Báo chí: Chống tiêu cực và tự tiêu cực

06:02 | 09/01/2013

2,252 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cũng như các lực lượng khác trong xã hội, báo chí cũng có diễn biến tiêu cực, tham nhũng và cũng là một “mảnh đất lắm người nhiều ma”.

Các cơ quan quản lý và bạn đọc đã nhiều lần ghi công chống tiêu cực tham nhũng của báo chí. Bảng vàng chống tiêu cực của Hội Nhà báo Việt Nam, nếu có, không thể không ghi nhận đóng góp của báo chí với tư cách người phát hiện những dấu hiệu ban đầu của các vụ án tham nhũng và tiêu cực “động trời” đã được đưa ra xét xử với khung án cao nhất của pháp luật. Đã có mùa trao giải báo chí quốc gia, một loạt tác phẩm báo chí được giải cao khi “động” vào nạn ăn cắp than, nạn phụ thu lạm bổ tính vào hạt thóc một nắng hai sương của bà con nông dân, nạn bạo hành ở cơ sở nuôi dạy trẻ, không ăn thì… tát và nhiều vụ tham nhũng khác.

Đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực, lực lượng báo chí đang làm tốt sứ mệnh cao cả của mình, xứng đáng với phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng mà Đảng, Nhà nước trao tặng. Đấy là thông điệp vui. Nhưng còn thông điệp không vui?

Thì đây, trong cuộc gặp mặt báo chí tất niên ngày 27/12/2012 đâu phải tình cờ mà ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói rằng: “Điều tôi trăn trở là trong 100% khó khăn của ngành ngân hàng thì báo chí gây ra đến 40-50%. Sự ủng hộ, đồng thuận của báo chí chưa cao, chạy theo vụ việc đơn lẻ, thổi lên quá đà, tạo dư luận chung trong xã hội không tốt...”.

Phát biểu bâng quơ trên khiến các tổng biên tập và phóng viên buộc phải nghĩ ngợi. Không lẽ báo chí gây khó đến thế cho ngân hàng ư? Không, không thể như thế được? Suốt cả năm có báo nào bị nhắc nhở, chấn chỉnh do thông tin sai lệch về ngân hàng đâu?

Tuy nhiên, cũng như các lực lượng khác trong xã hội, báo chí cũng có diễn biến tiêu cực, tham nhũng và cũng là một “mảnh đất lắm người nhiều ma”. Có thể các tổng biên tập không biết rằng, “quân” của mình có tên trong “liên minh đánh hôi”, đủ khả năng tập hợp dăm ba tờ báo “hai ba” cùng đăng một loại bài nhân danh chống tiêu cực mà trong đó những chi tiết cốt tử giống nhau đến “từng centimét”. Tốn phí trong phi vụ này chỉ bằng một suất chạy thi công chức ở Hà Nội mà ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy công bố trước HĐND gần đây. Người giữ mối liên hệ phi vụ “đen” này là người trong “nhóm mua” đã mua đứt một tờ cuối tuần.

Đây là chuyện “lính” báo. Còn “quan” báo thì sao? Có những câu chuyện lan truyền trong giới thạo tin về hành tung của một vài vị “quan báo”. Một doanh nhân thổ lộ với nhà báo, có ông “quan báo” nhắn tin vào máy rằng, hiện có đơn kiện với doanh nhân này và báo sẽ đăng… Và sau đó là tin nhắn xin tài trợ một khoản tiền bằng lương tháng của cả một tổ sản xuất, để tổng biên tập báo hoạt động xã hội. Doanh nhân này trả lời, đăng báo đơn tố cáo là quyền của báo nhưng xin lưu ý, đây là đơn nặc danh. Riêng việc tài trợ an sinh xã hội thì doanh nghiệp sẵn lòng, đề nghị gửi cho một công văn. Và sau đó báo vẫn đăng và không có công văn xin tiền với lời nhắn không cho thì thôi!? Chuyện này doanh nhân không công bố cụ thể nhưng chúng tôi mới biết sau khi “quan báo” này được miễn nhiệm.

Còn một “quan báo” khác, để nâng đỡ “người của mình” đã “vay” một khoản tiền lớn để “sửa nhà”. Tuy nhiên, người vợ lại phủ nhận việc vay mượn sửa chữa nhà cửa này. Anh chàng “chạy chọt” kia không may phải hầu tòa nên mới vỡ chuyện “hạ điểm chuẩn” để cất nhắc “quân ta”. Lại có “quan báo” vung tay quá trán tiêu lạm, thưởng bừa đến nỗi ông hạ cánh vẫn không an toàn vì thanh tra, kiểm toán phát hiện tiền tỉ chi sai, chi vượt. Tội nghiệp cả tờ báo phải nhịn thưởng vài năm chưa chắc đã trả xong khoản chi vượt ngưỡng.

Còn một vị “quan báo” đương chức khác đang bị chính cán bộ chủ chốt của báo mình công khai kiện lên cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý báo chí về hàng loạt sai phạm trong công tác cán bộ, quản lý tờ báo. Mấy thông tin này thật khó kiểm chứng dù không ít phóng viên biết khá rõ “quan báo” đó là ai. Mới đây tôi có nhận được cú điện thoại của bạn đọc chất vấn vì sao vẫn có trang mạng, báo điện tử thích thông tin hình sự, đời tư, scandal, lộ hàng? Tôi cãi lại, ông xem lại đi, “nó” không phải là báo điện tử mà là trang mạng “cáo mượn oai hùm”, ai bảo xem làm gì? Nhưng quả thật chưa bao giờ các trang mạng lộng hành tác oai tác quái như hiện nay.

Trong cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị phần báo chí này chỉ béo các trang mạng. Một sự thật được đưa ra tại hội thảo nghiệp vụ báo chí là, trong khi một phóng viên có kinh nghiệm phải mất nhiều thời gian cho một tin, một bài. Nhưng một nhân viên trang mạng thạo cắt dán thì chỉ trong một giờ có thể tạo ra cả chục tin bài. Kết quả là có những trang điện tử mỗi tuần post lên hơn 1.000 tin, trong đó hầu hết thông tin đều luộc - cắt - dán của báo khác. Mới đây một số tổng biên tập báo điện tử (trong đó có cả Tổng biên tập Báo Năng lượng Mới và trang tin nhanh Petrotimes) đã thống nhất cùng “kiện” lên các cấp quản lý, đề nghị phải có biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng các trang mạng chuyên ăn cắp tin, bài đưa lên mạng và đem bán.

Chính vì vậy, nhà báo Đỗ Phượng, cựu Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã kiến nghị rằng: “Phải rà soát lại đội ngũ lãnh đạo các báo, nhất là báo mạng, trước khi rà soát đội ngũ phóng viên. Tôi tin các phóng viên trẻ họ chỉ cần sự hướng dẫn đúng đắn, họ sẽ cho chúng ta thông tin tốt”.

Nhận diện các dạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong thực tiễn hoạt động báo chí, các tham luận tại hội thảo này đã cho rằng, vi phạm có ở nhiều bước trong hoạt động tác nghiệp, nhưng tập trung nhiều nhất ở quy trình khai thác, xử lý nguồn tin. Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng, nhà báo phải xác định, bản thân mình trước hết phải là công dân có đạo đức. Báo chí đặc thù nên cũng có những chuẩn mực riêng.

Về tình trạng sai sót ngày càng nhiều, Thứ trưởng Doãn cũng cho biết thêm, trong 2 năm 2010-2011, Bộ Thông tin Truyền thông đã tiếp nhận và xử lý 600 đơn thư khiếu nại, tố cáo trên 200 vụ việc, đã xử lý hơn 100 trường hợp vi phạm trong hoạt động báo chí. Năm 2010 xử lý 51 trường hợp, trong đó có 42 trường hợp ở báo in, 6 trường hợp báo điện tử và 3 trường hợp ở phát thanh, truyền hình; thu thẻ nhà báo 4 trường hợp. Năm 2011 xử lý 51 trường hợp, trong đó cảnh cáo 1 trường hợp, nhắc nhở 14 trường hợp. Năm 2012 vẫn còn nhiều vi phạm phải nhắc nhở, xử lý.

Thông tin của báo chí không chỉ tác động đến một, hai người mà cả triệu người. Những thông tin thiếu trung thực, kiểu giật gân, thiên lệch, thiếu tính xây dựng… gây ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức, cá nhân. Có doanh nghiệp phá sản vì thông tin sai lệch của báo chí... Người làm báo phải xác định trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình. Mọi quy định, quy ước chỉ nhằm việc tôn trọng pháp luật. Vì thế, trước hết các nhà báo hãy thực hiện đúng, đầy đủ những quy định pháp luật về hoạt động báo chí.

Nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh: Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, suy cho cùng đều cốt ở bốn chữ “trung thành” và “trung thực”. Trung thành với tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cách mạng, với sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trung thực với bản thân, với bạn bè và đồng nghiệp, với nghề báo, với cuộc sống xã hội của đất nước và dân tộc.

Báo chí biết chống tiêu cực, tham nhũng trong xã hội càng phải vượt lên chính mình để tự khắc phục sai phạm yếu kém. Các tổng biên tập tiêu cực, non kém, buông lỏng quản lý nội bộ cần được thay thế để làm trong sạch báo mình trước đã rồi hãy vào cuộc chống tiêu cực tham nhũng!

Minh Nghĩa

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc