Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Đảng, Nhà nước sẽ sát cánh cùng ngư dân bám biển"

17:58 | 15/04/2014

1,056 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng nay (15/4), phát biểu chỉ đạo tại “Hội nghị chuyên đề về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản” do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Nhận diện một Việt Nam sẽ giàu lên từ biển, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm hỗ trợ để ngư dân yên tâm bán biển. Các Bộ, ngành trung ương phải tạo mọi điều kiện để ngư dân bám vững ngư trường, góp phần làm giàu cho đất nước và quan trọng hơn cả là giữ vững chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc”.

Đừng để mất ngư trường chỉ vì tàu thuyền lạc hậu

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chỉ ra một thực tế đáng báo động: Đến năm 2013, nước ta có 117.998 tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản nhưng chỉ có 28.285 tàu có công suất trên 90CV, chiếm 23,1% tổng số tàu cá. Số tàu công suất thấp (dưới 90CV) khai thác ven bờ chiếm đến 76,9.

Về chất lượng tàu cá, có đến 99% tàu cá đóng từ vật liệu gỗ, 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ hoặc thiết bị giao thông đường bộ, trang thiết bị bảo quản thô sơ, chưa đến 10% tàu có thiết bị bảo quản đảm bảo chất lượng hải sản cho chế biến và xuất khẩu, một số ít tàu có hầm bảo quản bằng hộp xốp thổi, còn lại 80% tàu bảo quản hải sản đánh bắt được bằng đá lạnh.

Trong khi tàu thuyền lạc hậu thì đội ngũ lao động trên tàu cũng “lạc hậu” không kém khi có đến  gần 1 triệu lao động đánh cá là lao động phổ thông và hầu hết chưa được đào tạo nghề, số thuyền trưởng, máy trưởng được tập huấn chỉ mới 30%...  

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định thốt lên rằng: “Chúng ta đang bỏ phí một ngư trường rộng lớn chỉ vì những nguyên nhân rất giản đơn là sự lạc hậu của tàu thuyền. Ở các nước không có biển, họ đang khao khát có được một góc biển cũng không có. Thế nhưng, chúng ta thì lại đang lãng phí quá lớn tài nguyên biển”.

Rồi bà Hà đưa ra câu hỏi, với số lượng tàu thuyền có công suất nhỏ và lạc hậu như trên thì liệu ngư dân có dám cưỡi sóng ra khơi?

“Hoạt động khai thác thủy sản xa bờ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngư trường khai thác ngày càng bị thu hẹp bởi những yêu sách phi lý của một số nước tranh chấp về chủ quyền. Nếu Chính phủ và các bộ ngành không tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân thì đây là điều đáng báo động đối với ngành thủy sản và an nguy chủ quyền biển đảo quốc gia” - bà Hà nhấn mạnh.

Hiện có đến 99% tàu cá đóng từ vật liệu gỗ, 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ hoặc thiết bị giao thông đường bộ, trang thiết bị bảo quản thô sơ.

Chính sách tín dụng “thắt” ngư dân

Cho rằng, những hạn chế về chính sách tín dụng hiện nay là nguyên nhân chính dẫn đến việc ngư dân đánh mất ngư trường, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phân tích: “Để đóng mới một chiếc tàu cá bằng gỗ có công suất từ 35-40 CV, ngư dân phải đầu tư khoảng 900 triệu đồng. Nhưng tàu này cũng chỉ đánh bắt gần bờ. Muốn ra đánh bắt xa bờ, phải có tàu sắt, nhưng giá của nó lên đến hơn 8 tỉ đồng. Đây là số tiền mà ngư dân có tích góp 3 đời cũng không có. Họ đến gõ cửa ngân hàng thì ngân hàng không cho vay bởi không có tài sản thế chấp và lo ngại nguy cơ rủi ro cao. Thế là họ phải đi vay nóng của các đầu nậu bên ngoài với lãi suất cao hơn từ 1,5 đến 2 lần”.

Ông Chiến cũng chỉ ra rằng, ngư dân Việt Nam vốn đã rất nghèo nay họ lại còn gặp “eo” vì lênh đênh hàng tháng trời giữa biển nhưng khi về đất liền, bán hết hải sản cũng chỉ tạm đủ trang trải để sống qua ngày.

Trong thời gian tới, ngư dân sẽ được vay vốn với lãi suất 5% năm để hiện đại hóa tàu thuyền

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ngân sách của Quốc hội chỉ ra nguyên nhân: Chúng ta có 15 cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân nhưng nhiều chính sách đã lạc hậu hoặc không đến được với ngư dân. Trong đó, dễ thấy nhất là chính sách về tín dụng.

Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra một tin vui: Ngân hàng Nhà nước đã có khoản 10.000 tỷ để cho ngư dân vay trong vòng 10 năm với lãi suất 6% năm.

Còn về những kho khăn khi tiếp cận với ngân hàng, ông Bình nói: “Cũng phải thông cảm vì cái nghề này rủi ro rất cao, trong khi hầu hết ngư dân của chúng ta lại không có bảo hiểm. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình Hợp tác xã về khai thác, chế biến thủy sản. Có như vậy, tính rủi ro sẽ giám và hiệu quả kinh tế lại cao và đương nhiên là ngân hàng sẽ hỗ trợ tối đa trong điều kiện có thể”.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Giảm lãi suất xuống mức 5% năm để ngư dân đóng mới, cải hoán tàu, thuyền. Các ngân hàng cũng nên tạo điều kiện để ngư dân thế chấp chính con tàu mà họ vay vốn để đóng mới. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần phải hỗ trợ cho ngư dân thêm một vài phần trăm nữa. Tuyệt đối không để ngư dân vay nóng bên ngoài”.

Đảng, Chính phủ luôn sát cánh cùng ngư dân bám biển

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là luôn sát cánh cùng ngư dân bám biển vươn khơi. Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan sẽ hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong điều kiện có thể của đất nước để phát triển nhanh và bền vững ngành thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, gắn liền với bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo quốc gia.

Thủ tướng chỉ đạo, cần đặc biệt quan tâm tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản; tập trung rà soát các cơ chế, chính sách, tổng kết thực tiễn, phân tích, làm rõ và đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách phù hợp. 

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ quan tâm rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp liên quan đến bảo hiểm; xuất khẩu; đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá như các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu; hạ tầng các cảng cá; hạ tầng thông tin liên lạc nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân....

Trong quản lý Nhà nước, Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý cần phải từng bước hình thành quan hệ hợp tác sản xuất mới, các liên kết sản xuất, các nghiệp đoàn nghề cá... qua đó tạo chuỗi giá trị, đảm bảo hiệu quả, an ninh, an toàn cao hơn trong hoạt động nghề cá.

“Chính phủ sẽ hết sức cố gắng trong thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Các Bộ, ngành trung ương phải tạo mọi điều kiện để ngư dân bám vững ngư trường, góp phần làm giàu cho đất nước và quan trọng hơn cả là giữ vững chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc”

 

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, các địa phương hết sức quan tâm, tăng cường hơn nữa lực lượng nòng cốt trên biển, như Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư... để hỗ trợ ngư dân trong khai thác, đánh bắt thủy hải sản, trong thiên tai cũng như các sự cố khác trên biển, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, biển đảo quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị định về phát triển thủy sản trên tinh thần mục tiêu là hỗ trợ tối đa, tạo thuận lợi nhất trong điều kiện có thể của đất nước để phát triển triển nhanh và bền vững ngành Thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, gắn liền với bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo quốc gia.

 

Đoàn Nguyên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc