Đừng “quan dạng hóa” lễ hội!

07:00 | 09/03/2013

820 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đích thân Bộ trưởng đã “vi hành” một số lễ hội và những điều mắt thấy tai nghe khiến Bộ trưởng cũng cảm thấy “lực bất tòng tâm”.

Năm nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cam kết, lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra, đôn đốc thường xuyên để xuân Quý Tỵ có một mùa lễ hội an ninh, an toàn nhưng những hình ảnh trên vẫn tái diễn. Đích thân Bộ trưởng đã “vi hành” một số lễ hội và những điều mắt thấy tai nghe khiến Bộ trưởng cũng cảm thấy “lực bất tòng tâm”.

Chẳng  hạn, lễ hội đền Trần năm nay được trù liệu khá sớm và Ban Tổ chức khẳng định sẽ trả lại lễ hội cho cộng đồng. Thế nhưng, ngày khai ấn, trong số 1.000 người được cấp thẻ vào đền trong giờ thiêng, khách trẩy hội dễ dàng nhận thấy quan chức và thân nhân chính quyền địa phương chiếm tỷ lệ áp đảo.

Còn nhớ, trước lễ khai ấn đền Trần 2013, Phó viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, ông Dương Hồng Quang, người chủ trì đề án tổ chức lễ hội đền Trần cho biết, đến nay lễ hội đền Trần sẽ thoát khỏi khủng hoảng về hình ảnh, khủng hoảng về giá trị và khủng hoảng về trật tự, lễ hội đang đi đúng hướng. Đó là sẽ trả lại lễ hội về cho cộng đồng. Quan chức địa phương thì khẳng định về một lễ hội an toàn, trang nghiêm, đậm đà tính truyền thống.

Bảo vệ như vậy mà lễ hội đền Trần vẫn “vỡ trận” giờ khai ấn

Thế nhưng đêm khai ấn, người ta thấy sự thật không hoàn toàn đúng như những gì đã tuyên bố. Ban Tổ chức quả quyết chỉ cho 1.000 người có thẻ được vào bên trong khuôn viên, nhưng vào lúc khai ấn, trong sân đền Thiên Trường, Cố Trạch có tới cả vạn người chen lấn xô đẩy. 

Trừ nghi lễ rước ấn do người dân Tức Mặc thực hiện, còn các nghi thức khác như: tế, lễ, đóng ấn, tuyên cáo… đều do quan chức chính quyền đảm nhiệm.

Bức xúc và phản cảm nhất là cảnh ném tiền, tranh cướp đồ lễ diễn ra trong sân đền Thiên Trường. Bất chấp sự tôn nghiêm, người ta giẫm đạp lên nhau, lên lư hương... để ném được tiền vào kiệu ấn hoặc giật được một món đồ trên mâm lễ rồi hớn hở khoe hoặc than vãn, buồn bực vì tiền ném trúng hay không trúng kiệu ấn. Đến lúc vỡ hàng rào, người đi lễ xông vào khu vực khai ấn trước sự bất lực của công an, bảo vệ đêm khai ấn, là giọt nước tràn ly bộc lộ toàn cảnh lộn xộn, mất trật tự của lễ hội đền Trần năm nay.

Các chuyên gia đã nói nhiều về việc “vận dụng” sai sự tích phát ấn để hoành tráng hóa lễ hội đền Trần. Người ta không e ngại “khai thác” thần linh bằng cách lạm phát ấn cũng như hòm công đức. Khách trẩy hội đếm được khoảng 50 hòm công đức được đặt khắp nơi trong di tích đền Trần. Ngày khai ấn, nhà phát hành phiếu công đức được in sẵn các mức đóng từ 50.000 đồng trở lên, đồng thời cho bán ấn trấn trạch, lệnh bài và cả thẻ cầu may cho xe ôtô để thu thêm kinh phí.

Người dân vẫn phải cầm sẵn tiền trên tay xếp hàng nhận ấn. Tiền trao cháo múc sòng phẳng, bỏ ra 20.000 đồng được 1 ấn, nhưng nếu cầm 100.000 đồng thì sẽ được 10 lá ấn. Ở đây không sử dụng hòm công đức mà thu tiền “bán ấn” trực tiếp.

Trước khi khai ấn, người ta thông báo sẽ phát ấn liên tục trong các ngày diễn ra lễ hội, bởi đã chuẩn bị tới nửa triệu ấn.

Thế nhưng chỉ sau 1 giờ phát ấn thì cả 3 nơi đều đồng loạt thông báo hết ấn, khiến người trẩy hội bất bình.

Tuy nhiên, ông thủ từ và ông Trưởng ban Quản lý di tích đền Trần đều không trả lời rõ ràng về sự cố phát ấn nhỏ giọt, gây hậu quả phiền toái cho người dân, bật đèn xanh cho ấn giả đắt hàng. Khách trẩy hội không có ấn chính đền, phải chấp nhận mua ấn ngoài, ấn giả với giá cao. 

Giá ấn được “phát” với mức 200.000 đồng/chiếc, sau đó mới hạ xuống 100.000 đồng không mặc cả.

Về hiện trạng lộn xộn từ ngày khai ấn đến nay, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết: Nguyên ủy việc khai ấn đơn giản là nghi lễ mở đầu công việc của nhà nước quân chủ thời nhà Trần. Sau này khi nhà Trần sụp đổ thì nghi lễ này được con cháu nhà Trần ở Tức Mặc thực hiện dưới hình thức nghi lễ dân gian. Việc đóng ấn và phát ấn chỉ trong phạm vi hạn hẹp. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, tỉnh Nam Định có chủ trương phục hồi và nâng cấp lễ hội đền Trần, trong đó có nghi lễ khai ấn đầu năm.

Tuy nhiên, trong việc phục hồi và nâng cấp này thì việc khai ấn đã bị xuyên tạc theo hướng là nghi lễ thăng quan, thưởng quan, tạo nên tâm lý “cầu quan”, “bổng lộc” trong bối cảnh xã hội hiện nay. Việc xin ấn ở đền Trần, nhiều người đã không còn chú ý đến ý nghĩa lịch sử, văn hóa cao cả của nó, mà chỉ chăm chăm đến việc phát ấn, làm sao có được chiếc ấn, coi đó là yếu tố quan trọng nhất của lễ hội đền Trần, từ đó tạo nên những cảnh tượng chen lấn, tranh cướp không đáng có.

Theo GS Ngô Đức Thịnh, trả lại lễ hội cho cộng đồng là xác lập vai trò chủ thể của người dân. Điều này rất cần thiết và nên làm. Trong lễ hội, không chỉ có Nhà nước mà phải để dân tham gia quản lý thì người dân mới ý thức được hết vai trò, trách nhiệm của mình mà tự làm chủ được hành động của mình mỗi khi tham gia.

Để  bảo vệ lễ hội đền Trần, UBND TP Nam Định đã huy động lực lượng bảo vệ lớn bao gồm công an, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ, bộ đội... để giữ trật tự cho việc khai ấn đền Trần. Thế nhưng hiện tượng “vỡ trận” vẫn diễn ra. Điều quan trọng là chúng ta phải bắt đúng “bệnh” của lễ hội đang diễn ra và giải quyết tận gốc, tránh rơi vào tình trạng đối phó.

Minh Nghĩa

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc