Quốc hội thông qua dự án sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng

10:12 | 23/11/2012

1,376 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Một trong những nội dung mới của Dự án Luật lần này là bổ sung Trách nhiệm giải trình (Điều 32A), quy định rõ: cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó, khi có yêu cầu.

Với 94,98% số Đại biểu Quốc hội tán thành, sáng nay 23/11, Quốc hội đã thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sáng nay (23/11) Quốc hội đã thông qua Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với tỷ lệ 94,98% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. Đối với từng nội dung của Dự án Luật, Điều 18 (trang 2) quy định vấn đề công khai minh bạch tài sản DN nhận được sự ủng hộ của 95,78% đại biểu Quốc hội. Điều 46A về công khai kê khai tài sản có 92,97% đại biểu tán thành và Điều 46B xung quanh nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng lên là 91,77%.

Đại biểu bấm nút thông qua Dự án sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng.

Một trong những nội dung mới của Dự án Luật lần này là bổ sung Trách nhiệm giải trình (Điều 32A), quy định rõ: cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó, khi có yêu cầu. Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ quan có nghĩa vụ giải trình; trình tự, thủ tục của việc giải trình.

Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Báo cáo giải trình của UBTVQH nhấn mạnh: với thời gian chuẩn bị của dự án Luật ngắn, Chính phủ chưa tiến hành tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thi hành Luật PCTN trong 06 năm qua; dự án Luật lại chỉ được thông qua tại một kỳ họp, với phạm vi dự án Luật, nếu sửa đổi toàn diện tại một kỳ họp sẽ không bảo đảm chất lượng, như vậy tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều thực sự bức xúc đang gây khó khăn, vướng mắc cho việc thi hành Luật và để thể chế hóa kịp thời nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa  XI) là hợp lý, do đó, dự án Luật lần này chỉ sửa đổi những vấn đề liên quan đến Ban chỉ đạo PCTN tại khoản 2 Điều 55 và Điều 73 Luật hiện hành; về công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; trách nhiệm giải trình tài sản tăng thêm; xác minh tài sản; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển vị trí công tác khác của cán bộ, công chức, viên chức khi có dấu hiệu tham nhũng. Với phạm vi sửa đổi như vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho lấy tên gọi của dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Báo cáo của đồng chí Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm UB Tư pháp trước Quốc hội cũng cho thấy, UBTVQH tán thành việc thành lập Ban chỉ đạo trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh PCTN và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng, không quy định trong Luật PCTN; bảo đảm nguyên tắc Đảng không làm thay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và vẫn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội,  Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo quy định của pháp luật đều có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác PCTN.

Tùng Lê

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc