Luật Phòng, chống khủng bố sẽ giúp tăng sức mạnh của hệ thống Luật

11:13 | 29/10/2012

2,274 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Bản đánh giá tác động do Bộ Công an thu nhận cho thấy, Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố hoàn toàn có thể bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các đạo luật khác có liên quan như Bộ luật hình sự, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia, Luật Hàng không dân dụng, Luật Ngân hàng, Luật Bưu chính và Luật Viễn thông...

Trước tình hình khủng bố trong khu vực và trên thế giới tiếp tục còn nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm khủng bố tại các quốc gia tìm cách liên kết chặt chẽ với nhau, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn nguy hiểm tấn công vào trụ sở cơ quan nhà nước, cơ quan đại diện nước ngoài, chính khách, những nơi đông người… gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng quốc tế, thì việc Việt Nam ban hành Luật Phòng, chống khủng bố sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận quốc tế và các nước nhất là các nước lớn, các nước có thù địch với khủng bố, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố nói riêng với các quốc gia, tổ chức quốc tế có cùng quan điểm về phòng, chống khủng bố với nước ta. Đồng thời, điều này cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan đến phòng, chống tội phạm mà nước ta là thành viên.

Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam diễn tập phòng chống bạo loạn

Về Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố, trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố bộ, ngành, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Công an có trách nhiệm thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần, chế độ hoạt động và mối quan hệ phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp.

Trong báo cáo thẩm định, đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với ý kiến cho rằng, việc tổ chức các Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố là phù hợp với nguyên tắc “lấy phòng ngừa là chính; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời cá nhân, tổ chức khủng bố, tài trợ khủng bố” (khoản 3 Điều 6), không để tình huống khủng bố diễn ra đột xuất, bất ngờ. Do vậy, cần phải quy định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp trung ương và cấp địa phương hoạt động thường xuyên theo chế độ kiêm nhiệm. Luật cần quy định cụ thể thành phần Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố và nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu của Ban chỉ đạo này. Đồng thời, đề nghị quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố trong việc quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống khủng bố và đặc biệt là biện pháp khẩn cấp chống khủng bố để bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp hoặc khi có nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp quy định tại Điều 21 Luật an ninh quốc gia.

Với lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố, Dự thảo Luật quy định, các đơn vị thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có nhiệm vụ tham mưu, chỉ huy, tác chiến phòng, chống khủng bố. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ quy định và tổ chức lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố. Lực lượng có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn về công tác phòng, chống khủng bố; thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống khủng bố khi được giao. Bảo vệ người cộng tác, người tố giác, người làm chứng, người bị hại, cá nhân, tổ chức trong chống khủng bố, tài trợ khủng bố. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố có trách nhiệm tham mưu, chỉ huy, tác chiến chống khủng bố; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; Tạm đình chỉ, đình chỉ các hoạt động sau đây của cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, các thiết bị đầu cuối thuê bao và mạng nội bộ liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; thiết lập và sử dụng mạng viễn thông dùng riêng liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; sản xuất, sử dụng thiết bị thu, phát; thu phát sóng vô tuyến điện liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; thiết lập mạng lưới bưu chính, chuyển phát, viễn thông, internet liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

Một tình huống giả định khủng bố trên máy bay.

Xung quanh nội dung hết sức quan trọng là vấn đề hợp tác quốc tế, có ý kiến đề nghị không quy định như Điều 42 dự thảo Luật, mà cần quy định rõ nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế trong từng loại hoạt động như trong phòng ngừa khủng bố, chống khủng bố hoặc trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm khủng bố.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc một số quy định có thể gây bất lợi cho Việt Nam khi thực hiện hợp tác quốc tế như nguyên tắc có đi có lại trong hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố (khoản 2 Điều 41) vì đây là thông lệ quốc tế và các quy định: Việt Nam kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ của các nước và các tổ chức quốc tế để chống khủng bố trong trường hợp xảy ra khủng bố nghiêm trọng (khoản 1 Điều 42); sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ các nước, các tổ chức quốc tế chống khủng bố khi có đề nghị (khoản 2 Điều 42) và những trường hợp từ chối hợp tác quốc tế (Điều 43).

Đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành các ý kiến nêu trên và cho rằng, hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động phòng, chống khủng bố của Nhà nước ta và thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết quốc tế, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng can thiệp hoặc trở thành mục tiêu tấn công của các đối tượng khủng bố quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố cần phải được nghiên cứu thận trọng để bảo đảm tính chặt chẽ, trước hết là phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, phù hợp với hoạt động thực tiễn của ta.

Tùng Lê