Hãy đổ chất thải vào nhà chúng!

07:00 | 08/12/2014

2,999 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu đem một xi-téc nước mà tay giám đốc đã đổ ra môi trường, xả thẳng vào nhà ông ta, chắc chắn, biện pháp này sẽ làm cho ông ta… nhớ mãi.

Năng lượng Mới số 380

Mới đây, Cục Kiểm soát hoạt động Bảo vệ Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên đã phát hiện Công ty CP Dầu thực vật Quang Minh, đổ nước thải có màu đen, bọt trắng xóa và bốc mùi hôi thối ra mương thủy lợi của thị trấn Lương Bằng.

Mỗi ngày, nhà máy này tống ra môi trường 500m3 nước thải và làm chết sạch cá mú ở sông, chết lúa của dân, gây mùi hôi thối khiến người dân chịu không nổi.

Tay giám đốc nhà máy, khi được hỏi thì lấp liếm bảo rằng, do hệ thống xử lý nước thải mới bị hỏng cách đây… vài tháng, nên phải… tạm xả thẳng? Nhưng nhân dân cho biết, việc làm này của công ty kéo dài 4 năm rồi.

Lý giải thế nào cho những việc làm có thể nói là "táng tận lương tâm" của những kẻ được gọi là "giám đốc" ở đây và nhiều nhà máy, xí nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường?

Chỉ có một cách hiểu, ấy là: Chúng đã vì túi tiền của chính chúng mà bất chấp pháp luật, bất chấp các quy định về bảo vệ môi trường, không chịu xử lý chất thải là nước, là chất thải rắn, hoặc khói bụi.

Chúng đã làm giàu cho bản thân bằng sự phá hoại môi trường sống của cộng đồng.

Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay cả nước có gần 200 khu công nghiệp trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, còn có hàng trăm cụm, điểm công nghiệp được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. Tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt 15-20%, như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc. Một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành vì để giảm chi phí. Bình quân mỗi ngày, các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 40.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác.

Vậy tại sao các nhà máy gây ô nhiễm môi trường này lại vẫn có thể ngang nhiên hoạt động được?

Câu trả lời thật đơn giản: Cán bộ chính quyền địa phương, cán bộ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ môi trường thiếu tinh thần trách nhiệm, nếu như không nói là đã bảo kê cho chúng. Còn khung hình phạt của chúng ta cho loại tội này là quá nhẹ, không đủ làm những ông chủ này sợ, nên họ "lần này xin chừa, lần sau cứ thế".

Vậy bây giờ phải xử lý ra sao?

Như vụ ở Công ty Dầu thực vật Quang Minh chẳng hạn. Nếu đem một xi-téc nước mà tay giám đốc đã đổ ra môi trường, xả thẳng vào nhà ông ta, chắc chắn, biện pháp này sẽ làm cho ông ta… nhớ mãi.

Tất nhiên, "sáng kiến" này chẳng cơ quan nào dám thực hiện.

Nhưng nếu người dân đem nước thải đổ vào nhà của ông ta thì sao nhỉ?

Kim Triêu