Đại học là học cái gì? 1

10:00 | 25/12/2012

17,185 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bấy lâu nay, chúng ta cứ hiểu hết THPT, ở các cấp học sau thêm 4 năm nữa, chuyên về một lĩnh vực nào đó thì gọi là đại học. Và chúng ta đã hiểu rằng đại học này là học cao hơn phổ thông. Nhưng có lẽ tất cả những nhà giáo dục học ở Việt Nam không ai chịu hiểu hết nguồn gốc chữ “Đại học” có từ đâu và tại sao lại gọi là “Đại học”?

Mấy ngày nay, dư luận vẫn còn bàng hoàng vì chuyện anh sinh viên lớp trưởng của một trường đại học bị bạn cùng lớp đâm chết chỉ vì những mâu thuẫn rất vớ vẩn. Thời gian gần đây, càng ngày càng nhiều những vụ sinh viên trộm cắp, cướp giật, làm mại dâm… Điều đáng nói là họ đều là những người đang có mác “sinh viên đại học”.

Vậy sinh viên ở các trường đại học đang học cái gì?

Đọc câu hỏi này, hẳn nhiều bạn đọc sẽ nghĩ rằng đây là một câu hỏi ngớ ngẩn. Vào đại học để học kiến thức - đủ các loại kiến thức “tổng hợp”, theo quan điểm của ngành giáo dục là phải đào tạo toàn diện. Nghĩa là sinh viên đại học thì cái gì cũng phải biết một tí, nhưng rồi cuối cùng học ra trường có khi lại chẳng biết gì cả. Bởi cái gì cũng u u, minh minh, cũng mờ mờ, ảo ảo.

Học đại học là học cái gì?

Bấy lâu nay, chúng ta cứ hiểu hết THPT, ở các cấp học sau thêm 4 năm nữa, chuyên về một lĩnh vực nào đó thì gọi là đại học. Và chúng ta đã hiểu rằng đại học này là học cao hơn phổ thông. Nhưng có lẽ tất cả những nhà giáo dục học ở Việt Nam không ai chịu hiểu hết nguồn gốc chữ “Đại học” có từ đâu và tại sao lại gọi là “Đại học”?

Đại học, theo định nghĩa của Khổng Tử là “học làm người quân tử”. Và trong Thiên sách đại học, Khổng Tử dạy như sau về “Đại học”: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”. Dịch nghĩa là “Đường lối của Đại học là ở chỗ: làm sáng cái đức của mình, khiến người dân luôn luôn đổi mới, ngừng lại ở chỗ chí thiện”. Một câu nói chỉ có 16 chữ, nhưng ý tứ mới sâu sắc, mới rộng làm sao.

Trong câu này, Khổng Tử dạy rằng: cái tâm của con người ta vốn sáng láng, chỉ vì vật dụng che tối đi, vậy thì phải luôn luôn học tập, giữ cho tâm luôn trong sáng, giữ vững lương tri để động đến việc gì là hiểu ngay. Rồi ngừng lại ở chỗ “chí thiện”, đó là mục tiêu mà mọi người đều muốn đạt đến chỗ chí thiện, nhưng nếu trên đường tu dưỡng, mà không làm chủ được bản thân, suy nghĩ lan man thì không đạt được mục tiêu. Cho nên, muốn làm người lương thiện thì phải đặt toàn tâm, toàn ý vào mục tiêu “chí thiện”, mới nói rằng: “Ngừng ở chỗ chí thiện”.

Vậy là đã rõ. Thánh nhân định nghĩa Đại học là như vậy. Cũng người xưa có câu rằng: “Tiên học lễ, hậu học văn”, cũng có nghĩa rằng trước hết phải học đạo đức, học lễ giáo, rồi sau mới là học văn hóa. Câu đấy ngày xưa đã đúng và đến bây giờ vẫn giữ nguyên giá trị. Bác Hồ của chúng ta trước khi mất, trong Di chúc cũng đã nói phải đào tạo thanh niên là thế hệ người “vừa hồng, vừa chuyên”, thì cũng có nghĩa rằng trước hết phải dạy dỗ con người có đạo đức, sống có lý tưởng và rồi mới là dạy văn hóa, dạy nghề nghiệp…

Nhưng bấy lâu nay, xem ra việc dạy làm người, dạy lễ nghĩa ở trong nhà trường từ các cháu mẫu giáo cho đến đại học, thậm chí trên đại học đều không được chú ý nữa. Lỗi này có từ 2 phía từ gia đình và nhà trường. Thứ nhất là lỗi từ một nền giáo dục chỉ lo chạy theo chủ nghĩa thành tích mấy chục năm qua và coi việc xóa mù chữ là một thành tích ghê gớm, coi việc lắm trường đại học là một thành tựu. Nhưng không ai biết rằng số lượng sinh viên đại học ấy ra trường thực chất là như thế nào và thanh niên, sinh viên hiện nay thực chất đạo đức, quan điểm sống, cách sống đang như thế nào?

Ở trong nhà trường, thấy rõ ràng nhất là cách dạy học giáo điều, khuôn sáo và nguy hiểm hơn là thầy không làm gương được cho trò noi theo. Ở trên giảng đường, thầy nói những điều hay, lẽ phải, nhưng học sinh, sinh viên ở dưới cười nhạt mà rằng: “Ông chỉ được cái nỏ mồm. Ông cũng ăn tiền như thụi, lại còn cao đạo”. Cũng như về nhà, bố mẹ bảo con rằng: “Mày không được ăn cắp, không được lười lao động.”, rồi “mày phải thế nọ, phải thế kia”… Nhưng con cái thì hiểu rõ hơn ai hết bố mẹ nó làm cái gì mà giàu thế, chúng biết rõ những thủ đoạn, những mánh khóe kiếm tiền bất chính của cha mẹ. Trong đầu óc chúng, chúng cũng đang sống trong một môi trường giả dối.

Trong nhà cũng giả dối, đi học ở nhà trường thì thầy cũng giả dối. Bên cạnh đó là sự xô bồ của xã hội, là sự thiếu ý thức trong việc chấp hành luật pháp, là sự nhu nhược của các cấp chính quyền, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, là sự tác động của lối sống phương Tây và sinh viên đang lựa chọn một cách vô thức, không có định hướng… Tất cả những điều đó đã tác động vào thanh niên - trong đó có rất nhiều sinh viên. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tại sao có một bộ phận không nhỏ sinh viên sống thực dụng và dám làm nhiều việc bất chấp đạo lý.

Thực trạng này chúng ta đã nhìn thấy từ lâu. Nhưng vấn đề là không ai dám nói một cách thực sự sòng phẳng và cũng không có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng đó.

Câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia” được gắn trang trọng ở trong khuôn viên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng thử hỏi ở Việt Nam hiện nay, người tài đang được trọng dụng như thế nào và những người tài thực sự đang làm việc, đang sống như thế nào? Làm sao người ta có thể yên tâm được khi một người được học hành bài bản, có năng lực làm việc, được đào tạo ở những trường, những viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới nay phải làm việc ở một cơ quan với thu nhập hàng tháng chỉ là hơn 5 triệu đồng? Làm sao người ta có thể yên tâm được khi một giáo viên đứng mấy chục năm trên giảng đường có thu nhập hàng tháng chỉ dăm, bảy triệu.

Các cụ xưa dạy rồi: “Đói thì đầu gối phải bò”. Người ta muốn làm nên ông cả, bà lớn gì thì điều đầu tiên là phải tự lo cuộc sống của mình. Mà xã hội này đang nhuốm màu kim tiền. Càng ngày đồng tiền càng có tiếng nói quyết định trong gần như tất cả mọi việc. Đồng tiền sẽ làm thay đổi phong tục tập quán, thay đổi lối sống, thay đổi quan điểm đạo đức vốn đã có từ ngàn đời nay. Sự thay đổi đó đang gây ra một tình trạng xã hội trắng, đen, phải, trái bất phân minh. Đây mới là điều đáng sợ và có thể dẫn đến đảo lộn tất cả mọi quan điểm đạo đức, giá trị văn hóa mà chúng ta đã có được.

Cha ông ta ngày xưa từng dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, rằng “Giấy rách phải giữ lấy lề”… Than ôi, những câu này nhằm khuyên răn con người là phải biết giữ cái bản ngã tốt đẹp của mình, nhưng trong thời nay, học được theo các cụ thật khó. Không có tiền, khám chữa bệnh thế nào? Học hành ra sao? Đi lại bằng gì? Chẳng lẽ người ta thắp điện, mình lại thắp đèn dầu. Chẳng lẽ xã hội người ta đi xe máy, đi ôtô, mình lại đi xe đạp?

Tất cả những điều đó cuốn con người ta chạy theo đồng tiền. Và trong công cuộc kiếm tiền đó, có phải lúc nào cũng kiếm tiền bằng sự lao động chân chính đâu. Mà còn bằng nhiều con đường bất chính khác nữa… Chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cơn lốc kiếm tiền này chính là thanh niên.

Người xưa dạy rằng: “Gieo cây nào thì gặt quả nấy”. Bao nhiêu năm nay chúng ta đã gieo “cây” chủ nghĩa thành tích trong giáo dục, thì bây giờ chúng ta phải gặt “quả” sinh viên có giá trị ảo; một đất nước lâm vào cảnh thừa thầy, thiếu thợ và thiếu cả thầy lẫn thợ.

Bao nhiêu năm nay, chúng ta lấy mục tiêu phát triển kinh tế làm đầu, còn việc giáo dục đạo đức và làm thế nào để giảm bớt tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường thì không được chú trọng, hoặc chỉ là nói suông? Cho nên, hậu quả về những thế hệ thanh niên đang lâm vào tình trạng: “mất phương hướng” như hiện nay là điều dễ hiểu.

Như Thổ

 

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc