Thống đốc NHNN trần tình Nghị định chống "vàng hóa"

14:41 | 13/11/2012

840 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong phiên điều trần trước Quốc hội sáng 13/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phải giành phần lớn thời gian để giải trình về thị trường vàng miếng đang gây sốt trong dư luận cả nước...

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) và Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) quan tâm đến trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trước tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch lớn so với thế giới, đồng thời đề nghị Thống đốc giải thích lý do đưa vàng miếng về để NHNN giữ thế độc quyền.

Giải trình trước chất vất của đại biểu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, mỗi khi giá vàng trong nước có biến động tạo ra sự chênh lệch lên - xuống so với giá vàng thế giới, và chỉ cần cao hơn thế giới khoảng 400.000 đồng/lượng là đã xuất hiện hiện tượng đầu cơ. Đó là chưa kể thực trạng buôn lậu vàng qua biên giới với qui mô rất lớn.

“Trong nhiều năm qua, trước khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực ngày 25/5, hàng năm có 10 - 30 tấn vàng/năm nhập lậu qua biên giới. Mỗi lần giá vàng lên xuống chênh lệch như vậy, các đối tượng buôn vàng gom vàng trên thị trường chợ đen khiến cho thị trường trở nên sôi động, kéo theo tỷ giá (cả đen lẫn chính thống) tăng chóng mặt”, Thống đốc Bình phân tích.

“Tỷ giá tăng ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và ảnh hưởng luôn đến giá cả hàng hóa trong nước, làm chảy máu ngoại tệ. Dù biết rất rõ vàng miếng không phải là mặt hàng thiêt yếu, không phục vụ gì cho quốc kế, dân sinh nhưng vì tính chất ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, nên có thời điểm chúng tôi buộc phải tham mưu Chính phủ cho phép nhập khẩu vàng để ổn định thị trường tâm lý trong nước”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Thành viên thứ 3 của Chính phủ trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này cho hay, kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, nhập lậu vàng gần như được ngăn chặn. Từ tháng 4 trở lại đây, tỷ giá ngoại tệ ổn định. Giá vàng trong nước và quốc tế tăng dần lên, đến nay lên mức 3 triệu đồng/lượng. Nếu là trước đây với lợi nhuận như thế thì mọi người đều hiểu đó là cơ hội lớn như thế nào cho những kẻ nhập lậu vàng. Nhưng bây giờ không ảnh hưởng đến tỷ giá, kinh tế vĩ mô, giá cả, lạm phát.

Nói về giải pháp chống vàng hóa nền kinh tế, Thống đốc Nguyễn Văn Bình ước lượng, hiện có khoảng 250-300 tấn vàng, tương đương 15 tỷ USD đang tồn tại trong dân. Con số trên gần bằng 9% GDP năm 2012 (114 tỉ USD theo tính toán của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng).

Thống đốc cho rằng, nguồn vốn nằm bất động trong dân lớn như vậy là lãng phí và mục tiêu đặt ra làm sao huy động và khơi thông được nguồn vốn này để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc kế dân sinh. Số liệu Thống đốc đưa ra cho thấy, sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, tính đến 25/10, các tổ chức tín dụng trên cả nước đã mua lại của người dân hơn 60 tấn vàng, tương đương với 3 tỷ USD (50 triệu USD/tấn) vàng được chuyển thành tiền đồng phục vụ phát triển nền kinh tế. Như vậy, chống vàng hóa bước đầu đã tạo ra nguồn tiền để phục vụ nền kinh tế.

“Vàng là một cứu cánh cho nền kinh tế 2012. Giờ này năm ngoái, bức tranh trên thị trường tiền tệ khác hẳn, các NHTM còn vay nhau với lãi suất 25-30%, thậm chí cao hơn, nguy cơ mất thanh khoản lan rộng trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, hiện tại mọi việc đã bớt căng hơn, và có dấu hiệu dịu lại đầu Quý IV này”.

Ông Bình cho biết, sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, đã không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như trước đây. Ngoài ra, dù giá vàng biến động lớn nhưng tỷ giá của Việt Nam hoàn toàn ổn định và thậm chí  là giá vàng trong nước còn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3 triệu đồng nhưng tỷ giá vẫn tiếp tục hạ và Ngân hàng Nhà nước vẫn mua được ngoại tệ để tăng thêm dự trữ ngoại hối nhà nước. Như vậy, có thể thấy rằng mục tiêu quan trọng thứ nhất của đề án chống vàng hóa của chúng ta bước đầu đã đạt được những kết quả rất có ý nghĩa quyết định. “Việc người dân không đổ xô đi mua vàng có nghĩa là việc vàng hóa nền kinh tế đã được chặn đứng”, Thống đốc Bình khẳng định.

T.L

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc