Tướng Đồng Sỹ Nguyên và kỳ tích đường Hồ Chí Minh

18:27 | 04/04/2019

6,471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau một thời gian lâm bệnh đã từ trần hồi 11h42 hôm nay tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 96 tuổi. Petrotimes xin đăng lại bài "Tướng Đồng Sỹ Nguyên và kỳ tích đường Hồ Chí Minh" đã đăng trên báo Năng lượng Mới tháng 12/2014 như một nén nhang vĩnh biệt ông!

Trong các danh tướng của quân đội ta thời chống Mỹ, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng huyền thoại. Gần 10 năm làm Tư lệnh Binh đoàn 559, ông đã cùng nhiều vị tướng lẫy lừng khác như Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Đặng Tính, Phan Khắc Hy... đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

******

Sách “Đại thắng mùa xuân” của Đại tướng Văn Tiến Dũng viết, năm 1975, khi đi chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Máy bay xuống sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), đồng chí Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cùng một đoàn xe của Bộ Tư lệnh 559 từ Quảng Trị ra, đã chờ, đón chúng tôi ở sân bay”… “Tới sông Bến Hải, chúng tôi xuống thuyền gắn máy chạy ngược sông… Xế chiều, đổ bộ lên một bến phía nam sông, đi vào Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559, ở phía tây Gio Linh… các đồng chí Đinh Đức Thiện, Đồng Sĩ Nguyên báo cáo tình hình chuẩn bị của hậu cần, cho biết đã đưa vào mặt trận đầy đủ mọi thứ phục vụ chiến đấu và đề nghị đã đánh là đánh lớn, cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân, cũng có đủ…”.

Trời! Từ một con đường “sinh ra giữa tiếng gào thét xé trời đêm sâu nhà tù Phú Lợi và tiếng hò vang Đồng Khởi (1959-1960)… Từ buổi vạch lá tìm đường, nộp thuế máu cho vắt” (Thép Mới), nộp màu da trai cho sốt rét rừng… cho đến khi “cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân, cũng có đủ” là 15 năm! 15 năm để biến vai vác, lưng gùi và xe thồ thời dân công Điện Biên Phủ thành ra “Đường mòn Hồ Chí Minh” cơ giới, thành ra “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, thành ra đường ống xăng dẫn vào tận Đông Nam Bộ, thành ra “Xương sống của cuộc chống Mỹ”, thì đó là một kỳ tích lịch sử có một không hai, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

tuong dong sy nguyen va ky tich duong ho chi minh

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Thấp thoáng cái tên, cái dáng cao lớn ông Đồng Sĩ Nguyên ở trong kỳ tích đó. Phải, ông Nguyên, ông Võ Bẩm, ông Đặng Tính, ông Phan Khắc Hy, ông Đinh Đức Thiện, ông Phan Trọng Tuệ… thấp thoáng giữa trùng trùng rừng núi, trùng trùng bộ đội và thanh niên xung phong, trùng trùng đồng bào các dân tộc Đông - Tây Trường Sơn thời chống Mỹ.

Thấp thoáng, vì các ông gần như lẫn vào trong họ, dù các ông là những người chỉ huy Mặt trận Trường Sơn chống Mỹ mà ông Đồng Sĩ Nguyên là Tư lệnh lâu nhất, chính danh, cho đến cả sau ngày toàn thắng (1967-1976).

Các ông lẫn vào quân số Trường Sơn, lúc cao nhất là 12 vạn người, trong đó có hơn 1 vạn thanh niên xung phong (TNXP), phiên chế thành 8 sư đoàn hỗn hợp và 1 sư đoàn phòng không với cao xạ và tên lửa.

Nên nhớ, khi ông Nguyên vào tiếp nhận cương vị Tư lệnh Trường Sơn (1967), mới chỉ có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe, chia thành 4 binh trạm. Thế mà, đến đầu năm 1975, khi mà ông Nguyên có thể nói với Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân, cũng có đủ”, thì chỉ riêng vận tải cơ giới, Trường Sơn đã có 2 sư đoàn với trên 10.000 xe!

Hóa ra, từ đầu tháng 7/1967, chỉ 2 ngày trước khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất và ông Nguyên vừa nhận nhiệm vụ, ông đã nói với ông Thanh: “... Chiến trường chúng tôi (Trường Sơn), muốn làm được nhiệm vụ chủ yếu là vận tải chi viện cho các chiến trường, trước hết phải thực hiện cuộc chiến đấu kép: Vừa phải có binh chủng hợp thành đủ sức chống lại cuộc chiến tranh ngăn chặn do không quân và bộ binh Mỹ - ngụy thực hiện, vừa phải đủ sức phối hợp giúp quân dân Trung - Hạ Lào chống được cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ điều khiển đánh vào Trung - Hạ Lào...”.

Thế là, để các chiến trường, chiến dịch cả Đông Dương cần cái gì và cần bao nhiêu cũng có, “Công binh và TNXP ông Nguyên”, dưới mưa bom bão đạn, trong mưa nắng rừng nhiệt đới, phải duy trì, nâng cấp, mở rộng để cả một tuyến đường ngày càng vĩ đại. “Cao xạ ông Nguyên” phải thắng trong cuộc chiến trên trời với không quân địch. “Bộ binh ông Nguyên” phải cùng với quân dân Trung - Hạ Lào giữ và mở rộng vùng giải phóng, làm thất bại mọi cuộc đột kích, mọi chiến dịch mà Mỹ và các loại ngụy Đông Dương nhằm vào tuyến đường, tức là chuyển hoàn toàn nguyên tắc hoạt động: Từ phòng tránh là chính, sang chủ động phản công mà đi. Có ở đâu trên thế gian này, một tuyến đường, lại là cả một mặt trận, một chiến trường như vậy? Con “đường mòn” vĩ đại ấy, cuối cùng có tới 14 tuyến với 20.000km đường bộ với 800km đường kín, 1.500km đường rải đá, 200km đường nhựa, 1.500km đường ống xăng dầu, 1.350km cáp thông tin, 3.800km đường giao liên, 500km đường sông.

Đoàn 559, về cơ bản có các binh trạm (mỗi binh trạm tương đương cấp trung đoàn): Ở Làng Ho, Quảng Bình; Hướng Hóa, Quảng Trị; Khăm Muội - Trung Lào; Bắc Đường 9; Tha Mé - Tà Khống, Xavanakhet, Trung Lào; A Lưới, Thừa Thiên...

Thượng tá Bùi Xuân Ngật, 8 năm sống và chiến đấu tại Binh trạm 27 (Trợ lý tác chiến Tiểu đoàn Cao xạ 35), kể: Binh trạm 27 chuyên đường sông. Từ đây, xăng thì để cả phuy (khi chưa xong đường ống xăng dầu), gạo (là chính) và thực phẩm… bọc trong 3 lớp túi nilon, được thả trôi theo sông Xêbănghiêng, vào đến tận Sông Bạc (Xêpôn). Người ta phải làm “ray” (bằng tre luồng) song song với dòng chảy để hàng không dạt vào bờ. Ở những chỗ nước quẩn, lính ta cầm sào đẩy tiếp. Không phải địch không biết! OV-10 soi thấy hàng, gọi F4 thả bom các bãi hàng nổi trên sông Xêbănghiêng. Nhiều khi hàng vỡ, lính ta lội xuống vớt, gạo ngập ngang lưng! Gạo vớt lên, bị ướt, các đơn vị tại chỗ dùng. Còn lại, đẩy ra trôi tiếp! Nên nhớ, ngày ấy ở miền Bắc, dân ta còn đói ăn, nhưng vì thắng lợi, “Tất cả cho tiền tuyến”, mọi thứ hàng, 559 phải đưa bằng được về Nam.

Cứ thế, ông Nguyên và quân tướng của ông làm ra, băng bó, mở rộng hệ thống huyết mạch Trường Sơn cho đến ngày toàn thắng!

Để hình dung không khí ngày ấy, nên biết đến một câu “Ca dao lính” thời đó: “Em ơi! Đi lấy chồng đi - Anh vào Tà Khống, có đi không về!” và một bài hát “chế” theo lời Bắc (Cả nước đang tưng bừng mừng chiến công lẫy lừng miền Bắc...), thành ra là: “Vừa đến nơi trao hàng thì ánh dương cũng vừa bừng sáng - Lại chiếc Din ba cầu bị tắc xăng giữa Rô 50 (050) - May quá! Có ông Dễ ở Tiểu đoàn 52 ông ấy đi về - Ông tháo tung ra chữa - Một giờ liền xe ta mới đi!”. Ông Dễ là cán bộ chỉ huy của Tiểu đoàn Vận tải quân sự số 52 anh hùng.

tuong dong sy nguyen va ky tich duong ho chi minh

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đi kiểm tra tuyến đường Trường Sơn

Trời ạ! Nguy hiểm, buồn đau, tếu táo kiểu lính, rải khắp Trường Sơn chống Mỹ!

Các chiến dịch chiến thắng lớn sau đó (Mậu Thân 1968, Đường 9 - Nam Lào 1971, Đông Hà - Quảng Trị 1972, Phước Long - Lộc Ninh 1974 và đặc biệt, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc 1975) đã chứng minh tầm nhìn, tài thao lược, tài tổ chức - chỉ huy của ông Nguyên và các đồng chí của mình trong việc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Nó cũng chứng tỏ, vị Tổng Tư lệnh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người “Anh cả” của quân đội ngày ấy - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - đã không chọn nhầm người.

Để hoàn thành nhiệm vụ vĩ đại ấy, 2 vạn “quân ông Nguyên” đã vĩnh viễn nằm lại bên đường - trên đường. 3 vạn “quân ông Nguyên” vĩnh viễn mang thương tật. Còn bao người âm ỉ điôxin sau này nữa, ai tính hết được không?

Bù lại, “Đường mòn Hồ Chí Minh (tên người Mỹ và đồng minh gọi tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn) không chỉ là con đường tiếp tế. Nó còn là biểu tượng của cả cuộc chiến tranh Việt Nam. Nó là bàn tay bí mật chỉ đạo cuộc chiến tranh... Đây là người mẹ trong gia đình, giấu mặt đi để các con được tuyên dương... Không có nó, chiến tranh (mà Mỹ tiến hành) đã có thể kết thúc... Con đường ấy có sức sống mãnh liệt vì nó tượng trưng cho sức chiến đấu của cả dân tộc... Đó là con đường ra tiền tuyến, con đường huyết mạch nối hậu phương lớn với tiền tuyến lớn” (Van Geirt - 1971). “Thành tích của Annibal (viên tướng vượt Alpes sang Ý từ Châu Phi), với những con voi vượt qua dãy Alpes, Bonaparte cho chuyển trọng pháo của mình qua đèo Saint Beruard đã bị vượt quá xa, vì lần này do cả một dân tộc tiến hành... Tất cả đều tham gia: xe hỏa, ôtô vận tải, ca nô, phà, tàu thủy, thuyền, bè mảng, xe cút kít, xe đạp thồ tới 300kg; và còn sử dụng đến lưng con người nữa, không kể nam hoặc nữ” (Jacques C.Despuch - 1973)...

Đó là một số dòng do các học giả, ký giả phương Tây viết về Đường Trường Sơn - Mặt trận Trường Sơn - Chiến trường Trường Sơn - Đoàn vận tải quân sự 559.

Đọc dòng nào, từ năm 1967, tôi cũng thấy thấp thoáng bóng dáng cao lớn, thâm trầm của ông Nguyên. Đánh giá cao công lao và tài đức của ông, năm 1974, ông được Nhà nước ta phong quân hàm vượt cấp, từ Đại tá lên Trung tướng.

Nếu như ở phần trên, ta đã thấy Van Geist ví tuyến đường “là người mẹ trong gia đình, giấu mặt đi để các con được tuyên dương”, thì hình như ở đó cũng thấp thoáng tính cách người Tư lệnh lâu nhất của nó. Ông cùng Bộ Tư lệnh của mình, bộ đội, TNXP của mình, lặng lẽ làm nhiệm vụ; lặng lẽ và bền bỉ đổ mồ hôi, tâm trí, xương máu, nhiệt huyết cho tuyến đường, cho ngày toàn thắng.

Sau này, có một chuyện riêng cảm động mà tôi biết, cũng mang đậm tính cách, tư cách ông: Vào năm học 1977 - 1978, tôi, lúc đó đang là giáo viên của Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng, đóng ở thị xã Lạng Sơn, được gặp và kết bạn với một người con trai của ông. Anh ấy tên là Quân, rất đẹp trai, cao lớn. Quân lên trường học thêm ngoại ngữ, chuẩn bị ra nước ngoài học trung - cao pháo binh. Rồi kế hoạch ấy bất thành! Biên giới phía bắc rập rình bóng giặc, trường tôi chuyển về Ứng Hòa, Hà Tây cũ. Quân trở về đơn vị và người thiếu úy pháo binh ấy cùng đại đội của mình đóng ở ngay Pháo đài Đồng Đăng. Sáng sớm ngày 17/2/1979, giặc lén lút tràn qua biên giới. Đại đội pháo binh của Quân bị đánh úp từ phía sau lưng bởi chiến thuật “sóng người” bành trướng và không một ai sống sót! Nhiều người thương ông, thương Quân, nói rằng, với cương vị của mình, ông đã hoàn toàn có thể đưa con trai về phía sau, cho an toàn. Ông Nguyên đã không làm thế.

Sau này, nhà thơ Phạm Tiến Duật kể lại, những lần đến thăm Tư lệnh cũ tại nhà riêng, anh để ý mãi mới biết, ông lặng lẽ treo bức ảnh người con trai đã hy sinh của mình trong... phòng ngủ. Lúc ấy đã là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ban ngày, sau những lo toan việc non sông, đêm đến, trong phòng ngủ, ông lại lặng lẽ ngắm nhìn và thương nhớ đứa con yêu. Nói đến Phạm Tiến Duật, không thể không nhắc đến lời ông Nguyên: “Ngay khi đọc thơ Phạm Tiến Duật, tôi đã biết, đây là một nhà thơ lớn, rất lớn...”. Ông Nguyên là Tư lệnh của anh Duật ở Trường Sơn. Ông và lính của ông, ai không đọc và thuộc thơ anh Duật? Ông từng nói, “Thơ Duật có sức mạnh bằng nhiều tiểu đoàn vận tải”.

Ông không có thói quen dài dòng. Xuất hiện ở đâu cũng thấp thoáng. Thế thôi, nhưng chưa bao giờ ông bị khuất lấp sau những thứ tầm thường. Bóng ông thấp thoáng sau những, bên những giá trị lớn lao, cao đẹp.

Sau này, khi dọc Đại lộ Hồ Chí Minh đã có nhiều đô thị, tôi nghĩ, nên có những con đường - con phố mang tên Đồng Sĩ Nguyên, Đặng Tính, Phan Trọng Tuệ, Đinh Đức Thiện, Phan Khắc Hy, Phạm Tiến Duật và bao anh hùng, liệt sĩ (cá nhân và tập thể) của Trường Sơn chống Mỹ - Đường bộ đội, đường Thanh niên xung phong, đường đồng bào các dân tộc Đông, Tây Trường Sơn…

Phải! “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý dân mình, phải mãi mãi nhớ những hào kiệt trong thời đại ấy!

Đỗ Trung Lai

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc