Doanh nghiệp kiện cơ quan Nhà nước là văn minh!

10:00 | 27/09/2014

961 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ việc Công ty TNHH Mạnh Cầm kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội vì tạm giữ gần 6.000 hộp sữa dê trong suốt nhiều tháng do nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm gây thiệt hại cho doanh nghiệp đã tạo sự chú ý trong dư luận thời gian gần đây. Trước đó, cũng có không ít doanh nghiệp kiện cơ quan quản lý Nhà nước vì sự nhũng nhiễu hoặc yếu kém năng lực khi thực thi nhiệm vụ. Thậm chí, nhiều hội doanh nghiệp trong cả nước còn lên tiếng cho rằng, không nên “dĩ hòa vi quý” mà khi cần, phải mạnh dạn khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp cũng như giúp cơ quan Nhà nước sửa sai.

Con kiến kiện củ khoai    

Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp (DN) kiện cơ quan quản lý nhà nước, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, cho biết: Gần đây, rất nhiều DN đã nhờ Hiệp hội tư vấn có nên khởi kiện khi các cơ quan quản lý ban hành quyết định chưa hợp lý hay không.

“Xưa nay, khi “đụng chạm” với cơ quan Nhà nước, DN rất ít khi nghĩ tới việc dùng tòa án để giải quyết” - luật sư Hưng nhận xét. Theo ông, ở nhiều nước, việc khiếu kiện giữa DN với cơ quan Nhà nước là bình thường. Luật sư Hưng cho rằng, DN không nên chọn giải pháp “dĩ hòa vi quý” mà khi cần, phải mạnh dạn khởi kiện để không chỉ bảo vệ quyền lợi của mình mà còn giúp cơ quan Nhà nước sửa sai.

Không thể “dĩ hòa vi quý”!

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương

Dù vậy, trước hết, DN cần phải làm tốt và không nên để vi phạm, tránh xảy ra xung đột với cơ quan quản lý.

Diễn biến mới nhất, ngày 23-9-2014, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ Công ty TNHH Mạnh Cầm khởi kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội. Theo giấy báo, Tòa hành chính - TAND TP Hà Nội sẽ tiến hành xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Mạnh Cầm và bị đơn là ông Vương Trí Dũng, Phó chi cục trưởng - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội. Trước đó, phiên tòa ngày 22-8-2014 đã bị tạm hoãn.

Vụ việc bắt đầu vào ngày 21-2-2013, Đội Quản lý thị trường số 12 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã tạm giữ gần 6.000 hộp sữa dê Danlait của Công ty TNHH Mạnh Cầm (số 13 ngõ 2 Nguyễn Viết Xuân, Thanh Xuân, Hà Nội) do nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm.

Tuy nhiên, các mẫu kiểm tra đều được cơ quan y tế của cả phía Việt Nam và Cộng hòa Pháp khẳng định sản phẩm sữa dê Danlait do Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam đạt chất lượng như thành phần đã công bố trên nhãn mác, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ cũng như an toàn cho người tiêu dùng.

Các cơ quan chức năng cũng làm rõ, toàn bộ số sữa dê Danlait số 1, 2, 3 đều được công ty nhập khẩu nguyên lon, trực tiếp từ Cộng hòa Pháp và phân phối độc quyền tại Việt Nam chứ không phải làm từ Trung Quốc như một số người tiêu dùng đặt câu hỏi. Công ty Mạnh Cầm kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội về việc có những thông tin không đúng về sữa Danlait làm thiệt hại cho doanh nghiệp.

Kết luận vi phạm sau gần 4 tháng tạm giữ, tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 0165977, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội công bố, Công ty TNHH Mạnh Cầm đã ghi sai nhãn phụ hàng hóa và xử phạt 15 triệu đồng trên toàn bộ giá trị của lô hàng.

Sau khi nhận được kết luận trên, ngày 10-7-2013, đại diện Công ty TNHH Mạnh Cầm đã chính thức làm đơn khởi kiện quyết định nêu trên của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội. Cơ quan này đã phát biểu không đúng sự thật về sản phẩm sữa dê Danlait, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Cũng theo đại diện Công ty TNHH Mạnh Cầm, tính đến thời điểm hiện nay, Công ty Mạnh Cầm đã thiệt hại hơn 26 tỉ đồng chi phí phát triển thị trường và thiệt hại thương hiệu. Quan trọng hơn, cơ hội tồn tại của sản phẩm sữa dê Danlait tại thị trường Việt Nam đã gần như không còn. Đây cũng chính là lý do Công ty TNHH Mạnh Cầm đã phát đơn khởi kiện một vụ kiện hành chính đối với cơ quan quản lý thị trường và với cá nhân ông Vương Trí Dũng - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Một vụ việc khác được ví như “con kiến thắng kiện củ khoai” khi cách đây hơn một năm, Công an tỉnh Hải Dương đã vào cuộc xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể có sai phạm trong bắt giữ xe tải chở bạch tuộc, đồng thời phải chi 650 triệu đồng bồi thường cho chủ hàng.

Đại tá Phạm Văn Loan (Phó giám đốc Công an tỉnh Hải Dương) cũng cho biết, số tiền 650 triệu đồng đền bù cho những người khai thác bạch tuộc ở huyện Cần Giờ (TP HCM) trước mắt được công an tỉnh tạm ứng.

“Không có quy định công an tỉnh phải bỏ tiền ngân sách để đền bù. Cán bộ công an làm sai phải chịu trách nhiệm”, ông Loan nhấn mạnh.

Theo đó, 22 giờ ngày 27-5-2013, Nguyễn Quang Hưng lái xe tải chở bạch tuộc từ sân bay Nội Bài về Móng Cái (Quảng Ninh). Đến thị xã Chí Linh, Hải Dương, số hàng trên bị cảnh sát địa phương bắt giữ với lý do xuất xứ không rõ ràng, không có giấy kiểm dịch. Tài xế Hưng cho biết, đã đề nghị giải phóng hàng để bảo quản song không được chấp nhận. Lô hàng bạch tuộc sau đó đã bị hỏng.

Chiều 28-5, hơn 40 chủ hàng là các nông dân tại Cần Giờ yêu cầu Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương bồi thường thiệt hại gần một tỉ đồng vì cho rằng hàng bị giữ trái quy định. Những người này cho biết, bạch thuộc được họ khai thác tự nhiên tại TP HCM, không nằm trong danh mục hàng hóa phải kiểm dịch. Ngày 11-6, Công an Hải Dương đã vào Cần Giờ làm việc với các chủ hàng về mức bồi thường và thống nhất mức giá là 650 triệu đồng.

Kiện để đảm bảo văn minh

TS Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế cho rằng: “Tôi thấy nhiều DN bức xúc lắm rồi. Nhà nước nên bổ sung những quy định để tạo điều kiện cho DN có quyền khởi kiện cơ quan quản lý hoặc công chức có hành vi thực thi sai nhiệm vụ, làm không đúng trách nhiệm gây nhũng nhiễu, phiền hà... Trong trường hợp DN đã bị thiệt hại thì cần hoàn thiện quy định của pháp luật, cần sự trợ giúp của đội ngũ luật sư để giúp họ làm rõ mức độ thiệt hại, phân định rõ đúng sai của các bên nhằm bảo đảm quyền lợi cho DN”.

TS Doanh dẫn chứng: “Có DN ở Hà Nội chuyên xuất khẩu thực phẩm ra nước ngoài đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, được các cơ quan về môi trường tại châu Âu chứng nhận. Thế nhưng, nhiều lực lượng tới kiểm tra rồi phạt họ, chưa kể còn có hành vi đe dọa khiến DN phải “đút lót” tiền. Nếu không nhanh chóng có kênh bảo vệ DN và chế tài chặt chẽ đối với lực lượng thực thi công quyền thì sẽ có nhiều DN chán nản, rời bỏ môi trường đầu tư ở Việt Nam”.

Không thể “dĩ hòa vi quý”!

Đại diện cho các chủ hàng đến Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hải Dương để đề nghị xử lý sai phạm của cán bộ trong vụ bắt sai lô hàng bạch tuộc

Liên quan đến vụ kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nói trên, ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm trải lòng: “Chúng tôi kinh doanh, bên cạnh lợi nhuận thì điều mong muốn là có thể mang lại những sản phẩm chất lượng tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất cho người tiêu dùng. Tôi mong các cơ quan Nhà nước có những chính sách hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện cho DN có cơ hội kinh doanh thuận lợi và phát triển”.

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra đã được quy định rõ. Quy định này có thể áp dụng được với rất nhiều trường hợp DN bị thiệt hại trong quá trình thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý. Do đó nhiều chuyên gia cho rằng, khi gặp các vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi, các doanh nghiệp không nên quá lúng túng và tìm cách “chạy cửa sau” mà phải mạnh dạn kiện ra tòa để đảm bảo quyền lợi chính đáng. Nhiều ý kiến khác còn nhấn mạnh rằng, việc làm này là biểu hiện cho sự phát triển xã hội và của một nền tư pháp tiến bộ…

Thảo Phượng

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc