Nợ xấu tăng nhanh từ năm 2008

15:48 | 13/11/2012

2,926 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, ngành ngân hàng đang nỗ lực rà soát, đề từ đó cơ cấu lại những khoản nợ, theo lãi suất và theo thời điểm, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo thông tin Thống đốc đưa ra trong phiên chất vấn Hội trường chiều nay (13/11), tốc độ “tăng trưởng” của nợ xấu hàng năm, hiện đã được được tính theo cấp số hàng chục %.

“Cụ thể nợ xấu 2008 tăng 74%, 2009 tăng 27%, 2010 tăng 41%, 2011 tăng 64% và từ đầu năm 2012 tăng 66%. Bản thân tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống cũng có nhiều cách tính khác nhau, tùy theo thói quen điều hành tiền tệ mỗi quốc gia và định chế tài chính. Tuy nhiên, tỷ lệ được các cơ quan quản lý Nhà nước của chính quốc gia công bố mới là hợp lý hơn cả. Theo đó, các tổ chức tín dụng Việt Nam thống kê, nợ xấu trên toàn hệ thống là 4,93%. Tuy nhiên, các bộ phận chuyên môn Ngân hàng NN thống kê được, con số này là 8,82%. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng NN công bố tỉ lệ nợ xấu theo quan điểm của NHNN”, Thống đốc thông báo.

Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu gây ra những hệ lụy vô cùng khốc liệt, không chỉ 1, 2, 5 năm mà 10, thậm chí 15 năm cho nền kinh tế.

Nợ xấu đang hết sức căng thẳng trong các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, trong số 17 ý kiến chất vấn Thống đốc trước Quốc hội hôm nay, phân nửa là về tình hình nợ xấu. Không khó để nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước cũng như đại biểu, xã hội với vấn đề đang khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đau đầu này. Theo người đứng đầu ngành Ngân hàng NN, để bắt bệnh chính xác, thì tình trạng nợ xấu trở nên căng thẳng như hiện tại do 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu: (i) do bản thân các Tổ chức tín dụng, (ii) do chính Doanh nghiệp đi vay, (iii) do cơ chế chính sách vĩ mô, (iv) do môi trường, điều kiện trong và ngoài nước từng thời kỳ và (v) công tác thanh tra, giám sát hạn chế.

“Về phía NHTM, trách nhiệm lớn nhất và đầu tiên chính là sự dễ dãi trong cho vay tín dụng. Còn với chúng tôi, Ngân hàng NN là cơ chế, chính sách và công tác thanh tra, giám sát. Trong những năm trước, chúng ta tăng trưởng tín dụng quá nóng, dẫn đến chất lượng tín dụng giảm sút. Khi DN gặp khó khăn, các Ngân hàng TMCP cũng lao đao theo”.

Về phương pháp tháo gỡ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình báo cáo trước Quốc hội, Ngân hàng NN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trước rà soát, để từng bước cơ cấu lại nợ, với thời hạn, lãi suất phù hợp hơn với DN trong từng thời kỳ. Kết quả cho thấy, có thể DN này DN khác chưa được thụ hưởng chính sách trên, nhưng tính chung cả nước thì con số này khá ấn tượng. Từ 36 nghìn tỉ đồng, đến ngày 31/10 tổng số nợ cơ cấu lại là 252 nghìn tỉ đồng, bằng 8% tổng số dư nợ tín dụng (2 triệu 700 nghìn tỉ đồng – PV). Hiện các ngân hàng đã chủ động xử lý được 12 nghìn tỉ đồng từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

"Riêng trích lập dự phòng rủi ro mới đã tăng 14 nghìn tỉ. Với nợ xấu theo các tổ chức tín dụng báo cáo là 4,93%, đến nay số đã trích lập được chiếm từ 2,5-3% nợ xấu. Như vậy chúng ta có thể làm cho nợ xấu chững lại, không gia tăng", ông khẳng định.

"Trong hơn 100 tổ chức tín dụng Việt Nam, thường xuyên hàng ngày có 50 tổ chức sử dụng vốn vượt đồng vốn họ huy động được. Từ đó tạo ra áp lực với lãi suất rất lớn", ông Bình thừa nhận.

Xung quanh thông tin Chính phủ chỉ đạo thành lập Công ty mua bán nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng giải thích tương đối chi tiết. “Chính phủ giao cho Ngân hàng NN lập đề án phương án khả thi nghiên cứu thành lập một Công ty quản lý tài sản, học tập mô hình các nước trên thế giới có thói quen điều hành thị trường tiền tệ gần giống Việt Nam; chứ việc thành lập Công ty mua bán nợ xấu không phải đề xuất của Ngân hàng NN. Vả lại, việc thành lập, nếu có, cũng chỉ là 1 trong các giải pháp xử lý”, Thống đốc Bình giải trình. “Tuy nhiên, việc ai là người ngồi vào ghế Chủ tịch, ai quyết định mua những khoản nào, mua ở giá nào, mua bao nhiêu % nợ, thanh toán trong thời gian bao nhiêu lâu... vẫn chưa có hồi kết. Xin được báo cáo Quốc hội là mọi việc vẫn chỉ ở trên giấy tờ”.

T.L

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc