Có điển hình rồi đấy. Phải học đi!

08:23 | 13/12/2012

1,288 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bây giờ thì TP Hồ Chí Minh đã “thấm đòn” của bọn lưu manh, trộm cướp và bắt đầu tuyên chiến với chúng. Không hiểu rồi lực lượng chủ công trong đấu tranh phòng chống tội phạm là Lực lượng Công an sẽ có những biện pháp mạnh thế nào?

Đầu năm ngoái, trong một lần gặp Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – đương kim Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và Đại tá Nguyễn Đức Chung - Phó giám đốc (nay là Giám đốc Công an thành phố Hà Nội), khi bàn luận về tình hình trật tự an toàn xã hội, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nói với vẻ băn khoăn, lo lắng: “Tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi và kiểu này có lẽ sẽ kéo dài sang năm 2013, 2014. Thất nghiệp sẽ gia tăng, đời sống một bộ phận nhân dân sẽ khó khăn… “Bần hàn sinh đạo tặc”, từ xưa các cụ đã nói thế rồi. Cho nên cần phải ra tay trước”.

Sau đó Đại tá Nguyễn Đức Chung báo cáo thêm về kế hoạch thành lập các tổ 141 gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự để tấn công, trấn áp tội phạm hình sự trên địa bàn thành phố Hà Nội. Lúc đó tôi có hỏi về khía cạnh luật pháp của việc làm này thì Đại tá Chung cho biết, tuần tra, kiểm soát, mật phục... là một trong những biện pháp nghiệp vụ của Lực lượng Công an. Và đây cũng chẳng phải là biện pháp gì mới mẻ. Chỉ có điều nay làm cho thật bài bản hơn và phù hợp với tình hình hiện nay.

Rồi các anh cũng thống nhất quan điểm là trước mắt, cứ “lẳng lặng” mà làm. Sau một thời gian rút kinh nghiệm rồi mới tuyên truyền.

Đến tháng 8/2011, đã có 10 tổ 141 ra đời và ngay lập tức lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Tháng 8/2012, đánh giá 1 năm công tác của các tổ 141 thì thấy quả là anh em đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ. Nhưng điều quan trọng là tình hình trật tự trị an trên đường phố Hà Nội đã có chuyển biến rõ rệt. Hiện tượng cướp trên đường, dùng vũ khí nóng để thanh toán nhau, các vụ đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn đã giảm rất nhiều. Khi tổng kết, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu lực lượng Công an một số thành phố trọng điểm, trong đó có Công an TP Hồ Chí Minh phải học tập kinh nghiệm của Hà Nội về thành lập các tổ 141 để trấn áp tội phạm hình sự… Nhưng tiếc thay, chỉ thị của Thứ trưởng đã không được Công an các tỉnh, thành phố thực hiện. Và hậu quả nhỡn tiền là TP Hồ Chí Minh bùng phát nạn cướp.

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh lần thứ 7 (khóa VIII), việc người dân thành phố phải “sống chung với cướp” đã được đặt lên bàn nghị sự. Người ta lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Nào là do kinh tế yếu kém, nào là do đạo đức xuống cấp, các chuẩn mực xã hội bị lệch, rồi số tù được thả ra nhiều quá… Những nguyên nhân đó thật ra có tính chất muôn thuở, nói lúc nào cũng được và không bao giờ sai.

 Rồi người ta lại nói rằng, do người dân không tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm, thờ ơ với các vụ cướp giật mà chỉ lo quay phim, chụp ảnh, đưa lên mạng.

Nhưng chưa hết. Một lãnh đạo của Công an TP Hồ Chí Minh đã giải trình trước hội đồng rằng, …do chính sách đặc xá tha tù. Mà theo ông, việc đặc xá tha tù này là vì “nhà tù quá tải”. Rồi ông ta lại đổ cho do tội phạm từ Hà Nội dạt vào… Còn vì sao Công an TP Hồ Chí Minh chưa lập tổ 141 là bởi, tình hình tội phạm “đang giảm”, không nghiêm trọng. Và sở dĩ Hà Nội phải lập 141 là vì có quá nhiều “đầu gấu”, quá nhiều kẻ càn quấy, ngông nghênh…

Ô hay, đặc xá tha tù là một chính sách rất nhân đạo của Đảng, Nhà nước và được nhân dân cả nước đồng thuận, phấn khởi, được quốc tế ca ngợi. Vậy mà lại nói đặc xá tha tù là do “nhà tù quá tải”? Hơn nữa, để được đặc xá, phạm nhân phải qua Hội đồng xét duyệt và có sự tham gia của ngành Tòa án, Viện Kiểm sát. Việc bình chọn người được đặc xá được tiến hành công khai, minh bạch, thậm chí phạm nhân cũng được tham gia bỏ phiếu bình chọn… Phải chăng vị này không đồng ý với chính sách đặc xá của Đảng, Nhà nước?

 Xin chưa bàn đến sự thiếu ý thức chính trị trong những lời phát ngôn tùy tiện này, mà qua đây thấy rằng, hình như người chỉ huy Công an TP Hồ Chí Minh chỉ lo tìm cách đổ lỗi.

Nguyên nhân cơ bản để tình trạng cướp giật ở TP Hồ Chí Minh phát triển đến mức nhức nhối như vậy chính là do lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh không có tầm nhìn xa trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự, không lường trước được sự phát triển của các loại tội phạm. Và trong việc đấu tranh chống các loại tội phạm hình sự thì phân cấp cho công an các quận, huyện, phường, xã… Tóm lại là không có một lực lượng chủ công, không có quả đấm thép để chống tội phạm hình sự.

Còn nhớ vào những năm 80 của thế kỷ trước, ai cũng biết TP Hồ Chí Minh là nơi sản sinh ra những tổ, đội SBC (săn bắt cướp) nổi tiếng. Những cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát hình sự tham gia SBC là những người đã làm nên nhiều huyền thoại trong đấu tranh chống tội phạm hình sự, mưu trí, dũng cảm đến mức liều lĩnh, quên cả thân mình; bắn súng giỏi, võ nghệ cừ và đặc biệt là có tài phóng xe máy. Chính lực lượng SBC này đã là nỗi khiếp đảm của bọn tội phạm hình sự. Nhưng rồi sau này, không còn có những đơn vị chủ công như kiểu SBC nữa. Có lẽ vì người ta quá lạc quan với tình hình trật tự an toàn xã hội ở thành phố. Và hậu quả cho thấy, thành phố giờ đây phải mang tiếng là “sống chung với cướp”. 

Không hiểu rồi hệ lụy sẽ kéo đi đến đâu? Liệu khách du lịch trong nước, ngoài nước có đến một thành phố mà người dân không dám đeo đồ trang sức ra đường? Liệu nước ngoài có dám đầu tư vào một thành phố mà ngày nào cũng thấy trên báo chí đưa tin về các vụ cướp với đủ các tình tiết rợn tóc gáy. Trong việc vẽ ra bức tranh TP Hồ Chí Minh tối màu như vậy, báo chí cũng có “tội”. Bởi chính báo chí đã mô tả không ít vụ cướp với những tình tiết “rùng rợn, li kỳ… như phim Mỹ”.

Bây giờ thì TP Hồ Chí Minh đã “thấm đòn” của bọn lưu manh, trộm cướp và bắt đầu tuyên chiến với chúng. Không hiểu rồi lực lượng chủ công trong đấu tranh phòng chống tội phạm là Lực lượng Công an sẽ có những biện pháp mạnh thế nào? Nhưng muốn làm gì thì làm, cũng cần phải có những quả đấm thép. Mà tốt nhất là nên học mô hình 141 của Hà Nội. Ngày xưa, Công an Hải Phòng cũng đã học cách chống tội phạm hình sự của TP Hồ Chí Minh trong việc thành lập đội H88 (giống như SBC), thì bây giờ nếu thấy hoạt động như kiểu 141 Hà Nội có hiệu quả, thì hà cớ gì mà lại không nhân rộng ra.

Một vấn đề nữa trong đấu tranh chống tội phạm hình sự, đó là phải tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản. Trong đó, đặc biệt là công tác sưu tra và xây dựng mạng lưới cơ sở đặc tình. Với tất cả những ai làm công an, đều hiểu rõ một điều rằng: Nếu không làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản thì việc chống tội phạm hình sự và các loại tội phạm khác cũng chỉ mang tính chất nhất thời, cũng giống như “ném đá xuống ao bèo” mà thôi.

Như Thổ

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc