Đông quan họ "hứa"

07:00 | 11/12/2012

762 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hiện nay việc ách tắc giao thông tại hai thành phố lớn nhất nước ta đã trở thành sự bức xúc, làm đau đầu các nhà quản lý dù các quan vẫn hứa và hứa.

Cách đây gần 30 năm khi phương tiện cá nhân đi lại của người dân ở Hà Nội, TP Hồ chí Minh phổ biến là xe đạp thì trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có không ít bài báo của các chuyên gia cảnh báo từ nạn ách tắc giao thông tại Băng Cốc.

Các nhà quản lý không phải không biết, không bàn tán và cũng ít nhiều khẳng định: “Để hai thành phố lớn của nước ta sẽ không dẫm vào vết chân đáng buồn của giao thông xứ người”.

Nói là như vậy rồi cuối cùng vẫn để đấy và không có một động thái nào để tìm ra giải pháp “đi trước đón đầu” với mục tiêu khắc phục bài học ùn tắc tắc giao thông của Băng Cốc. Vì vậy, hiện nay việc ách tắc này tại hai thành phố lớn nhất nước ta đã trở thành sự bức xúc, làm đau đầu các nhà quản lý dù các quan vẫn hứa và hứa.

Việc các quan hứa mà không làm đã trở thành đề tài cho nhiều chương trình truyền hình khai thác

 

Rồi cứ mỗi một năm học đến, báo chí lại lên tiếng về sự lạm thu, cùng việc dạy thêm của các thầy, cô giáo đối với học sinh phổ thông các cấp. Các nhà quản lý, các chuyên gia lại lên tiếng ồn ào. Rồi rút lại mọi sự lại chìm đi. Chiếc cặp học sinh ngay từ lớp 1 vẫn cứ nặng dần bởi sự học thêm, đến nỗi nghĩ đến học là các cháu học sinh phát sợ. Các khoản lạm thu của trường học vẫn ngày một tăng với các biến thái khác nhau khiến phụ huynh méo mặt.

Lý do dù đã được chỉ ra là vì chương trình quá nặng không học thêm không xong và đời sống giáo viên quá hẻo. Đã có ông đốc học lớn hứa đến năm 2010, nhà giáo có thể sống bằng lương. Nay ông “hứa” đã chuyển ngôi nhưng lương nhà giáo thì vẫn thế.

Rồi mỗi một rằm Trung Thu đến, báo chí lại ồn ào về việc tràn lan các đồ chơi độc hại từ đèn lồng cho đến các loại đồ chơi, kẹo phát sáng, bóng thổi, viên ngậm… hầu hết là hàng Trung Quốc đưa sang, tràn ngập từ phố thị đến chợ quê. Cùng với các loại đồ chơi độc hại là các loại kẹo bánh Trung Thu kém chất lượng được sản xuất từ các lò thủ công không tôn trọng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm xuất hiện ồ ạt trên thị trường.

Các tên trung tâm sản xuất các loại bánh mứt kẹo này lại được nêu lên với sự cảnh báo khách hàng. Rồi các nhà quản lý, chức năng lại hùng hồn lên tiếng hứa hẹn sẽ vào cuộc quyết liệt với các biện pháp cứng rắn như thu hồi, tiêu hủy, để từng bước đẩy lùi thực trạng nguy hiểm này như lời tuyên bố của ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường. Ông Trần cũng hứa rồi buông xuôi.

Rồi mùa du lịch, tình trạng ngay giữa thủ đô Hà Nội hay bất kỳ điểm hẹn du lịch nào trên cả nước ta đều có “cò”,  hàng rong, người ăn xin đeo bám, làm phiền hà du khách… Rồi tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm vẫn tiếp diễn tràn lan bất kể mọi sự cảnh báo của các cơ quan chức năng… Gần đây tại TP HCM nạn cướp giật, kể cả với  khách nước ngoài tăng đột biến. Vì vậy, có đến 80% du khách nước ngoài trả lời: “Sẽ cạch đến già chẳng bao giờ dám quay lại Việt Nam lần thứ hai…”. 

Lật lại các trang báo năm nay thấy tất cả các quan gia với những lời tuyên hứa chẳng khác là bao so với năm ngoái và các năm trước nữa. Chẳng hạn tình trạng lót tay thầy thuốc và quá tải của các bệnh viện đến nỗi người nghèo thiếu ăn cũng phải chi tiền và mỗi giường bệnh có đến hai, ba  thậm chí bốn, năm bệnh nhân cùng nằm cũng chưa có gì tiến triển. Cách đây đã dăm, sáu năm, trải qua hai, ba đời Bộ trưởng Y tế với những lời hứa hẹn trước Quốc hội sẽ có biện pháp khắc phục nhưng rồi đâu lại vào đấy.

Sự ngang tai chướng mắt của các ngành khác tồn tại hàng chục năm nay dường như không giảm  mà vẫn liên tục phát triển mỗi khi có dịp.

Mới hay sự cảnh báo của ngôn luận, sự bức xúc của nhân dân để rồi ồn ào hứa hẹn của các vị Bộ trưởng, cơ quan chức năng, quản lý cũng chỉ là một giải pháp tình thế, đối phó cho tạm yên lòng dân chúng còn giải pháp căn cơ triệt để để xử lý tận gốc các vấn nạn này vẫn chưa được đề ra mặc dù trong các bài phát biểu về phương hướng, biện pháp luôn luôn có nhắc đến “định hướng cho những tầm nhìn 5 năm, 10 năm sau. Thậm chí hai, ba mươi năm sau…”.

Trong tiểu thuyết “Rừng thẳm tuyết dày” của nhà văn Trung Quốc Phi Tuyết Ba có nhân vật Hứa Gậy Gộc. Trong trường thiên tiểu thuyết “Tam quốc” của La Quán Trung có nhân vật Hứa Chử. Hai nhân vật họ Hứa đao búa này lại rất kiệm lời mà chỉ hành động.

Còn không ít các vị quan chức của ta ăn lương cao, bổng hậu dân nuôi nhưng chỉ nói hay, hứa hão, hứa đại, hứa lèo... mà chẳng bao giờ làm cái gì ra hồn dù cũng mang họ “hứa”.

Nguyễn Hiếu