"Chạy" công chức - Đâu là sự thật?

06:14 | 18/01/2013

1,076 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cuối năm 201212, dư luận xôn xao về thông tin “chạy” công chức mà ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội phản ánh.

Thông tin cho biết, “chạy” công chức dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ. Ông Dực còn nói thẳng địa chỉ là các trưởng phòng nội vụ các quận, huyện là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ và nhận tiền “chạy”. Đây quả là thông tin “cần biết chính xác chứ không thể lờ mờ được!”. Ngay sau đó, Hà Nội tiến hành kiểm tra, làm rõ tại 29 quận, huyện về việc này.

Kết quả điều tra mà Hà Nội công bố sau một tuần hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành không khỏi gây kinh ngạc: Không phát hiện bất cứ trường hợp nào “chạy” công chức cả! Hẳn đây là một tin vui cho những công dân thủ đô và cả nước yêu sự thanh cao, liêm khiết chốn quan trường; đương nhiên, khi điều đó hoàn toàn là sự thật! Như vậy thì phát biểu trên là lời “chém gió” à?

Song, một kết quả điều tra như thế là điều khiến người ta hoài nghi nhiều hơn là tin tưởng. Và sự thật là nhiều người đang tin vào cái phản ánh gây sốc của ông Dực hơn là tin vào kết quả điều tra mỹ mãn mà Hà Nội công bố!

Vì sao có kết quả điều tra tròn trịa và tuyệt đối như thế? Chúng ta không khó để có thể hình dung ra rằng, đó là chuyện “chạy” và “nhận chạy” ngày càng tinh vi đã gây khó cho việc điều tra và không thể nào thu thập chứng cứ; chuyện bao che nhau; chuyện cơ quan có thẩm quyền điều tra chưa làm việc đến nơi đến chốn…

Đặc biệt là khi kết quả tốt đẹp trên có được là do một phần lớn dựa vào việc tự kiểm tra và thu nhập báo cáo từ các quận, huyện. Việc thành lập đoàn để kiểm tra bằng cách đi hỏi những người dễ “nhận chạy” và “chạy” nhất thì đương nhiên kết quả sẽ là… con số 0 tròn trĩnh!

Bên cạnh đó, lý do vì sao công chức than là đồng lương thấp, không đủ sống nhưng việc trở thành công chức luôn là khát vọng của không ít người; thậm chí họ sẵn sàng chi ra số tiền tương đương với hàng trăm tháng lương để được làm công chức và rồi vẫn than vãn về đồng lương?

Thực tế hầu hết công chức vẫn sống được bằng đủ thứ bổng lộc và không loại trừ nguồn thu từ tham nhũng. Một bộ phận công chức không những tham nhũng về tài nguyên, ngân sách và tham nhũng thời gian hành chính để kiếm tiền từ những công việc khác ngoài nghiệp vụ. Kết quả là hiệu suất lao động của nhiều công chức rất thấp, không ít cơ quan làm việc không hết trách nhiệm. Bộ máy công chức ngày càng phình to ra nhưng chất lượng phục vụ nhân dân không thể khá hơn.

Song, nếu như đồng lương được trả xứng đáng với thành quả lao động, nếu như kiên quyết loại những công chức yếu kém năng lực thì tiêu cực trong công chức sẽ bị triệt tiêu đáng kể. Bởi khi mỗi công chức buộc phải cống hiến hết mình để nhận được đồng lương phù hợp với cống hiến thì khả năng tham nhũng về thời gian, tiền bạc sẽ ít dần và khi ấy chắc chắn rằng, sẽ không còn nhiều người sẵn sàng “chạy” để trở thành công chức nữa!

Trúc Vân