Chuyện giống nòi

08:19 | 22/11/2012

1,527 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cuộc khảo sát diễn ra gần đây nhất tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội đã cho thấy kết quả đáng ngại về nòi giống, thế hệ tương lai nước ta.

Cuộc khảo sát trên 5.000 thai phụ đã phát hiện tới gần 3.480 thai phụ (chiếm tỷ lệ 69%) có chỉ số dương tính, nghi ngờ bất thường. Khảo sát cụ thể với 1.800 trường hợp bất thường này phát hiện gần 160 thai nhi có nhiễm sắc thể, trong đó hội chứng Down chiếm gần 40%, hội chứng Edward là gần 19%, 16% đột biến cấu trúc…

Cuộc khảo sát tương tự tại Bệnh viện Từ Dũ TP HCM khi siêu âm 5.400 thai phụ đã phát hiện những bất thường lớn về cấu trúc và phải xử lý tới gần 1.200 trường hợp. Còn 4.201 trường hợp khác phải theo dõi và điều trị sau khi sinh. Hàng loạt các thai nhi có biểu hiện dị tật và có những chứng bệnh khác tương tự như kết quả khảo sát ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Qua hai cuộc khảo sát như vậy mới thấy sự sinh sản bình thường của các sản phụ ở nước ta đã giảm xuống tỷ lệ đáng báo động.

Cũng trong lĩnh vực sinh sản thì gần đây tỷ lệ các cặp vợ chồng sức khỏe bề ngoài bình thường đến khám tình trạng vô sinh ngày càng nhiều. Và theo các nhà chuyên môn cho biết, tình trạng vô sinh ở các cặp vợ chồng trẻ ở Việt Nam đang ở tình trạng báo động khi tỷ lệ này đã tăng lên 8% trong tổng dân số.

Sự dị tật và mang những chứng bệnh bẩm sinh ở trẻ mới sinh cũng như tình trạng vô sinh ở nước ta ngày càng tăng đúng là một hồi chuông báo động cho tình trạng sức khỏe cộng đồng cũng như cho thế hệ tương lai và nòi giống.

Vì sao lại có tình trạng đáng buồn này?

Đối chiếu với sự nhận xét đó của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chúng ta thấy thời gian gần đây môi trường sống của ngưòi Việt Nam trên tất cả các vùng, miền đều đang đứng trước những nguy cơ bị ô nhiễm nặng từ nguồn nước đến môi trường sống. Hầu hết các dòng sông chảy qua các khu vực tập trung dân cư của nước ta đều bị ô nhiễm nặng vì nước thải công nghiệp chưa qua xử lý. Tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi cũng tác động nặng nề đến sự ô nhiễm này.

Thêm vào đó, nạn phá rừng cũng diễn ra ngày một dữ dội, tình trạng các hồ ao nơi thành thị bị thu hẹp càng tác động mạnh đến sự thay đổi không khí nước ta. Thêm vào đó là sự mất an toàn thực phẩm ngày càng gia tăng cùng với việc các loại hóa chất độc hại dùng cho đồ chơi trẻ, hàng tiêu dùng… càng trầm trọng, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh có điều kiện nảy nở phát sinh.

Mục tiêu Quốc gia của Chương trình DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 đặt ra là giảm trẻ em mới sinh bị dị tật xuống 2,5%. Tăng tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc để tránh ba loại bệnh về thần kinh lên 10% v.v… Nhưng nếu không có biện pháp khẩn cấp đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, mất an toàn vệ sinh thực phẩm thì liệu các mục tiêu ấy có thực hiện được không. Nòi giống, thế hệ tương lai Việt Nam có được bảo đảm không? Đó chính là tiêu chuẩn thực tế cho an sinh xã hội.

Nguyễn Hiếu