Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh!”

20:13 | 19/11/2014

914 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trả lời chất vấn của Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh về quan hệ với Trung Quốc sau vụ nước này hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 tại Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán là độc lập, tự chủ của Việt Nam.

Nhất quán đường lối đối ngoại

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu phần trả lời chất vấn của Thượng tọa Thích Thanh Quyết bằng cách nhắc lại đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam được nêu rõ trong Hiến pháp 2013.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

“Với Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là luôn luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại thật kiên trì. Đó là độc lập tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động tích cực hội nhập trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc, tham gia tích cực vào các cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tích cực.

Điều này được nêu rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia dân tộc phải được đặt lên hàng đầu, trên cơ sở độc lập, dân tộc, dân chủ, tiến bộ trên thế giới. Quan hệ bang giao của chúng ta với quốc gia nào cũng dựa trên cơ sở đó.

Còn mới Trung Quốc, Việt Nam và bạn là láng giềng, mãi mãi là láng giềng, nắng hay mưa cũng vẫn là láng giềng. Việt Nam luôn mong muốn Việt Nam và Trung Quốc chân thành, hợp tác, phát triển, gìn giữ hòa bình, mang lại lợi ích cho nhân dân 2 nước,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Để thực hiện thực chất tinh thần 4 tốt, người đứng đầu Chính phủ mong muốn nhất là sự chân thành, để làm sao 2 nước giải quyết dứt điểm những bất đồng về biên giới lãnh thổ cả trên đường bộ và đường biển, giải quyết thỏa đáng dựa trên luật pháp quốc tế.

“Thượng tọa Thích Thanh Quyết có chất vấn tôi quan điểm với Trung Quốc, tôi xin rút gọn thành phương châm 6 chữ, như sau: Vừa hợp tác, vừa đấu tranh! Vì sao phải như vậy? Vừa hợp tác, vừa đấu tranh để có hòa bình, ổn định. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh để có tình hữu nghị, tin cậy lẫn nhau. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh cùng có lợi, cùng phát triển. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của chúng ta!”

Nợ công được kiểm soát chặt chẽ

Nổi bật trong các chất vấn của các Đại biểu gửi đến Thủ tướng Chính phủ, đó là nợ công và nợ xấu. Về vấn đề này, Thủ tướng cho hay, nợ công của quốc gia là vấn đề hệ trọng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm.

Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý nợ công, quy định nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Quốc hội đã có Nghị quyết số 10/2011/QH13 quy định trần nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể vay về cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm.

Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ là 335 nghìn tỉ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006 - 2010 (đã phát hành 250 nghìn tỉ đồng và năm 2015 sẽ phát hành thêm 85 nghìn tỉ đồng). Đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu. Do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015 . Mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.

Mặt khác, nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỉ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần. Cùng với thực hiện chủ trương chuyển mạnh sang vay trong nước, tỷ trọng vay trong nước tăng từ 40,3% tổng số nợ vay năm 2010 lên 54,5% năm 2014. Nợ nước ngoài chủ yếu là vay ưu đãi, thời hạn vay bình quân 20 năm với lãi suất khoảng 1,6%/năm. Nợ trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, lãi suất cao (do chỉ số giá năm 2011 - 2012 tăng mạnh) dẫn đến áp lực và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.

Ngày 07/11/2014, chúng ta đã phát hành thành công 1 tỉ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với mức lãi suất 4,8%/năm để đảo nợ các khoản trái phiếu Chính phủ đã phát hành trước đây (năm 2005 và năm 2010) với lãi suất bình quân 6,8%/năm, làm giảm đáng kể chi phí lãi vay, đồng thời xác lập chuẩn lãi suất mới có lợi hơn cho các hoạt động kinh tế - tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Rất nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, viễn thông, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và nhiều công trình đang xây dựng, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỉ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỉ trọng lớn; tỉ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao. Thực trạng này gây lo lắng, bức xúc trong xã hội; nếu chủ quan, buông lỏng, không tiếp tục chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong thời gian tới, để xây dựng nền tảng vững chắc sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với việc tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chúng ta vẫn phải tiếp tục sử dụng vốn vay cả trong và ngoài nước để đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công.

Tóm lại, nợ công của nước ta đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn quy định an toàn cho phép là không quá 65% GDP. Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, nghiêm túc khắc phục hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công; tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; thực hiện đúng các quy định và kế hoạch đề ra; trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Đồng thời quản lý chặt chẽ các khoản nợ khác. Chủ động từng bước điều chỉnh cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước lành mạnh. Bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.

Lê Tùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc