 năm và có cụ thể từng năm. Có ý kiến cho rằng việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện là khó thực hiện, mất nhiều thời gian do thủ tục lập, xét duyệt và thiếu tính chủ động.

Có ý kiến cho rằng đất đai là tài nguyên hữu hạn nên không thể đáp ứng đủ theo nhu cầu sử dụng của ngày càng gia tăng của các ngành, lĩnh vực, do đó, quy hoạch sử dụng đất phải tối đa hóa hiệu quả sử dụng đất và bảo đảm lợi ích chung của xã hội. Quy hoạch sử dụng đất không nên điều chỉnh một cách đơn thuần theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Khi gia tăng nhu cầu sử dụng đất thì các ngành, lĩnh vực phải áp dụng các giải pháp nâng cao hệ số sử dụng đất.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đa số ý kiến tán thành với quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế - xã hội được tính toán trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp huyện được chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã.

Về cơ chế thu hồi đất, đa số ý kiến tán thành quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt và tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính khả thi của việc thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất vì khó có đủ nguồn kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nếu thu hồi đất theo kế hoạch mà chậm đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến lãng phí đất đai, nhất là các công trình cơ sở hạ tầng có thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm. Đề nghị đất quy hoạch để xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi... thì căn cứ vào tiến độ triển khai dự án, yêu cầu sử dụng đến đâu thu hồi đến đó để tránh lãng phí đất đai.

 Một số ý kiến tán thành quy định các dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư. Có ý kiến đề nghị không cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án vì phát sinh chênh lệch giá đền bù dẫn đến so bì và dễ xảy ra khiếu kiện trong nhân dân.

Đa số ý kiến tán thành quy định khi xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị cần phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất liền kề công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này và hỗ trợ người có đất bị thu hồi, đồng thời ưu tiên cho người bị thu hồi đất ở được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng. 

Đa số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp. Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.

Đa số ý kiến tán thành nguyên tắc giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Có ý kiến đề nghị cân nhắc nguyên tắc định giá đất theo thời hạn sử dụng đất vì quy định này có nghĩa là khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi đất thì sẽ không bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cho người có đất bị thu hồi. Có ý kiến đề nghị quy định áp dụng phương pháp thu nhập để định giá đất nông nghiệp vì hiện nay khiếu kiện của người dân chủ yếu là giá đền bù đất nông nghiệp.

Petrotimes sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên thảo luận tới bạn đọc!

Tùng Lê