“Ngành Công an không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu thiếu nhân dân!”

08:37 | 02/11/2012

1,732 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Trao đổi cùng Báo Điện tử Petrotimes, Thiếu tướng Lê Đông Phong - Phó Giám đốc thường trực Công an TP HCM khẳng định, nếu không được người dân ủng hộ toàn diện, thì dù ngành Công an có bổ sung bao nhiêu biên chế, nhân sự, bao nhiêu trang thiết bị đi nữa, cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình...

PV: Xin Thiếu tướng đánh giá khái quát công tác phòng, chống tội phạm của ngành Công an trong năm 2012?

Thiếu tướng Lê Đông Phong: Như báo cáo của Bộ trưởng Trần Đại Quang trước Quốc hội cách đây vài phiên, ngành Công an luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các ngành, đoàn thể tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, liên tục mở nhiều đợt cao điểm vận động quần chúng, tấn công trấn áp tội phạm, tập trung vào các địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự.

Từ đầu năm đến nay, ngành Công an đã đảm bảo tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; kiềm chế được tốc độ gia tăng của tội phạm, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước. Chính phủ cũng chỉ đạo mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy. Tập trung đấu tranh mạnh với bọn tội phạm có hoạt động nổi lên trên các tuyến, địa bàn, các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm...

Thiếu tướng Lê Đông Phong

PV: Thưa Thiếu tướng, khó khăn nhất của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm đến thời điểm hiện tại là gì?

Thiếu tướng Lê Đông Phong: Với phòng, chống tội phạm, nếu muốn giải quyết một cách căn cơ, triệt để thì phải giải quyết từ nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm. Đó chính là khâu phòng ngừa. Điều này đặt ra một vấn đề, đòi hỏi cả xã hội, cộng đồng cùng phải có trách nhiệm trong việc tham gia công tác phòng ngừa nêu trên. Có thể kể cả từ các cộng đồng dân cư, đến các trường học, cơ quan rồi ra ngoài xã hội... để làm sao mọi công dân xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, một thái độ, phản ứng thật hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vì hiệu quả từ khâu “phòng” sẽ tạo điều kiện tuyến sau là công tác đấu tranh chống tội phạm nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Một số Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm rồi, nếu xã hội thờ ơ, bắt cóc bỏ đĩa, mặc định công tác phòng chống tội phạm là của riêng lực lượng Công an thì chúng tôi có tăng biên chế đến cỡ nào, bổ sung bao nhiêu trang thiết bị cũng không thể làm được.

Trong quản lý xã hội, công tác phòng ngừa đòi hỏi ngoài việc tạo không khí đấu tranh tố giác sôi nổi, các đơn vị chức năng còn phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công tác thanh, kiểm tra kịp thời. Nếu công tác thanh, kiểm tra thường xuyên thì hành vi vi phạm sẽ được ngăn chặn sớm, hậu quả được giảm bớt chứ đến khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án thì ngoài việc thiệt hại kinh tế, mất mát con người còn để lại vấn đề sụt giảm niềm tin trong nhân dân. Vì vậy, theo tôi, công tác “phòng” luôn là phần khó khăn nhất khi đấu tranh tội phạm.

PV: Vậy theo cá nhân Thiếu tướng, hiện cơ chế, chế tài khuyến khích toàn dân đấu tranh tố giác tội phạm đã đủ độ “mở” để người dân sẵn sàng tham gia hay chưa?

Thiếu tướng Lê Đông Phong: Hiện chúng ta đã có quy định bảo vệ, khuyến khích toàn dân tham gia vào công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cơ chế lớn nhất, rõ nét nhất chính là việc đảm bảo tài sản, tính mạng của người dân. Trên thực tế, bảo vệ người dân là trách nhiệm của bộ máy Nhà nước, của chế độ nói chung. Ở TP HCM, chúng tôi luôn kêu gọi khuyến khích người dân tự bảo vệ nhau trước. Lãnh đạo công an thành phố (CATP) hết sức quan tâm đến những công dân tích cực tham gia phòng chống tội phạm, không chỉ trách nhiệm từ Ngân sách Nhà nước mà cả xã hội phải chung tay. Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, CATP đã đề xuất chính quyền tăng thêm ngân sách để kịp thời khen thưởng, cổ vũ, nêu cao tinh thần những tấm gương tiêu biểu, công dân ưu tú của thành phố.

PV: TP HCM có mật độ dân số đông nhất cả nước, hàng năm lại đón hàng triệu lượt người nước ngoài đến du lịch, học tập, sinh sống và làm việc. Công an TP đã làm gì để vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa đáp ứng lợi ích, nhu cầu chính đáng của cá nhân, cơ quan doanh nghiệp?

Thiếu tướng Lê Đông Phong: TP HCM là trung tâm về nhiều mặt của cả nước, với dân số trên 10 triệu người (kể cả số người tạm trú), hàng năm đón tiếp trên 1 triệu lượt người nước ngoài đến tham quan, du lịch, học tập, làm việc và sinh sống. Bên cạnh số người nước ngoài đến TP chấp hành tốt pháp luật thì cũng còn một bộ phận không nhỏ có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam như xâm phạm về an ninh quốc gia, hình sự, kinh tế, ma túy… với nhiều phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội mới.

Để vừa làm tốt công tác quản lý người nước ngoài góp phần đảm bảo an ninh trật tự vừa đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp, CATP đã tham mưu UBND TP ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý nhập cảnh, cư trú và lao động của người nước ngoài trên địa bàn TP; CATP đã ký kết các quy chế phối hợp với lực lượng Thanh niên Xung phong và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác đảm bảo an ninh trật tự cho du khách nước ngoài. Ngoài ra, CATP còn triển khai thực hiện Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống tội phạm xâm phạm tài sản người nước ngoài khu vực Trung tâm. Ngoài việc đảm bảo an ninh trật tự cho người nước ngoài, CATP còn kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài trên địa bàn như: triệt phá băng nhóm tổ chức dàn cảnh để trộm cắp tài sản của người đi rút tiền từ các ngân hàng của đối tượng phạm tội là người Indonesia; xác lập và triệt phá các đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia của một số đối tượng người Nigeria trung chuyển hoặc đưa trái phép chất ma túy vào TP để tiêu thụ; khám phá nhanh các băng nhóm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo của số đối tượng người quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan…

Trong công tác thẩm định hồ sơ, cấp phép cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, lưu trú, cho thuê nhà cao tầng, nhà nguyên căn… CATP đã mẫu hóa các mẫu tờ khai, mẫu đơn, ban hành các quy trình, quy định và được niêm yết công khai, đảm bảo các trường hợp có đầy đủ các loại giấy tờ đúng thủ tục đúng quy định sẽ được cấp phép đảm bảo về an ninh trật tự. Mặt khác, CATP đã quyết liệt thực hiện công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh đăng ký lưu trú cho người nước ngoài thông qua việc nối mạng từ các cơ sở đến CATP. 

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi!

Lê Tùng (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc