Con số “giời ơi”?

22:03 | 08/10/2014

1,160 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố tỷ lệ người lao động không có việc làm của Việt Nam chỉ có 1,84%. Con số này cực kỳ ấn tượng vì tỷ lệ người thất nghiệp ở nước ta vào thời điểm mà 4 năm liền, các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động liên tục tăng. Sự ấn tượng còn vượt trội ở chỗ, so với các quốc gia có nền kinh tế phát triển thì tỷ lệ thất nghiệp của họ còn cao hơn chúng ta vài trăm phần trăm.

Năng lượng Mới số 356

Theo số liệu thống kê của Mỹ, tỷ lệ lao động thất nghiệp của họ khoảng 7%. Vào lúc nền kinh tế Mỹ suy thoái, tỷ lệ này trong khoảng từ 8 đến 10%. Mỹ và nhiều nền kinh tế khác ít chú ý đến mức tăng GDP hằng năm mà họ đặt trọng tâm vào số người lao động có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ được thống kê và công bố vào mỗi cuối tuần. Khi tỷ lệ lao động thất nghiệp của họ giảm thì lập tức chỉ số chứng khoán tăng ngay và các nhà đầu tư bán vàng dự trữ đầu tư cho sản xuất, giá vàng giảm. Một số bang còn thống kê số lao động có việc làm không phải theo tuần, theo ngày mà theo giờ. Điều ấy nói lên rằng, chỉ số lao động và việc làm có giá trị đặc biệt trong điều hành nền kinh tế.

Không chỉ Mỹ mà nhiều nền kinh tế lớn cũng dựa vào chỉ số lao động, việc làm để hoạch định giải pháp điều hành kinh tế.

Quay lại Việt Nam, các số liệu về hàng vạn kỹ sư, cử nhân và người có trình độ trên đại học đang thất nghiệp; 30% công chức, viên chức sáng vác ô đi tối vác về... chỉ có thể cho ta một bức tranh định tính chứ không thể định lượng về tỷ lệ người lao động có việc làm. Nhưng, tình trạng ấy cũng chứng tỏ tỷ lệ lao động thất nghiệp của nước ta là rất cao. Đặc biệt, trong 4 năm liên tục vừa qua, số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động luôn ở mức 5 con số, có nghĩa rằng, mỗi năm có hàng vạn lao động phải từ bỏ nơi làm việc. Đành rằng, số doanh nghiệp thành lập thêm cũng thu hút lao động, nhưng điều đáng quan tâm là nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động không hoạt động hoặc giảm quy mô sản xuất, các doanh nghiệp mới lại chỉ hoạt động ở các lĩnh vực sử dụng ít lao động. Trong khu vực hành chính công và các dịch vụ nhà nước, một phần không nhỏ đến hoặc không đến nhiệm sở thì công việc của nhiệm sở ấy cũng vẫn được coi là hoàn thành. Như vậy, chúng ta hiểu rằng, thực sự lao động về danh nghĩa có việc làm nhưng bản chất là dôi dư. Từ thực tế quản lý lao động đã tạo ra một lực lượng lao động lãn công ngay trong nhiệm sở.

Con số “giời ơi”?

Sàn giao dịch việc làm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Có một khu vực mà từ đó có thể nhìn ra con số thống kê về tỷ lệ lao động thất nghiệp 1,84% là không đáng tin cậy. Khu vực đó là sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ là ít ruộng hay nhiều ruộng mà phương thức sản xuất nông nghiệp đã thay đổi. Trong khu vực trồng trọt, người nông dân đã áp dụng phương thức thuê sản xuất theo công đoạn. Tất cả các khâu: làm đất, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch đều được thực hiện bằng máy móc. Chỉ có khoảng 10% nông dân đảm nhận công việc làm thuê này. Tập quán làm phân chuồng đã thay bằng phân hóa học; làm cỏ thay bằng thuốc diệt cỏ; hàng xáo bằng máy xay xát. Thay vì lao động trên đồng ruộng thì người nông dân đã chuyển hóa thành nhà quản lý và mọi công đoạn sản xuất là đi thuê. Trong khu vực chăn nuôi, toàn bộ công lao động trong việc chế biến thức ăn gia súc đã thay bằng thức ăn công nghiệp; lao động dọn chuồng trại thay bằng máy bơm. Ngay cả nấu ăn cũng đã thay bằng nồi cơm điện. Tất nhiên, đây là xu hướng tốt về cải thiện lao động và đời sống người nông dân, nhưng nó thể hiện số liệu thống kê coi nông dân đương nhiên là đã có việc làm, không cần những chính sách lao động lại là chuyện không thể chấp nhận.

Nói về lao động, không thể bỏ qua kỹ năng và năng suất lao động. Vừa đây, hãng điện thoại của Hàn Quốc, tạo một cơ hội vàng cho doanh nghiệp và lao động Việt Nam, họ đưa ra danh mục 170 loại linh kiện điện thoại di động để đặt hàng, nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất. Nhưng cả trăm doanh nghiệp có mặt đều không dám nhận sản xuất bất kỳ loại linh kiện nào.

Hiện tại, số lao động vẫn mang danh nghĩa là nông dân chiếm từ 60 đến 70% số lao động trong cả nước. Cũng là chỉ suy đoán theo định tính, ngoài số lao động có máy móc đi làm thuê, tự kiếm thêm việc làm thợ hồ, xe ôm và một số nơi có làng nghề thì tổng số lao động nông thôn có việc làm cũng chỉ chiếm 20 đến 30% số lao động.

Lại có chuyện nữa là, tại Hội nghị Lao động ASEAN vừa  rồi, một tổ chức quốc tế công bố số liệu điều tra là năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 1/15 so với Singapore… cho dù là cách tính năng suất lao động này có thể chưa chính xác, nhưng điều không thể phủ nhận là năng suất lao động của người Việt ta rất thấp, đã thế lại còn lười và vô kỷ luật. Đặc biệt là thói sĩ diện hão, tính cục bộ địa phương cũng gây tiếng xấu cho nhiều nơi, khiến chủ doanh nghiệp không muốn nhận.

Trong tình trạng dư thừa lao động nhưng nhiều dự án lại đưa lao động nước ngoài vào làm những công việc mà người Việt Nam có đủ kỹ năng và các điều kiện cần thiết khác là biểu hiện thiếu những giải pháp tổ chức lao động. Nhiều dự án thực hiện bằng vốn ngân sách và vốn ODA được giao cho các nhà thầu nước ngoài cũng là việc tước đoạt cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động Việt Nam. Hãy so sánh với việc tổ chức đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, chúng ta sẽ thấy những cơ hội dễ dàng cho người lao động trong nước, ta không làm mà dành sự ưu đãi ấy cho lao động phổ thông nước ngoài vào lao động ở nước ta. Chính sách lao động như thế không phải là tiến bộ. Nhiều người nghi ngại rằng, cơ quan chức năng công bố tỷ lệ thất nghiệp rất thấp là sự thuyết minh cho lao động nước ngoài vào Việt Nam là đương nhiên.

Chỉ số lao động là yếu tố quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô. Nó tác động đến hoạch định quỹ ngân sách và các giải pháp kèm theo tạo việc làm, hoạch định chính sách thuê người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, hoạch định chính sách xuất  khẩu lao động và đặc biệt là xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về lao động, việc làm. Công bố con số lạc quan tếu sẽ góp phần lầm chính sách điều hành kinh tế vĩ mô xa rời cuộc sống.

Trần Quang Vũ

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc