Hoan hô Hà Nội!

09:30 | 12/10/2012

1,469 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hoan hô Thành ủy Hà Nội đã ra Chỉ thị số 11-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố Hà Nội nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” và Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” .

Chỉ thị này yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm về việc thực hành tiết kiệm trong tổ chức cưới xin, ma chay. Theo chỉ thị này, đám cưới không được mời quá 300 người, không được tổ chức ở các khách sạn năm sao, không được tổ chức nhiều lần…

Dư luận lại được một phen ồn ào, nhưng chủ yếu là đồng tình với chủ trương này của Hà Nội. Cũng có một vài ý kiến cho rằng, chỉ thị này “phạm luật”.

Ô hay! Việc lãnh đạo Đảng ra chỉ thị yêu cầu đảng viên phải gương mẫu chấp hành, đó là việc nội bộ của Đảng, việc này chẳng liên quan gì đến việc pháp luật hay những quy định gì đó. Cũng có người bảo rằng, đây là bước “đột phá” về việc bắt buộc cán bộ, đảng viên phải gương mẫu… Thực ra, lần ngược lại lịch sử Hà Nội trong khoảng 30 năm trở lại đây thì cũng chẳng có gì mới. Từ năm 1998, Hà Nội và Hà Tây cũng đã làm rồi. Và gần đây, nhiều tỉnh đã có chỉ thị cấm đảng viên, cán bộ uống rượu vào buổi trưa, bởi vì “phong trào” bia rượu lên cao, thậm chí cả trong giờ làm việc.

Người viết bài này nhớ cách đây mấy năm, chính đồng chí Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông, (khi đang là Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên) cũng đã tuyên chiến với nạn nhậu nhẹt ở tỉnh này. Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có chỉ thị cấm cán bộ, đảng viên uống rượu vào buổi trưa. Chỉ thị đó nhanh chóng được toàn tỉnh hưởng ứng. Ngược lại thời gian xa hơn nữa, từ năm 1984 Bộ Công an (ngày ấy là Bộ Nội vụ), cũng từng có chỉ thị 76, cấm cán bộ chiến sĩ công an uống rượu. Thuở đó, ở Hà Nội cũng đã có cán bộ bị kỷ luật vì tội cưới xin đình đám. Tôi nhớ chuyện, có một anh phó công an quận tổ chức đám cưới cho con, bị phóng viên, báo chí mò đến, đếm số mâm và đưa lên báo. Hậu quả là anh bị kỷ luật và phải bán xới khỏi quận. Nhiều cán bộ, chiến sĩ công an Hà Nội còn nhớ chuyện ông Phạm Chuyên khi còn là Phó giám đốc Công an Hà Nội tổ chức đám cưới cho con, nhưng nhiều trưởng phòng, ban, quận, huyện không được mời.

Hóa ra ngày ấy, cán bộ, đảng viên biết chấp hành chỉ thị của Đảng xem ra tốt hơn bây giờ nhiều.

Nhưng trong khoảng chục năm trở lại đây, việc đôn đốc, nhắc nhở và kiểm tra đảng viên thực hiện các quy định về tiết kiệm, giản dị trong việc hiếu, việc hỷ đã bị buông lỏng. Và thế là, chính một số cán bộ, đảng viên đã “đầu têu” trong việc tổ chức cưới xin linh đình, tốn kém, xa hoa và thậm chí như kiểu các trọc phú. Điều này đã gây ra dư luận không tốt trong nhân dân. Bởi đã là đảng viên, là cán bộ thì “quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Người dân cứ trông theo cách sống, cách làm việc của đảng viên để đánh giá, bình phẩm. Cũng không thể không nói đến một thực tế là, nhiều vị có chút chức sắc thì cũng lợi dụng cương vị của mình để khi tổ chức đám cưới linh đình và coi như “kinh doanh”. Vì thế, người ta mới hay nói khi nhận được thiếp mời đám cưới là đi “ăn cơm bụi giá cao”, là “nhận phiếu báo nợ”, là “lệnh truy nã”… Nghe rõ chán.

Mà kể cũng lạ, có vị quan chức mời đám cưới lại còn ghi rằng, “có đến hay không thì phải trả lời”, rồi thậm chí sắp xếp chỗ ngồi như đi dự chiêu đãi cấp Nhà nước. Rồi lại có những người mời đám cưới theo kiểu dựa danh bạ điện thoại. Để mời được kiểu này, vị đó phải huy động đội ngũ giúp việc tra danh bạ điện thoại, xem những vị nào có chút chức sắc ở bộ nọ, ngành kia là gửi giấy mời. Nhiều khi khổ chủ nhận được giấy mời mà vắt óc nghĩ ra không hiểu mình quan hệ với ông này từ bao giờ, có quan hệ như thế nào. Nhận được giấy mời, không đến thì áy náy, mà đến thì cũng thấy vô duyên. Rồi có không ít đám cưới, người ta tổ chức liên tỉnh nào là ở ngoài Bắc, rồi lại kéo vào trong Nam, về quê nội, rồi lại về quê ngoại. Rồi còn tổ chức cả đám cưới theo kiểu mời khách “VIP” vào một ngày và mời khách bình dân vào một ngày khác. Rồi lại muốn mời khách cho đông, không ế cỗ thì cứ nhè vào những ngày làm việc mà mời… Nói tóm lại, không ít người là đảng viên, giữ các cương vị nhất định trong bộ máy công quyền đã lợi dụng chức quyền của mình để kinh doanh đám cưới, hay nói gọn là “bán cỗ”.

Có một chuyện ầm ĩ liên quan đến việc cưới là, có cán bộ xã nọ sang mượn trụ sở nhà trường để tổ chức tiệc cưới, khiến toàn trường phải nghỉ học. Bị chất vấn, ông hiệu trưởng trả lời rằng, ông không có quan hệ họ hàng với anh  cán bộ này. Nhưng vì tình cảm mà ông cho mượn trường để tổ chức đám cưới. Ông bảo ông cũng sai. Cái sai đáng lẽ là không cho mượn chứ không phải vì vị cán bộ xã đó mà học sinh mất buổi học.

Tình trạng trên đã được lãnh đạo Thành ủy và các cấp ủy Đảng nhìn thấy và bây giờ Hà Nội lại ra tay tuyên chiến với sự xa hoa, lãng phí này (thật ra là làm lại việc cũ) là rất cần thiết. Mới cách đây hai hôm, người viết bài này đi ăn cơm với một đồng chí Bí thư Quận ủy Hà Nội. Anh nói thẳng tưng: “Hôm tới cưới con tôi, ông cũng không có trong danh sách mời đâu nhé!”. Rồi anh giãi bày rằng, riêng họ nội, họ ngoại, những người thân thiết mà không mời thì sẽ bị ăn chửi cũng đã hơn 200. Vậy còn lại thì số lượng người mời mà trong số đó loại bạn bè như tôi cũng chưa đến lượt. Người viết bài này nhất trí ngay và không hề lấy đó làm buồn. Như vậy, xem ra lần này chỉ thị mới của Hà Nội đã có hiệu lực ngay tức khắc.

Có một thực tế không thể không nhận thấy, đó là, xã hội ta hiện nay có rất nhiều trọc phú, mà trong số đó có không ít người là cán bộ, đảng viên - là những người được giáo dục, học hành tử tế. Rất nhiều người trong số đó khi lên diễn đàn rao giảng về đạo đức, về chủ nghĩa Mác - Lênin, về tư tưởng Hồ Chí Minh thì nói như hát hay, cuốn hút và đầy sức thuyết phục. Nhưng nói một đằng thì họ lại làm một nẻo. Chính điều này đã gây giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Người dân không thể không tự hỏi rằng, ông ta lấy đâu ra tiền mà làm đám cưới to thế; ông ta lấy đâu ra tiền để làm trang trại to thế; ông ta lấy đâu ra tiền để cho con đi học ở Mỹ, ở Pháp… Và khi không có sự giải thích thỏa đáng, minh bạch thì người dân không tin nữa. Họ coi những cán bộ kiểu ấy là tham nhũng, là “cướp ngày là quan”.

Lần này Thành ủy Hà Nội xem ra đã có thái độ cương quyết, cứng rắn nhằm “buộc” cán bộ, đảng viên phải gương mẫu. Sự đồng thuận đã có, vấn đề là bây giờ công tác kiểm tra, kiểm sát được tiến hành như thế nào và nếu như trở thành một phong trào cho toàn dân làm theo thì thật là may mắn.

Như Thổ

(Năng lượng Mới số 163, ra thứ Sáu ngày 12/10/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc