Con số của quan liêu

07:00 | 30/10/2014

2,052 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kết quả của cuộc khảo sát về chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ công ở Thanh Hóa, Phú Thọ và Bình Định được công bố là có trên 80% cá nhân, tổ chức thể hiện sự hài lòng.

Năng lượng Mới số 369

Con số quá đẹp khiến dư luận bán tín bán nghi sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, theo đánh giá chung, mức độ hài lòng của người dân cả nước về chất lượng dịch vụ công hiện nay chỉ vào khoảng 40%.

Hãy nghe người trong cuộc, Giám đốc Sở Nội vụ Phú Thọ thừa nhận do lần đầu thực hiện cuộc khảo sát chưa có kinh nghiệm trong khâu xây dựng kế hoạch cũng như tổ chức, chỉ đạo nên kết quả chưa được như mong muốn. Chế độ thông tin, báo cáo của một số cơ quan, đơn vị có liên quan đến cuộc khảo sát còn chậm, chất lượng báo cáo chưa đảm bảo, chưa cập nhật đầy đủ các thông tin cá nhân cần thiết.

Thậm chí ở tỉnh này có chuyện khảo sát viên không phỏng vấn trực tiếp ai cả. Họ gửi phiếu để người dân và doanh nghiệp (DN) tự trả lời, thậm chí là khảo sát viên tự điền mà không đi khảo sát.

Con số của quan liêu

Rõ ràng những sai sót này sẽ làm sai lệch kết quả khảo sát. Còn Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa Nguyễn Xuân Dũng cho biết, có tình trạng đơn vị cung cấp danh sách mẫu chưa xác định rõ được đối tượng nghiên cứu. Vì vậy, khi điều tra viên đến theo địa chỉ được cung cấp thì nhiều trường hợp không thể tiếp cận được đối tượng cần phỏng vấn. Tại các huyện miền núi, quy trình làm việc với các thủ tục hành chính công được khảo sát là: người dân nộp hồ sơ tại xã, sau đó cán bộ địa chính xã nộp hồ sơ về bộ phận 1 cửa cấp huyện. Như vậy việc hài lòng hay không hài lòng hầu hết là với bộ phận 1 cửa ở xã. Lại có tình trạng nhiều người được khảo sát không hiểu đúng các từ ngữ, thuật ngữ được dùng trong bảng hỏi.

Lãnh đạo Sở Nội vụ Bình Định cũng thẳng thắn nêu hiện tượng một số DN, người dân có tâm lý e ngại, lo sợ nếu việc nhận xét của họ về các cơ quan hành chính, đơn vị cung cấp dịch vụ công bị tiết lộ sẽ ảnh hưởng đến việc thụ hưởng dịch vụ công của mình. Điều này dẫn đến hạn chế là mặc dù họ muốn đánh giá “không hài lòng” nhưng người dân, DN vẫn chọn mức độ “rất hài lòng” và “hài lòng”.

Điều bất ngờ nhất là dư luận không những không hài lòng về số liệu hài lòng này mà thấy nghi ngại về con số quá đẹp ấy. Nếu đây là con số chính xác, phản ánh đúng thực tế hiện tại và ở tương lai gần thì cũng mừng cho bà con 3 tỉnh trên đã sớm được thụ hưởng một nền hành chính công vì nhân dân phục vụ. Bà con mừng rỡ là vì nền hành chính công từ chỗ “hành” dân là chính nay đã chuyển sang vì dân là chính.

Với kết quả khảo sát tại các tỉnh  này, số người trả lời phỏng vấn thể hiện sự hài lòng lên đến 86-89% là bất khả tín. Các con số này quả thật quá đẹp, nhưng so với thực tế là không chính xác bởi không ít người dân vẫn kêu ca, phàn nàn khi thực hiện thủ tục hành chính.

Cùng đo lường mức độ hài lòng của người dân, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh do Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố hồi tháng 4 vừa qua lại cho thấy một đánh giá khác.

Theo kết quả chỉ số PAPI năm 2013, hầu như không có sự biến đổi tích cực nào trong 3 năm từ 2011-2013 về mức độ công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù thu hồi đất. 8/10 người được hỏi không biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương và chỉ 20,8% được biết về kế hoạch, quy hoạch ấy nơi họ cư trú. Thủ tục cấp “sổ đỏ” có điểm thấp nhất trong 4 nhóm dịch vụ hành chính công được khảo sát, trong đó người dân phàn nàn là phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều người mới giải quyết được và khoảng thời gian người dân làm xong thủ tục liên quan đến “sổ đỏ” và nhận kết quả dao động 1-700 ngày. Đồng thời, có 24% người dân cho hay phải chi thêm tiền để được cấp giấy phép xây dựng…

Kết quả khảo sát trên cho thấy, chưa thể “vội mừng” với kết quả phần lớn người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công. Ngay tại Hà Nội, dù công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được quan tâm, đôn đốc, nhưng trong năm 2012-2013, kết quả khảo sát của Sở Nội vụ Hà Nội và Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về mức độ hài lòng của người dân khi giải quyết thủ tục hành chính tại một số bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính cũng chỉ đạt 53,3%.

Nhớ lại cách đây mấy năm, từng có một cuộc khảo sát tương tự đối với một số cơ quan công quyền tại TP HCM, kết quả tuyệt vời đến mức khiến nhiều người không tin nổi: Giao thông công chính 99%, lao động - thương binh và xã hội 100%, nông nghiệp và phát  triển nông thôn 94,3%, tài nguyên và môi trường 90%.

Những kết quả khảo sát vênh nhau kể trên cho thấy việc đo độ hài lòng của người dân cần có sự khảo sát rộng rãi, với nhiều nội dung, phương thức đánh giá cụ thể, dành cho từng đối tượng… chứ không phải là con số của quan liêu.

Quan liêu không chỉ đẻ ra tham nhũng mà còn gây bất ổn trong đầu tư phát triển bởi các con số trên trời này.

Minh Nghĩa

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc