Báo chí 2012 - Một năm buồn

07:00 | 30/12/2012

2,378 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Không ít tờ báo đã vô tình trở thành cầu nối, tạo môi trường trung gian để những mặt trái của xã hội gây “sốc” cho dư luận xã hội. Chưa bao giờ tít tin bài lại ghê rợn như hiện nay.

Trong quá trình đổi mới và tái cấu trúc nền kinh tế, bạn đọc đã đón đọc báo chí với tư cách một món ăn tinh thần cần thiết và nhờ đó, báo chí nước ta vẫn có bước phát triển, với sự góp mặt của những tờ báo in, báo mạng mới và cũng chia tay một số tờ báo in, báo mạng không trụ nổi trong cuộc cạnh tranh thông tin khốc liệt nhất trong suốt chiều dài  gần 90  năm hoạt động của báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo một thống kê, hiện nước ta có tới 786 cơ quan báo chí, 194 báo in, 592 tạp chí, 61 báo điện tử, 67 đài phát thanh - truyền hình, gần 200 trang mạng xã hội và trên 1.000 trang thông tin điện tử, với đội ngũ hơn 17.000 nhà báo chuyên nghiệp được cấp thẻ hành nghề.

Báo chí Việt Nam trở thành một lực lượng xã hội trực tiếp, đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống đất nước. Đội ngũ nhà báo tài năng nhiệt huyết và chấp nhận dấn thân để có những trang báo rung động tâm tư tình cảm của độc giả, gây tác động  và  ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, được bạn đọc tin cậy, đồng nghiệp ngưỡng mộ.

Báo chí đã trở thành một kênh thông tin, xây dựng và phản biện xã hội quan trọng trong việc hoạch định và thực hiện các chính sách kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước. Nhờ báo chí mà công việc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của chính quyền địa phương trở nên gần dân hơn. Hơn nửa triệu doanh nghiệp với đủ các thành phần kinh tế được báo chí quan tâm phản ánh thành công, trở ngại và những bước lùi sâu sắc, thường xuyên. Và năm 2012 cũng là thời điểm mà giới doanh nhân và các doanh nghiệp rất cần, thân thiết và cả “ngại ngần”, “né tránh”, “đối phó” với báo chí như hiện nay!

Quá trình đổi mới và tái cấu trúc nền kinh tế đòi hỏi báo chí cũng phải được đổi mới, tái cấu trúc toàn diện và sâu sắc hơn, từ nội dung đến hình thức, vượt qua khó khăn suy giảm nghiêm trọng với báo in. Có một câu chuyện không biết nên vui hay nên buồn khi hỏi nhiều tổng biên tập về số lượng bản báo phát hành đều nhận được câu trả lời “tế nhị” rằng, ai lại hỏi tuổi phụ nữ!? Tuy không nói ra nhưng ai cũng hiểu lượng phát hành đang rơi tự do. Đừng hỏi các ông bà tổng biên tập, hãy ra các sạp báo sẽ thấy những “anh cả đỏ” từng ở đỉnh cao chói lọi trên 70 vạn, 60 vạn và nửa triệu bản/kỳ, chí ít cũng vài chục vạn bản/kỳ… nay chỉ còn 20%, 30%. Nhiều tờ báo trở nên thưa thớt trên sạp chỉ phục vụ bạn đọc ruột trót nghiện báo. Các sạp bây giờ chỉ nhận ký gửi mà không mua đứt bán đoạn nữa.

Ôi, bao giờ cho đến ngày xưa? Danh sách các tờ báo lượng phát hành có 4 con số cứ dài ra dài ra và đã có những tờ báo giảm kỳ, thôi không ra báo ngày mà cầm cự với báo cuối tuần, phụ bản liên kết mà thực chất là “bán cái” cho một nhóm đầu nậu , nhà báo “chân ngoài dài hơn chân trong” giỏi lách luật làm báo thị trường. Trong khi đó đã có không ít những tờ báo giảm 30% “quân”, động viên anh chị em tự nguyện nghỉ không lương, khất nợ lương, nợ nhà in, nợ tiền nộp phạt, cúp thưởng… Đã có tổng biên tập bị huyền chức do “nhiều sai phạm về kinh tế” như thông báo của cơ quan quản lý.

Đầu ra ổn định là mơ ước của hầu hết tổng biên tập yên tâm kê cao gối ngủ sau khi ký “bông” và chốt số lượng với nhà in.

Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc tấn công, chinh phục và chiếm lĩnh thị phần thông tin của báo mạng đứng đắn và cả những trang mạng “đen” chuyên chế biến lại các tin tức chính thống với các tình tiết ngụy tạo, dựng đứng với dụng ý xuyên tạc bôi đen gây nhiễu, đang thắng thế.  Không thể đếm hết các tờ báo, đặc biệt là các phụ bản, các báo mạng chạy theo xu hướng giật gân, “lá cải” đặc quánh tình, tiền, tù, cướp, hiếp, giết, khoe hàng, khoe của, scandal đời tư. Trong những lần thư giãn với các cựu tổng biên tập, các nhà báo đã gác bút, hầu như ai cũng bảo, chịu không thể làm báo như “một bộ phận không nhỏ” đang làm hiện nay có các vàng cũng chịu không làm được.

Hình như sự lệch chuẩn trong báo chí, truyền thông đang được thị hiếu tầm thường của một bộ phận bạn đọc dung dưỡng? Họ đã tự đánh mất chính mình, thị  trường hóa mọi thứ có thể  để lừa dối, dụ khị độc giả?… Rất nhiều câu hỏi đặt ra với báo giới và cho cơ quan quản lý báo giới về việc này.

Tại cuộc hội thảo về đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin do Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí Tuyên truyền phối hợp tổ chức mới đây, nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo đã được bàn thảo. Theo cựu Tổng biên tập Báo Nhân dân, Hữu Thọ, bên cạnh những ưu điểm cơ bản thì báo chí hiện nay cũng có những khuyết điểm, có khuyết điểm nghiêm trọng. Trong các khuyết điểm, có khuyết điểm thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu hoặc xâm phạm uy tín danh dự của tổ chức, nhân phẩm công dân, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và làm mất uy tín của giới báo chí trong xã hội… Cách suy nghĩ đơn giản hoặc chạy theo thị hiếu tầm thường để có những tít “giật”, cách dùng ngôn từ dễ dãi, thiếu chọn lọc, thiếu trau chuốt luôn mang lại một cảm giác ghê sợ, phản cảm cho bạn đọc, làm tổn hại đến sự trong sáng của tiếng Việt…

Không ít tờ báo đã vô tình trở thành cầu nối, tạo môi trường trung gian để những mặt trái của xã hội gây “sốc” cho dư luận xã hội. Chưa bao giờ tít tin bài lại ghê rợn như hiện nay. Các giáo trình nghiệp vụ báo chí canh tân đến mấy cũng “botay.com” trước nhưng biến tướng của cách giật tít về những vụ scandal nhảm nhí, hình ảnh sinh hoạt riêng tư, chuyện hậu trường nhạy cảm…

Có bạn đọc đã nhận xét một cách mỉa mai rằng, báo chí hết chuyện rồi hay sao mà tên giết người Lê Văn Luyện trên các mặt báo lại nhiều hơn những vấn đề quốc kế dân sinh, biến kẻ sát nhân man rợ trở thành “người hùng” được một bộ phận giới trẻ tung hô. Sa đà vào các vụ việc vi phạm đạo đức, những trò PR rẻ tiền của giới showbiz, một số tờ báo đã tiếp tay cho những trò lố này đến mức bị nhắc nhở, cẩm phạt. Chỉ một việc lấy “lỗ làm lãi” của  cô người mẫu nọ, trò PR của ca sĩ kia lên mặt báo, người ta đã cổ vũ cho chủ nghĩa hưởng thụ thô thiển, đã khiến giới trẻ ngộ nhận đó là những giá trị, đánh mất dần những giá trị chân chính đích thực… Sẽ không quá lời khi nhận xét rằng, một bộ phận báo chí đang tha hóa độc giả cũng tự tha hóa một bộ phận nhà báo!

Đây chính là “khuyết điểm” của báo chí như nhà báo lão thành Hữu Thọ chỉ ra, trở thành bài học của nhiều nhà báo.

Trong cạnh tranh thông tin mà thực chất là cạnh tranh bạn đọc hiện nay đặt ra cho các báo nhiều vấn đề cốt tử. Thông tin “nhạy cảm” đang làm đau đầu các tổng biên tập. Yêu cầu “nhanh - đúng - trúng - hay” không đơn giản chút nào trong bối cảnh  hiện nay. Hóa ra thông tin cũng cần độ trễ như chính sách khi đi vào cuộc sống. Thông tin này đăng chậm thì thiu nhưng đăng ngay sẽ phiền toái. Không phải ngẫu nhiên mà cùng một sự kiện, nếu chỉ đạo khai thác  mặt tích cực sẽ có thông tin lành mạnh. Và ngược lại, ai biết được rằng nó mang cho bạn đọc độc dược gì?

Lần đầu tiên trong báo giới nổ ra cuộc cãi cự kịch liệt giữa mấy tờ báo về ai lá cải, ai chính thống mà bất phân thắng bại dù rằng tờ báo nọ bị lên án là lá cải lại chiếm lĩnh sạp báo còn tờ báo chính thống kia thì “rút vào bí mật” bởi cạn nguồn độc giả!

Đây chính là quan ngại của cả hai phía, cơ quan quản lý và bạn đọc là hiện tượng phát triển “nóng” như nấm mọc sau mưa của các mạng “lá cải”, báo “lá cải” và xu hướng “lá cải hóa” từng trang của một số báo.

Chấn chỉnh, cải tổ, cúp cắt những tờ báo đang “lá cải hóa”, những trang mạng đang “đen hóa” thực ra không quá khó. Hay như một chiếc xe ôtô đang được phép lưu hành sẽ không thể gây tai nạn, nếu như không phóng nhanh vượt ẩu, nếu như người lái có trách nhiệm thì đâu đến nỗi có những cái chết tức tưởi. Ai đời chiếc xe khách ấy lại giao cho người vừa không có bằng vừa không biết lái? Và đổi mới báo chí cũng vậy cần bắt đầu từ khâu thanh lọc người làm báo. 17.000 người không lẽ không có người thay cho vài người? Và thiết nghĩ, những phụ bản, số cuối tuần, cuối tháng đã được “bán cái”, những trang mạng nửa dơi nửa chuột này cần rút ngay giấy phép và xem ra cũng nên kiểm tra việc cấp phép dễ dãi hiện nay là do vô tình hay hữu ý ?

Một năm nhìn lại các mảng sáng tối của báo chí dẫu sáng đậm hơn tối cũng cần có ngay những ứng xử cần thiết. Tại sao không có việc vận động, đề nghị bạn đọc tẩy chay, nói không và  ngoảnh mặt đi với các “của nợ báo chí” này nhỉ?

Bảo Dân

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc