Tổng thanh tra Chính phủ: "Muốn chống tham nhũng, cần bỏ cơ chế xin cho"

17:44 | 22/10/2012

923 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - "Công tác phòng, chống tham nhũng tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng nhìn chung công tác này chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là “ngăn chặn, từng bước đầy lùi tham nhũng” - Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định tại bản báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng 2012 sáng 22/10.

Mở đầu bản báo cáo, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

 

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

 

Và để lý giải cho hiện trạng này, Tổng thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một loạt những nhược điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng như việc minh bạch về tài sản, thu nhập hiệu quả thấp trong khi xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm chưa nghiêm, không tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện.

Các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài; tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao...

Trước đó, tại buổi Họp báo về kết quả kiểm tra, ra soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 18/10, đại diện cơ quan này cũng cho biết, năm 2012, các cơ quan thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản hơn 130 tỷ đồng. Cảnh sát điều tra tội phạm đã thụ lý 337 vụ án với hơn 800 bị can về các tội danh tham nhũng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 410 tỷ đồng.

Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 8.000 tỉ đồng và hơn 2.600 ha đất (đã thu hồi được 2.334 tỷ đồng); ban hành hơn 163.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 324 tỷ đồng (đã thu được 260 tỉ; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 30.000 tỷ đồng; kiến nghị xử lý, kỷ luật hành chính 520 tập thể, 899 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ, 41 người.

Trong năm 2012, đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước).

Từ thực tế trên, Tổng Thanh tra Chính phủ đã đề xuất 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể để công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 và những năm tiếp hiệu quả hơn, cụ thể: cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và các quy định về một số biện pháp phòng ngừa khác để nâng hiệu quả phòng ngừa tham nhũng.

Tiếp đó, cần xóa bỏ tình trạng "xin, cho", trong đó chú trọng các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng - ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công, chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương.

Để những giải pháp trên đạt được hiệu quả, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh đề nghị cần khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác này, nhất là ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), nhằm thể chế hóa đầy đủ các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Cần nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam như công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Tại kỳ họp thứ 4, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được trình ra Quốc hội. Vì thế, Tổng thanh tra Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét thông qua việc sửa đổi, bổ sung luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

P.V