Bài học mang số 71

14:56 | 15/11/2012

1,416 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Gần một tuần nay, dư luận nhân dân “sôi sùng sục” vì việc lực lượng Cảnh sát giao thông xử phạt xe không chính chủ.

Thật là khốn khổ cho lực lượng Cảnh sát giao thông - một lực lượng chịu đựng ô nhiễm gần như bậc nhất trong các ngành nghề: Ô nhiễm do khói bụi xe, ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm cả vì những lời chửi rủa, nhiếc móc. Nay lại phải gánh thêm một làn sóng phản đối. Báo hại cho lãnh đạo Bộ Công an đã phải cử Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý trật tự an toàn xã hội cất công giải thích với các phương tiện thông tin đại chúng.

Và một điều đáng ngạc nhiên là có những tờ báo ngang nhiên cổ vũ cộng đồng mạng “ném đá” vào lực lượng Cảnh sát giao thông khi thực hiện Nghị định 71. Vậy tại sao có chuyện lạ lùng như thế này, trong khi Nghị định 71 về xử phạt những vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trong đó có việc sử dụng phương tiện không sang tên, đổi chủ?

1. Lỗi này, trước hết phải thuộc về lực lượng Cảnh sát giao thông.

Nếu như ngay từ những năm trước đây, khi Thông tư 36 của Bộ Công an mới ra đời, lực lượng Cảnh sát giao thông cùng với các ngành khác ra tay quyết liệt, làm chặt từ đầu, đưa việc mua bán, sang tên, đổi chủ xe cộ vào nề nếp thì nay đâu có thế này. Chính sự buông lỏng quản lý, xử phạt không nghiêm của lực lượng Cảnh sát giao thông khiến người dân cứ vô tư mua bán, không cần sang tên, đổi chủ cho “giảm chi phí”.

Các cụ ta ngày xưa có câu: “Đừng thả gà ra mà đuổi”. Câu này mới đúng làm sao nếu ví với tình hình trật tự an toàn giao thông ở Việt Nam. Do xử phạt không nghiêm đã khiến người dân coi nhờn luật pháp và thực tế bây giờ họ cũng chưa biết Nghị định 71 là gì. Bây giờ, tổ chức siết lại thì vấp phải sự phản ứng đó cũng là điều dễ hiểu.

Cũng phải nói thêm rằng, ý thức chấp hành luật pháp của một bộ phận khá đông người Việt Nam ta rất kém trong mọi lĩnh vực, chứ chẳng riêng gì lĩnh vực an toàn giao thông. Một ví dụ đơn giản là đã có quy định công dân đi ra đường phải có giấy tờ tùy thân. Nhưng người Việt Nam ta sẵn sàng sửng cồ lên với lực lượng cảnh sát: “Tôi làm gì mà các ông kiểm tra giấy tờ tôi?”. Vốn tính sĩ diện hão và coi cái tôi to hơn tất cả, cho nên rất nhiều, rất nhiều người thấy khó chịu khi phải xuất trình giấy tờ tùy thân.

Những ai đã từng ra nước ngoài, đặc biệt là tới các nước châu Âu thì mới thấy rằng, nhiều khi chỉ vì không mang theo giấy tờ mà bị bắt giam. Sự tùy tiện trong việc chấp hành luật pháp là một nguyên nhân dẫn đến một xã hội nhốn nháo, xô bồ, thiếu kỷ cương, như hiện nay. Điều đó lý giải rằng, tại sao số vụ chống người thi hành công vụ ngày một tăng. Một điều nữa là bản thân lực lượng phòng chống tội phạm cũng nhu nhược, không rắn tay và bên cạnh đó cũng có những sự tiêu cực, khiến cho không ít người coi thường.

Ảnh: Mạnh Thắng

2. Việc sang tên, đổi chủ xe quả thật là cũng có phần nhiêu khê về thủ tục và mức thu phí quá cao so với túi tiền của người dân hiện nay. Một tín hiệu vui là Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị thông báo sẽ kiến nghị lên ngành Tài chính giảm lệ phí chước bạ khi sang tên, đổi chủ xe xuống thấp nhất, thậm chí có khi dưới 1%. Nếu được như thế thì thật là đáng mừng. Bao nhiêu năm nay chúng ta cứ nói phải “Lấy dân làm gốc”. Mà khi đã nói “Lấy dân làm gốc” thì phải biết chăm sóc, dung dưỡng, bồi đắp cho gốc lớn mạnh. Thánh Trần Hưng Đạo đã dạy rồi (mà đấy là dạy Vua) rằng “Khoan thư sức dân, là cái kế sâu rễ, bền gốc”. Nay ngành Thuế cứ “tận thu” thế này, thì “khoan thư” gì sức dân.

Khoảng 40% số lượng xe máy hiện nay khi mua bán không đăng ký sang tên, đổi chủ. Đây là một con số khổng lồ. Điều này không chỉ gây thất thu một khoản lệ phí đáng kể cho ngân sách, mà nghiêm trọng hơn là gây ra sự hỗn loạn, không thể quản lý nổi phương tiện giao thông. Xe ăn cắp, ăn trộm, xe của các đối tượng gây án, xe sử dụng để buôn bán ma túy, buôn lậu… khi bị phát hiện đối tượng sẵn sàng vứt bỏ để chạy và lực lượng Công an truy tìm đến gốc cái xe thì đã qua nhiều lần đổi chủ, thậm chí người chủ chính đã quy tiên từ lâu. Cho nên, việc siết lại, thực hiện nghiêm Nghị định 71 chính là một trong những biện pháp lập lại trật tự, an toàn xã hội trên lĩnh vực giao thông. Không ít người ngộ nhận cho rằng, đây là một cách để thu thêm tiền…

Thật ra, tiền thu được khi sang tên, đổi chủ chẳng thấm tháp gì so với các khoản thu, chi khác. Nhân chuyện này, cũng phải nói thêm, bấy lâu nay không ít người cho rằng, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng mức phạt là để có thêm nguồn thu, chia nhau. Thậm chí, có cả đại biểu Quốc hội cũng hiểu sai, khi được biết rằng, 70% tiền phạt được các địa phương đưa về cho lực lượng cảnh sát. Đúng là có chuyện đó thật nhưng số tiền đó chủ yếu dành cho việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa xe cộ, mua xăng dầu… Còn bản thân những người cảnh sát giao thông trực tiếp làm nhiệm vụ, cũng chỉ được bồi dưỡng từ 700.000 cho đến 1.500.000đồng/tháng.

Nhân đây phải nhắc đến một câu chuyện là cách đây 5 năm, có một tờ báo “chửi” lực lượng Cảnh sát giao thông quá độc địa. Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng - Thứ trưởng Bộ Công an lúc đó mời Tổng biên tập này lên và hỏi chuyện gia đình, con cái. Sau khi nghe Tổng biên tập này giãi bày về chuyện gia đình mình, Thượng tướng nói: “Cậu có thích cho con cậu vào làm cảnh sát giao thông không?”. Anh Tổng biên tập bĩu môi: “Em cho nó vào làm gì, để nó đứng đường, hít bụi mà chết à?”. Rồi giữa cái nắng tháng 7, lúc quá ngọ, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đưa anh Tổng biên tập đó ra đường Pháp Vân và gặp một tổ tuần tra của Cảnh sát giao thông. Đứng hỏi chuyện một lúc thì anh Tổng biên tập chịu không nổi vì nắng quá, rồi năn nỉ đòi về.

Trên ôtô, anh ta mới nói: “Làm cảnh sát giao thông thế này thì chết”. Lúc ấy, Thượng tướng mới thủng thẳng nói: “Cậu thử nghĩ xem, nếu như trên mặt đường bây giờ, không có cảnh sát giao thông, vì anh em cứ chui vào chỗ mát ngồi uống nước thì tình hình giao thông sẽ như thế nào? Đành rằng anh em có cái sai, có cái thiếu sót. Nhưng cậu thấy đấy, mỗi ngày làm việc ngoài đường như thế được bồi dưỡng 15.000 đồng, liệu cậu có chịu được không? Cho nên viết gì phê phán thì dễ, nhưng cũng phải biết thương anh em”. Lúc này anh Tổng biên tập mới thấy thấm thía.

3. Việc lực lượng Cảnh sát giao thông ra quân thực hiện Nghị định 71 hoàn toàn có thể tạo được sự đồng thuận của xã hội, của nhân dân nếu như trước đó các cơ quan thực thi tổ chức tuyên truyền rộng rãi hơn và có thời gian cho mọi người chuẩn bị. Thậm chí có thể thông báo hằng ngày trên tivi rằng, còn bao nhiêu ngày nữa thì sẽ xử phạt người đi xe không sang tên đổi chủ và cho đếm lùi thời gian. Hơn nữa, việc tuyên truyền cũng phải kỹ càng hơn với những trường hợp xe đi mượn, xe thuê… Các cơ quan báo chí không nên hấp tấp, vội vàng lên án ngay việc này. Lẽ ra cần phải hỏi cho đến đầu, đến đũa rồi hãy phản ứng, đằng này nhiều người thậm chí chẳng biết nội dung Nghị định 71 ra sao đã cao giọng phê phán.

Qua sự việc này mới rút ra được những bài học rằng:

Thứ nhất, đừng đổ lỗi cho dân. Lỗi đầu tiên là ở chính những người thực thi pháp luật.

Thứ hai, những nhà hoạch định chính sách cũng phải biết nghĩ đến chuyện chăm lo cho cái gốc là dân được bền vững.

Thứ ba, làm gì cũng phải để cho người dân có đủ thời gian, tinh thần và ý thức chuẩn bị. Có như vậy, mới tạo được sự đồng thuận của toàn dân.

Như Thổ