Động đất và an dân

10:01 | 17/09/2012

974 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - An dân trong khi diễn biến của dư chấn và động đất ở khu vực Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 rất phức tạp đòi hỏi từng nhận xét, đánh giá và quyết định của địa phương cùng các cơ quan hữu quan càng cần cẩn trọng.

Hàng loạt các vụ động đất ở khu vực Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã dấy lên mối lo ngại sâu sắc của lãnh đạo và cư dân trong vùng. Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn sau những trận động đất liên tiếp vì thiết kế chịu được động đất tới 5,5 độ richter, nhưng các chuyên gia vẫn chưa an tâm.

Theo thiết kế, đập thủy điện Sông Tranh 2 chịu được động đất tới 5,5 độ richter trong điều kiện nền đất không đứt gãy, thân đập bình thường. Hiện nay, nền đất đang sạt, trượt do động đất nên các công trình xây dựng trên đới đứt gãy chắc chắn chuyển vị. Bên cạnh đó, có chuyên gia đã khảo sát đập thủy điện Sông Tranh 2 ngay khi xảy ra sự cố thấm, nứt và thấy bản thân con đập đang bị nhiều khuyết tật. Mới đây, phía chủ đầu tư thông báo đã xử lý xong những sự cố nhưng thật ra, họ chỉ dán keo để không cho nước thấm ra, còn những vết rỗng trong thân đập thì chưa có cách gì xử lý. Phải chăng đây chính là lý do Hội đồng Thẩm định Nhà nước chưa công bố kết luận nghiệm thu.

Điều đáng quan tâm nhất, theo các chuyên gia là ngay bây giờ cần đưa ra những đánh giá chính xác, khoa học làm an dân. Một cựu quan chức chính quyền tỉnh cho rằng, những gì mà chủ dầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố không thật sự khách quan. Tài liệu của người Pháp công bố từ trước giải phóng cho thấy vùng xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 nằm giữa vùng giao nhau của 2 đường đứt gãy Tam Kỳ - Phước Sơn và Hương Nhượng - Tà Vi.

Không hiểu vì sao, dù đã có cảnh báo động đất nhưng người ta vẫn làm công trình lớn một cách rất cẩu thả, bằng chứng là rò rỉ nước ào ạt qua thân đập vào tháng 3 vừa rồi mà đến nay vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn. Việc tích nước của Sông Tranh 2 khoảng 200-300 triệu m3 có thể đã đánh thức đới đứt gãy. Vì thế, không chỉ ở Sông Tranh 2 mà cả Nam Trà My, Phước Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức cũng đang bị rung lắc nhẹ.

Ông Lê Trí Tập, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông đã từng chất vấn chủ đầu tư về hiện tượng rò rỉ nước ở công trình là do không có lõi đồng ở giữa các khối bê tông hoặc có nhưng là hàng kém chất lượng… Mà không chỉ Sông Tranh 2, hầu như 100% thủy điện ở Quảng Nam thiếu 3 điều cốt lõi: cống xả đáy, diện tích hồ phòng lũ và hệ thống quan trắc. Vì sao? Vì họ sợ tốn tiền, họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận.

Cũng như hàng ngàn cư dân Trà My, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My có ý kiến quyết liệt với các cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2. Cấp huyện chẳng ai có chuyên môn, chẳng ai biết gì về động đất, càng mù tịt về chuyện thủy điện với các công nghệ mới, công nghệ đầm lăn.

Bây giờ chuyện duy nhất lãnh đạo địa phương làm được là báo cáo ngay lập tức tình hình rung chấn, tình hình rò rỉ, tình hình dân chúng và kêu cứu lên tỉnh, lên Chính phủ. Huyện đã khảo sát, nắm tình hình thiệt hại của bà con trong vùng động đất, nhà nào nứt, nhà nào hỏng, nhà nào nguy hại để từ đó đề xuất tỉnh xin kinh phí hỗ trợ bà con. Rung chấn ngày càng mạnh, thậm chí gần tiệm cận với mức chịu đựng tối đa của đập chứa nước, nhưng có nhà khoa học vẫn cho rằng, động đất kích thích thì sẽ giảm dần theo thời gian. Thực tế những gì diễn ra khiến cư dân không thể không hoài nghi.

Được biết, lãnh đạo huyện đã thống nhất kiến nghị phải tích nước theo từng giai đoạn. Chính phủ sẽ quyết định việc tích nước trên cơ sở đánh giá lại sức chịu đựng của đập. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cần  báo ngay tại địa phương để người dân có thông tin và an tâm.

Người dân chỉ mong trước mắt, chính quyền có tiếng nói với các cơ quan chức năng hỗ trợ cho dân trong vùng động đất sửa nhà cửa. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cho biết, lãnh đạo tỉnh chưa an tâm với kết quả của các nhà khoa học bởi  những gì đã diễn ra ở thủy điện Sông Tranh 2. Nếu động đất vượt 4,2 độ richter và vượt ngưỡng chịu đựng của đập 5,5 độ richter thì chưa biết sẽ hành động như thế nào?

An dân trong khi diễn biến của dư chấn và động đất ở khu vực Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 rất phức tạp đòi hỏi từng nhận xét, đánh giá và quyết định của địa phương cùng các cơ quan hữu quan càng cần cẩn trọng.

Thọ Vinh

(Năng lượng Mới số 155, ra thứ Sáu ngày 14/9/2012)