Thúc đẩy hợp tác với Ba Lan, Thụy Sỹ, Luxembourg

08:52 | 18/10/2014

287 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Milan, Italia, ngày 17/10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp với Tổng thống Thuỵ Sỹ Didier Burkhalter, Thủ tướng Luxembourg Xavier Betten và Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng Ba Lan

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng bà Ewa Kopacz mới được bầu làm Thủ tướng Ba Lan; đánh giá cao vị thế ngày càng tăng của Ba Lan tại châu Âu và thế giới thể hiện qua việc Ngài Donald Tusk, nguyên Thủ tướng Ba Lan vừa được bầu làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu.

Hai Thủ tướng nhất trí trao đổi các chuyến thăm cấp cao, thúc đẩy hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế, tài chính, nông nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ba Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA); sớm hoàn tất ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Thụy Sỹ

Tại cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sỹ, lãnh đạo hai nước vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác ngày càng hiệu quả và chặt chẽ trên cả bình diện song phương và đa phương, nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, đẩy nhảnh đàm phán ký kết FTA giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) mà Thụy Sỹ là thành viên; phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc và ASEM.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sỹ mở rộng kinh doanh, đầu tư với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mà Thụy Sỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, hóa chất, dược phẩm. Tổng thống Thụy Sỹ bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam trong dịp Thụy Sỹ mở Tổng lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng Luxembourg

Tại cuộc gặp Thủ tướng Xavier Bettel, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng Ngài Xavier Bettel mới được bầu làm Thủ tướng của Luxembourg.

Hai Thủ tướng hoan nghênh các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2013 và nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hợp tác kinh tế với Luxembourg; cảm ơn nước này đã dành cho Việt Nam vị trí ưu tiên trong hợp tác phát triển. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thương mại và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực dịch vụ, vận tải, dịch vụ tài chính - ngân hàng, du lịch, tăng trưởng xanh, vệ tinh.

Thủ tướng Xavier Bettel khẳng định Luxembourg coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam và nhấn mạnh sẽ phối hợp thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) và hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU.

Trước đó, vào tối ngày 16/10, theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  đã có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. Hai bên nhất trí về các biện pháp củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước,  nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục.

Thủ tướng Viktor Orbán bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị ASEM 10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario và Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Børge Brende.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước ngày càng chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau ngày càng gia tăng và hai bên cần nỗ lực hợp tác đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, hướng tới đối tác chiến lược. Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nhằm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy đoàn kết, tiếng nói chung của ASEAN đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh chung của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy, hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Na Uy sang kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực đóng tàu, hàng hải, năng lượng, thủy sản, thông tin truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Khối Mậu dịch tự do châu Âu EFTA (gồm Na Uy, Thụy Sỹ, Iceland, Liechtenstein). Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy mong muốn thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất; đánh giá cao việc Việt Nam tích cực tham gia và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế và khẳng định Na Uy coi trọng tăng cường hợp tác với Việt Nam tại Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM.

 

P.V

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc