"Cò" tham nhũng

14:47 | 16/08/2012

1,612 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có nhiều loại “cò” khác nhau như “cò” chuyên nghiệp và “cò” kiêm nhiệm, nhưng giống nhau về việc cùng dựng rào cản để gây khó và gỡ rào cản để kiếm chác trong môi giới tham nhũng.

Còn nhớ khi tôi làm việc ở Báo Tuần tin tức, được giao chủ trì loạt bài chống tham nhũng ở một doanh nghiệp. Báo mới đăng bài đầu tiên thì “cò” đã tìm đến gặp tôi nhân danh bạn đọc. Sau một hồi vòng vo tam quốc, anh ta nhận là bạn của viên giám đốc đang bị “lên báo” và là người quen của ông A, ông B ở thành phố. Nói gần nói xa rồi anh ta huỵch toẹt ra việc xin tôi không cho đăng tiếp loạt bài này. Anh ta ngỏ ý sẽ tặng tôi chiếc xe Honda màu ốc bươu, kim vàng giọt lệ, đồng hồ trong yên. Tôi từ chối thẳng thừng và “đuổi” khéo anh “cò” này về. Sau đó, người giám đốc này bị kỷ luật rồi ra tòa lĩnh án…

Chuyện “cò” tham nhũng hồi nào bây giờ lại xảy ra nhiều hơn, tinh vi hơn. Bọn “cò” này luồn cửa trước, lách cửa sau, công khai trắng trợn ra giá để thân chủ tránh được búa rìu thanh tra, kiểm toán, điều tra tham nhũng.   

Khi nghiên cứu về động lực thúc đẩy cải cách kinh tế tại các tỉnh ở Việt Nam, báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) của Trường đại học Sussex (Vương quốc Anh) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện công bố mới đây tại Hà Nội cho thấy, quan hệ “xã giao” giữa doanh nghiệp (DN) với các lãnh đạo địa phương khá phổ biến và được thực hiện dưới nhiều hình thức như trao đổi qua điện thoại, gặp gỡ trực tiếp tại văn phòng và đôi khi là ăn trưa, ăn tối, tham quan, nghỉ mát… Trong đêm nhạc Phú Quang từng có giá vé lên đến tiền triệu. Khi được hỏi sẽ bán vé cho ai, nhạc sĩ trả lời ngoài người hâm mộ sẽ là những cặp vé mua để biếu vì các mối quan hệ phi âm nhạc.

Các DN muốn tiếp cận lãnh đạo cấp cao phải thông qua các hiệp hội DN địa phương, qua trung gian là cán bộ cấp thấp và rất nhiều vụ việc được tiến hành nhờ “cò”. Có nhiều loại “cò” khác nhau như “cò” chuyên nghiệp và “cò” kiêm nhiệm, nhưng giống nhau về việc cùng dựng rào cản để gây khó và gỡ rào cản để kiếm chác trong môi giới tham nhũng.

Tham nhũng xuất phát từ quyền lực. Tiền bạc vừa là mục đích vừa là phương tiện của tham nhũng. Người ra dùng tiền để mua quyền và lại vì tiền mà dùng quyền để kiếm tiền. Càng nhiều tiền càng tốt. Thực tế chống tham nhũng cho thấy, phàm là tham nhũng thường không có điểm dừng. Đã làm đến giám đốc, chủ tịch thành phố, thứ trưởng đã là giàu có nhưng vẫn tham nhũng để ra tòa lĩnh án thân bại danh liệt.

Tiền bạc có được từ tham nhũng bằng mánh lới, thủ đoạn và cản trở sự phát triển của kinh tế, làm băng hoại các giá trị xã hội nhân văn. Trong nền kinh tế, thị trường tiền sạch đẻ ra tiền sạch nhưng tham nhũng đã biến tiền sạch thành tiền bẩn và tìm cách rửa tiền bẩn thành tiền sạch. “Cò” là vật trung gian lây truyền bệnh dịch tham nhũng! Và đương nhiên, cảnh giác với “cò” là việc cần làm của người đứng đầu.

Thọ Vinh

(Năng lượng Mới số 146, ra thứ Ba ngày 14/8/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc