Ai tư vấn - Tư vấn cho ai?

14:05 | 31/10/2012

1,326 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau cái chết của em N.T.C.T, học sinh lớp 9/6 trường PTCS Trung Lập huyện Củ Chi TP HCM đã đặt lại câu hỏi về công tác tư vấn học đường.

Phòng c của Trường THCS Trung Lập đã hoạt động được 2 năm nay. Phụ trách phòng tư vấn học đường là một giáo viên trước kia dạy… nữ công gia chánh. Giáo viên này cho biết, nhiều học sinh còn chưa hiểu vào phòng tư vấn học đường để làm gì.

Trường hợp cái chết của học sinh N.T.L (lớp 10, Trường THPT Tiền Phong, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) cũng có nguyên nhân là em không được tư vấn kịp thời từ giáo viên chủ nhiệm và gia đình. Theo bố của L, tối 19/10, khi em mở cặp sách ra để lấy tiền thì phát hiện bị mất. L đã kể cho bố biết và xin tiền để đền bù. Song, nhà trường và gia đình chưa kịp trao đổi gì thì L đã vội vàng tìm đến cái chết để chứng tỏ sự trong sạch của mình.

Một cái chết khác cách đây mấy năm xảy ra ở Trường THCS Nhơn Thành (huyện An Nhơn, Bình Định) cũng hết sức đau lòng. Một học sinh đã tự tử để chứng minh mình trong sạch vì bị bạn nghi lấy trộm tiền. Cái chết này làm giáo viên chủ nhiệm và gia đình hết sức khổ đau.

Ba cái chết trên cho thấy lỗ hổng trong công tác tư vấn học đường rất lớn. Nếu các em được tư vấn kịp thời, có thể không xảy ra hậu quả đau lòng đến vậy.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, luôn xác định tư vấn cho học sinh, sinh viên là một công việc rất cần thiết. Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên cho biết, quan điểm này được thể hiện rõ nét trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học. Theo đó, Bộ chỉ đạo các trường thành lập tổ tư vấn để giúp học sinh giải tỏa những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống và học tập... Hiệu trưởng nhà trường phải có trách nhiệm tổ chức, phân công giáo viên tư vấn tâm lý hoặc giáo viên kiêm nhiệm công việc tư vấn.

Tuy vậy, hiệu trưởng nhiều trường ở các địa phương cho biết, tư vấn học đường đúng là một lỗ hổng lớn do không được hướng dẫn tổ chức cụ thể và thiếu nhân sự lẫn chuyên môn. Bộ GD&ĐT cái gì cũng muốn làm nhưng không cho biên chế, không có giáo viên chuyên trách; giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm thì không được đào tạo về công tác tư vấn, lại thiếu thời gian. Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng gặp rất nhiều khó khăn, làm cho công tác tư vấn học đường chỉ là hình thức, thiếu hiệu quả.

Nhiều giáo viên thẳng thắn: “Chẳng có giáo viên nào được đào tạo để dạy kỹ năng sống. Chúng tôi phải tự bơi. Thực tế, chẳng giáo viên nào muốn thêm việc trong khi đồng lương cho họ không thay đổi. Nhiều giáo viên còn nhầm tưởng dạy kỹ năng sống là tổ chức thật nhiều trò chơi, phong trào… thì làm sao đòi hỏi đủ chuẩn mực để dạy lại cho học sinh?”. Câu hỏi lớn về tư vấn học đường vần còn để ngỏ!

Minh Nghĩa

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc