Bộ máy hành chính và căn bệnh "em chã"

07:00 | 19/11/2014

2,838 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa bao giờ chủ đề về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế công chức, viên chức để có được một bộ máy hành chính gọn nhẹ hoạt động hiệu quả lại được đưa ra bàn thảo sôi nổi và có nhiều ý kiến khi thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra.

Năng lượng Mới số 375

Rất nhiều đại biểu Quốc hội thốt lên rằng, không có sắc thuế nào mà dân đóng góp có thể nuôi nổi bộ máy hành chính cồng kềnh như hiện nay, rồi lạm phát cấp phó từ Trung ương cho tới cơ sở, rồi sự trùng lắp chồng chéo trong bộ máy hành chính, rồi một bộ phận không nhỏ công chức làm việc giả vờ, lĩnh lương thật, sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Những vấn đề nêu trên không mới, đã tồn tại từ lâu nhưng không được khắc phục mà có chiều hướng ngày càng phát triển, trong khi ngân sách nước có hạn, bội chi thường xuyên thì việc chi ngân sách để nuôi một bộ máy hành chính khổng lồ không có hiệu quả trong khi rất nhiều nhu cầu bức thiết khác lại không có kinh phí, đời sống người  lao động ngày càng khó khăn, lộ trình tăng lương năm 2014-2015 không thực hiện được mà chỉ tập trung ưu tiên cho một số đối tượng.

Có lẽ cũng không ở đâu như Việt Nam khi có nhiều hiệp hội, hội, đoàn thể xã hội từ Trung ương tới địa phương mà hoạt động bằng ngân sách Nhà nước. Một phó chủ tịch TP Đà Nẵng đã phải thốt lên rằng, chỉ trên địa bàn thành phố đã có tới 70 tổ chức hội, đoàn thể hoạt động bằng ngân sách Nhà nước. Hội, đoàn thể nào cũng cho rằng mình quan trọng phải có trụ sở riêng, có phương tiện hoạt động. Hoặc một vị đại biểu Quốc hội (đoàn Thanh Hóa) phàn nàn chỉ riêng ngân sách của tỉnh bỏ ra để nuôi các tổ chức hội, đoàn của tỉnh mỗi năm đã ngốn mất gần trăm tỉ đồng, nếu nhân lên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thì số tiền ấy quả là khổng lồ.

Mới đây tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu rất bức xúc về tình trạng lạm phát cấp phó, có những bộ có tới 6-7 thứ trưởng, trong khi quy định tối đa không quá 4 thứ trưởng, rồi có những tổng cục có tới 7-8 phó tổng cục trưởng, rồi cấp cục thì chuyện có tới 4-5 phó cục trưởng và “hàm” vụ phó xuống đến cấp phòng thì mỗi phòng có tới 3-4 phó trưởng phòng là phổ biến. Tại bộ nọ người ta đã phát hiện ra một phòng chỉ vẻn vẹn có 20 người mà có tới 7 lãnh đạo phòng, chia bình quân mỗi một ông lãnh đạo phòng quản lý, lãnh đạo chưa tới hai cán bộ, kỷ lục này đáng đưa vào Guiness thế giới.

Theo tính toán của Tiến sĩ Trần Đình Nhã - Phó chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội thì bộ máy hành chính của cả nước có 139.000 đầu mối, nếu như mỗi một đầu mối chỉ cần giảm một cấp phó thì hằng năm số tiền tiết kiệm được là 4.000 tỉ đồng và chắc chắn rằng nếu mỗi một đầu mối giảm từ hai đến ba cấp phó thì bộ máy vẫn hoạt động bình thường và số kinh phí dôi ra ấy đủ để tăng lương cho 4 đối tượng mà Quốc hội vừa thông qua với tổng số tiền 11.000 tỉ đồng.

Về mặt lý thuyết cũng như cơ sở thực tiễn khoa học thì bộ máy hành chính được sinh ra trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của một đầu mối... Nhưng ở Việt Nam nhiều khi lại làm ngược lại là vì những lý do nào đó người ta đẻ ra một bộ máy tổ chức rồi mới áp chức năng nhiệm vụ cho nó, thậm chí chỉ vì một vài cá nhân chưa bố trí được vị trí lãnh đạo mà người  ta sẵn sàng lập hẳn một phòng mới để có ghế cho các vị đó ngồi.

Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cũng là một điều đáng bàn, từ năng lực, trình độ đến tác phong phẩm chất, nhất là thái độ phục vụ người dân rất quan liêu phiền hà, hách dịch, cho nên đã từ lâu bộ máy hành chính được gọi chệch đi thành “hành là chính”, bất cứ từ việc lớn cho tới việc nhỏ, khi người dân có nhu cầu đến cơ quan công quyền đều phải có phí bôi trơn và trở thành thực trạng tham nhũng vặt rất nhức nhối như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập trong cuộc tiếp xúc với cử tri ở Hà Nội.

Việc tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng không bình thường, nếu chỉ có trình độ năng lực không thôi thì rất khó có cửa trở thành  công chức Nhà nước, bởi vì cơ chế tuyển dụng cán bộ không công khai minh bạch mà tuyển dụng theo kiểu “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”. Nếu có tổ chức thi tuyển thì cũng rất hình thức cho có. Rồi thì tình trạng chạy công chức, chỉ một xuất giáo viên tiểu học, một vị trí y tá, điều dưỡng cũng có giá mấy trăm triệu đồng, cho nên những người thực sự tài năng mà không có tiền thì  không thể dám mơ thành công chức. 

Còn rất nhiều chuyện để nói về thực trạng bộ máy hành chính cồng kềnh hoạt động kém hiệu quả như hiện nay không có những  quy định cụ thể, luật hóa về bộ máy tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức thì bộ máy hành chính ngày càng phình to không khác gì căn bệnh “đầu to óc quả nho”.

Hy vọng dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều  hành đất nước hiện nay với một bộ máy gọn nhẹ có hiệu quả và là liều thuốc để trị tận gốc căn bệnh “em chã”.

         Xuân Tuyến

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc