Hàng "mỹ ký"

08:48 | 10/10/2012

1,045 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hóa ra vẫn có kẻ thích sử dụng “ảo ảnh” được chụp thật hay được chế từ photoshop trưng ra rằng, họ được chụp ảnh chung với những vị lãnh đạo cấp cao tứ trụ triều đình, bí thư, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, tướng lĩnh...

1. Anh là cán bộ một cơ quan Trung ương nên có dịp được tiếp cận, tháp tùng và chụp ảnh với các vị lãnh đạo cấp cao. Duyên may anh lại quen biết các phóng viên nhiếp ảnh, thế là anh được tặng khá nhiều ảnh chụp với ông A, ông B, bà C. Một lần con anh phát hiện kho ảnh bèn đóng khung treo lên tường. Cho đến lần anh sửa lại căn hộ tập thể, té nước theo mưa, anh cơi thành nhà tầng mà chỉ báo cáo ban quản lý khu tập thể. Chưa đầy 48 giờ sau, một nhóm cán bộ quy tắc kéo đến chật nhà. Trong khi anh chị thay nhau trình bày hoàn cảnh, ông trưởng đoàn lơ đãng nhìn quanh và xem kỹ các tấm ảnh trên tường rồi chợt hỏi:    

- Ảnh của bác đấy à?

- Vâng.

- Thế bác công tác ở đâu?

- Tôi công tác ở cơ quan V, chỗ bác Đ…

- Thế ạ. Thôi thế này nhé, hai bác cứ tiếp tục cải tạo nhà, có điều là chú ý để vật liệu cho gọn gàng nhé kẻo bà con phàn nàn. Thôi chào hai bác, chúng tôi về.

Thì ra mấy bức ảnh đã cứu anh một bàn thua trông thấy. Bây giờ về hưu rồi anh vẫn ở căn nhà cải tạo không xin phép và mấy tấm ảnh vẫn yên vị trên tường phòng khách.

2. Cháu ngoại tôi học mẫu giáo lớn. Con bé ngoan và hiền đến mức dễ bị bắt nạt. Trong lớp có thằng Công “trọc” rất hay chòng ghẹo nó. Con bé ức lắm mà chẳng biết làm cách nào ngoài mách ông. Lần ấy, cả lớp đi công viên, không hiểu sao thằng Công chen vào bên cạnh nó để đứng cạnh cô giáo chụp ảnh kỷ niệm. Lúc lấy ảnh mang về con bé phụng phịu bắt bố nó mang ảnh ra hiệu để gắp thằng Công “trọc” ra chỗ khác để chuyển con bé Lê Hoa bạn thân của nó vào đứng bên cạnh. Bố nó chiều con nên đồng ý và thế là nó có tấm ảnh ưng ý lắm. Nay đã lên lớp 4 vẫn học chung với thằng Công “trọc” nhưng hai đứa lại thân nhau rồi. Chuyện con trẻ ai bảo là không biết chơi ảnh.

3. Ai đó dẫn ra rằng, nhà văn Nga nổi tiếng là Sêkhốp từng gọi những người thích làm quen, hay khoe mẽ là mình có mối quan hệ với những người danh giá, nổi tiếng, có vị trí cao trong xã hội… là kẻ thích mang những món “trang sức giả”. Nghe có lý lắm!

Ở xứ ta không hiếm những kẻ ranh ma đã tìm cách biến những món trang sức giả ấy thành hàng thật để lừa những người nhẹ dạ. Những món trang sức giả lắm khi giúp họ làm những chuyện động trời, nhất là khi “món” ấy vào tay những kẻ lưu manh.    

Bạn đọc nọ kể rằng, một hội viên từ tỉnh về Hà Nội dự đại hội. Đại hội này có lãnh đạo cấp cao đến dự, chỉ đạo, trò chuyện và chụp ảnh lưu niệm với các hội viên. Đến lúc chụp ảnh, bà hội viên nọ băm bổ chạy ào đến xô đẩy cả những hội viên già khác đã đứng bên cạnh ra để có chỗ bên tay phải nhà lãnh đạo. Trong ảnh bà ta cười hí hửng như bắt được vàng. Bạn đọc này kể tiếp, mang ảnh về nhà, bà này bèn nhờ thợ ảnh dùng kỹ thuật photoshop xóa hết những người trong ảnh chỉ để lại bà ta và vị lãnh đạo. Nhìn tấm ảnh này, ai cũng thấy “nể”! Chết nỗi những người biết chuyện lại “khinh 15 phút”. Báu gì? Y chang đeo vàng mỹ ký, kim cương “đểu”.

Có chuyện một gã tử tù khi đang phát cũng có được một tấm ảnh chụp chung với một vị “khai quốc công thần” với tư thế rất thân mật khiến các cán bộ thuế vụ, thanh tra kiểm sát vị nể. Tịnh không dám ho he, hạch sách gì công ty này. Lần đầu đến đây, tôi cũng giật mình vì tấm ảnh to quá, đúng bằng 100% kích thước ngoài đời. Khi ấy tôi đã nghĩ thầm: Đồ huếnh! Sau này anh ta mắc trọng tội đến mức phải chịu án tử hình. Người chụp chung trong tấm ảnh không cứu được. Mồ mả và tấm ảnh to tướng ấy giờ không biết ở đâu rồi?

Hóa ra vẫn có kẻ thích sử dụng “ảo ảnh” được chụp thật hay được chế từ photoshop trưng ra rằng, họ  được chụp ảnh chung với những vị lãnh đạo cấp cao tứ trụ triều đình, bí thư, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, tướng lĩnh... Ảnh là vật vô tri. Nếu chỉ là kỷ niệm, thậm chí chỉ nhằm khoe hão thì vô hại. Nhưng dùng “ảo ảnh” để gây ảnh hưởng, lập thân, lập nghiệp và cầu lợi thì dễ ô danh lắm. Mà cũng lạ, không biết tại sao vẫn có người cả tin vào những bức ảnh ấy nhỉ.  Hóa ra đằng sau những tấm ảnh khoe khoang - món trang sức giả ấy lại là tiền tươi thóc thật, biết đi đúng đường, vào đúng cửa. Món này người đời gọi là chạy chức, chạy quyền, tuy không quá phổ biến nhưng lại có thật, bởi có người nhận nên có kẻ chạy và chạy được. Thế mới có nhiều kẻ nhờ đeo những món trang sức giả mà có chức, có quyền, có tiền… Để bù đắp đầu ra, bọn này tranh thủ vơ vào và đã gặp những tai ương. Cái nghiệp chướng mà họ phải trả khi lừa trên, gạt dưới, dọa đời để lại bia miệng, dẫu những tấm ảnh có thể in vào đá.

Tầm Văn

(Năng lượng Mới số 162, ra thứ Ba ngày 9/10/2012)