Chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh: Câu chuyện thứ tư

07:00 | 09/12/2014

12,712 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những câu chuyện với ông Nguyễn Bá Thanh làm tôi suy nghĩ rất nhiều và càng ngẫm thì càng thấy ông đúng...

>> Chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh

>> Chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh: Câu chuyện thứ hai

>> Chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh: Câu chuyện thứ ba

Khi ông Nguyễn Bá Thanh không còn là “huấn luyện viên”?

Khi ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng được điều động ra giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Người ta mừng cho ông được giữ chức vụ mới cao hơn.

Người dân kỳ vọng vào ông, vì ở cương vị mới này, ông sẽ làm được một điều mà ai cũng đang trông chờ - Đó là ngăn chặn được nạn tham nhũng.

Người ta kỳ vọng vào ông là phải. Bởi lẽ, ông là một trong số không nhiều những cán bộ hiện nay có tác phong làm việc quyết liệt, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cụ thể, sâu sát và cũng rất sòng phẳng. Không phải bỗng dưng mà học sinh đã lấy ông thi thần tượng của mình khi làm tập làm văn. Và không phải bỗng dưng mà Đà Nẵng được thế giới đưa vào danh sách một trong 20 thành phố… đáng sống. Có lẽ, cần phải tổng kết lại và tìm ra bài học ở Đà Nẵng là tại sao Đà Nẵng làm được mà những nơi khác không làm được? Thậm chí ở Đà Nẵng, người dân không dám vứt rác ra đường. Đầu tiên là chính quyền phải làm cho người ta không dám vứt, rồi sau đó, dần dà thành thói quen và bây giờ là người dân không thể vứt rác ra đường… Vô vàn những chuyện thú vị về Đà Nẵng và về ông Nguyễn Bá Thanh.

Báo chí viết về ông cũng đã nhiều, mặc dù ông là người rất không thích nói về mình. Tôi biết có một điều mà có lẽ ông đào sâu chôn chặt trong lòng. Đó là vào những năm trước đây, khi ông có những biện pháp quyết liệt để lập lại trật tự, xây dựng và phát triển kinh tế Đà Nẵng thì đơn thư tố cáo ông gửi lên các cấp lãnh đạo không ít. Người ta tố ông là gia trưởng, là độc đoán. Người ta cho là ông lộng quyền, lạm quyền. Người ta quy cho ông là ôm đồm, lấn sân… Nhưng ông vẫn quyết làm. Khi tôi hỏi ông rằng: “Đơn thư như thế có lúc nào làm ông nao núng không”? Ông lắc đầu dứt khoát: “Tôi không sợ gì cả. Nếu đã giao chức vụ cho tôi thì phải để cho tôi đủ quyền lực thực hiện. Nếu không làm được, tôi nghỉ ngay. Và tôi luôn xác định rằng, chức vụ tôi có ngày hôm nay có thể mất ngay ngày mai. Nhưng khi đã làm thì phải làm cho tử tế và đừng sợ mất chức”.

Chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh: Câu chuyện thứ tư

Ông Nguyễn Bá Thanh.

Tôi cũng đã nhiều lần được trao đổi, đàm đạo với ông về đủ mọi thứ chuyện trên đời. Và một lần tôi hỏi ông: “Anh là người mê bóng đá. Vậy ta hãy nói chuyện bóng đá để áp vào con người. Nếu như cả tỉnh là một đội bóng, thì Bí thư giữ vai trò gì trong đội bóng? Và Chủ tịch thì giữ vai trò gì?”.

Ông cười mà rằng: “Nếu ví như vậy thì tôi là huấn luyện viên. Chủ tịch là đội trưởng đội bóng. Huấn luyện viên là người vạch ra đấu pháp, đội trưởng là người thực hiện những đấu pháp đó”.

Tôi lại hỏi tiếp ông: “Vậy nếu huấn luyện viên giỏi, nhưng ở dưới lại không có những cầu thủ giỏi để thực hiện những đấu pháp mà đội trưởng đề ra thì làm thế nào?”.

Ông cười khoái hoạt: “Rất đơn giản. Ai không đá được theo đúng đấu pháp thì phải thay”.

Tôi lại hỏi ông: “Nghe anh nói thì rất đơn giản. Nhưng anh thừa biết một điều rằng, trong cơ chế lãnh đạo của chúng ta, việc đề bạt, quản lý, xử lý cán bộ, đảng viên phải qua tầng tầng lớp lớp các loại thủ tục. Và nhiều khi biết một người không làm được việc ấy, nhưng muốn thay cũng đâu có dễ. Thậm chí, có khi họ còn có quyền lực ngầm để thay mình trước”.

Ông gật đầu: “Đúng vậy. Ở đâu mà chẳng có những thứ cán bộ như thế. Cho nên, cần phải có những quy định cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của họ. Phải làm thế nào đó để khi cơ quan, đơn vị đó làm không tốt thì người đứng đầu phải là người chịu trách nhiệm, chứ không thể đổ lỗi được cho tập thể. Muốn như vậy thì mọi thứ phải minh bạch.

Rồi khi trao đổi về thời cuộc, ông buồn bã: “Cái chết của chúng ta bây giờ là rất nhiều đảng viên không gương mẫu. Mà đảng viên không gương mẫu thì làm sao vận động được quần chúng. Tình hình của Đảng đang lâm nguy. Nếu như không mở được “cuộc chiến” giành lại lòng tin của chính đảng viên và của dân thì gay đến nơi rồi”.

Những câu chuyện với ông Nguyễn Bá Thanh làm tôi suy nghĩ rất nhiều và càng ngẫm thì càng thấy ông đúng. Bây giờ, ông được cử ra làm Trưởng ban Nội chính, vậy thì ở vị trí này ông có còn là huấn luyện viên hay không?

Quả là khó nói. Bởi khi ông là Bí thư, người đứng đầu một thành phố, thì có thể ông được coi như người có tiếng nói quyết định tất thảy. Và đặc biệt là ông đủ uy tín, đủ năng lực để buộc cấp dưới phải thực hiện được những nhiệm vụ đã đề ra. Vậy bây giờ ông làm Trưởng ban Nội chính Trung ương, liệu ông có còn được coi là một “huấn luyện viên” hay không? Và các “đội trưởng” của ông sẽ như thế nào. Chắc chắn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Nội chính Trung ương là chỉ đạo, tổ chức đấu tranh chống tham nhũng. Nhưng có một điều sẽ rất khó cho Ban Nội chính Trung ương và cho ông Bá Thanh, ấy là chúng ta không có một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng. Việc chống tham nhũng được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và 4 cơ quan “chủ lực” trong việc chống tham nhũng là Bộ Công an, Thanh tra, Viện Kiểm sát, Tòa án…

Nhưng một điều ai cũng dễ nhận thấy rằng, càng lắm cơ quan tham gia thì cuối cùng sẽ chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. Tình trạng “lắm thầy nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng” có thể nói là đang xảy ra ở khắp các tỉnh, thành, khắp các cơ quan… Chúng ta mắc bệnh là cái gì cũng chung chung và cán bộ thì quen thói chỉ tay năm ngón rằng, phải thế nọ, phải thế kia. Nhưng nghĩ ra biện pháp nào, cách làm nào để vừa được lòng dân, lại vừa đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội thì rất hiếm.

Nghĩ mà lo cho ông Nguyễn Bá Thanh, vì đảng viên và người dân đang kỳ vọng vào ông lớn quá. Và cũng sẽ rất nhiều người vẫn nghĩ rằng, ông có đủ sức mạnh như khi ông còn là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Đây quả thực là một nan giải cho cho ông Nguyễn Bá Thanh. Bởi lẽ trong tay ông chưa có “thanh gươm”. Ông phải chỉ đạo rất nhiều cơ quan thì không biết rằng, liệu các “đội trưởng” có “đá” được theo đấu pháp của ông hay không? Và nếu họ không “đá” đúng đấu pháp, liệu ông có đủ quyền để thay họ hay không?

Một cái khó nữa, ấy là việc chúng ta cứ nói xây dựng một Nhà nước pháp quyền, xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật cho tất cả mọi người, nhưng thực tế tính duy tình của người Việt vẫn quá nặng nề. Một khi không chống được những mặt trái của tính duy tình thì không có cách nào có thể buộc mọi người phải chấp hành luật pháp một cách nghiêm chỉnh. Mà chính tính duy tình vô nguyên tắc đã bẻ cong cán cân công lý, đã làm cùn mòn “thanh gươm” trừng phạt và người ta luôn luôn có thể viện dẫn rằng, “tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, “giữ ổn định để phát triển”.

Cho nên, tốt nhất là không nên kỳ vọng quá mức rằng, một mình ông Nguyễn Bá Thanh có thể xoay chuyển được tình hình. Muốn chống tham nhũng, muốn lập lại được “trật tự” ở xã hội hiện nay thì cần phải có những cơ chế và nhất là phải có những biện pháp đặc biệt. Chúng ta đã coi tham nhũng là một thứ giặc. Vậy thì, với giặc thì rõ ràng là phải “đánh”. Chứ còn đối với “giặc” mà lại cứ giáo dục suông, cứ kiểm điểm, rồi khi xét kỷ luật thì lại “dĩ hòa vi quý” thì chỉ khiến “giặc” thêm nhờn mà thôi. 

Như Phong

>> Câu chuyện chấn động của ông Nguyễn Bá Thanh 10 năm trước

>> Gửi anh Nguyễn Bá Thanh: Phút 89…

>> Những nhiệm vụ của ông Nguyễn Bá Thanh

>> Những phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Bá Thanh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc