TP HCM: Tri ân người có công với cách mạng

14:54 | 25/07/2012

1,341 lượt xem
|
(Petrotimes) – Hướng đến kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2012), ngày 25/7, UBND TP HCM tổ chức họp mặt thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu đại diện cho các gia đình chính sách của thành phố.

Buổi họp mặt nhằm tưởng nhớ, tri ân những anh hùng đã hi sinh xương máu, tuổi xuân cho Tổ quốc, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhờ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta. Đồng thời, biểu dương những gương người có công với cách mạng tiêu biểu nay lại tiếp tục phấn đấu vươn lên trong lao động, sản xuất, công tác trong thời kỳ đổi mới của Đất nước.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Đua tặng hoa cho mẹ Việt Nam anh hùng

Ở các phường, xã trên địa bàn thành phố đều có gương điển hình thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công làm kinh tế giỏi. Đó là những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, không ngừng vươn lên trong lao động, sản xuất và tham gia các hoạt động xã hội, xứng đáng là “công dân kiểu mẫu”, “gia đình cách mạng gương mẫu”.

Tiêu biểu như: anh Trần Quang Khải, ngụ ở phường 15, quận Tân Bình, là một thương binh nặng 1/4 nhưng khi phục viên trở về địa phương bằng nghị lực của mình anh đã vượt khó vươn lên làm giàu. Hiện anh sở hữu một nhà máy cán thép với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng, tạo việc làm cho hơn 400 lao động, trong đó có nhiều người là hội viên cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, con em gia đình chính sách. Đồng thời, anh Khải luôn quan tâm, đóng góp tích cực trong việc xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ cho Hội Cựu chiến binh tại địa phương.

Năm 1986, trở về địa phương từ chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam với tỉ lệ thương tật 71%, anh Trần Trọng Ân, ở phường 10, quận 8 cũng đã nỗ lực vượt khó khăn với quyết tâm “không sống phụ thuộc vào vợ con và trợ cấp của Nhà nước”. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và với ý chí, nghị lực được rèn luyện trong quân ngũ anh quyết tâm học nghề làm giày dép để phát triển kinh tế gia đình. Hiện, anh đã mở được cơ sở sản xuất giày dép tại nhà với hơn 20 lao động, trong đó phần lớn đều là thương binh. Việc sản xuất kinh doanh thuận lợi nên thu nhập của người lao động ở cơ sở của anh cũng được nâng cao với lương bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng. Anh cũng tích cực tham gia đóng góp cho công tác từ thiện xã hội, giúp thương binh, hội viên cựu chiến binh kinh tế còn khó khăn và người nghèo ở địa phương có điều kiện vay vốn làm ăn, cải thiện cuộc sống.

TP HCM hiện có trên 230.000 người thuộc diện có công với cách mạng, trong đó hầu hết thương binh, bệnh binh nặng đã được cấp nhà tình nghĩa, được ưu tiên vay vốn để có điều kiện phát triển kinh tế và được các đơn vị kinh tế đỡ đầu, chăm sóc.

Trong 5 năm qua, thành phố đã vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với tổng số tiền gần 78 tỉ đồng; thành phố đã chi từ ngân sách và các nguồn vận động hỗ trợ giải quyết khó khăn, thăm viếng các gia đình chính sách trong các dịp Lễ, Tết với tổng kinh phí 679,5 tỉ đồng; tổ chức phụng dưỡng suốt đời cho 142 mẹ Việt Nam anh hùng… Đến nay, thành phố đã xây dựng hơn 16.100 nhà tình nghĩa cho các diện chính sách, có công có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; quy tập, tổ chức lễ truy điệu, an táng 27.000 hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang liệt sĩ,…

Những việc làm tình nghĩa, đầy trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể và nhân dân thành phố được thực hiện không những trên địa bàn mà còn lan rộng ra các địa phương khác góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và qua đó giáo dục lòng yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng cho những người còn sống, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc