Hội chứng kỷ niệm

07:00 | 01/10/2014

1,104 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việt Nam chúng ta là một đất nước vốn trọng đạo lý “uống nuớc nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đó là một nghĩa cử đáng trân trọng vì hiện tại bắt đầu từ quá khứ, tương lai bắt đầu bằng hiện tại.

Năng lượng Mới số360

 Vì vậy hằng năm có tới hàng trăm, hàng nghìn những buổi mít tinh kỷ niệm từ cấp Trung ương tới địa phương, đơn vị, ngành nghề nào, tổ chức nào, đoàn thể nào cũng có ngày truyền thống. Tôi thử giở cuốn lịch bàn năm 2014 thì thấy khá bất ngờ là tuần nào cũng có những sự kiện là ngày truyền thống của các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể, có những tuần từ thứ Hai cho đến thứ Bảy không ngày nào là không có ngày truyền thống, ví dụ như tuần thứ 42 từ ngày 13 đến ngày 19-10 -2014. Xin được trích ra đây: Ngày 13 tức 20-9 âm lịch: Trận Chi Lăng và Ngày Doanh nhân Việt Nam - 2004. Ngày 14: Thành lập Hội Nông dân Việt Nam - 1930 và Ngày truyền thống Ban Tổ chức Trung ương - 1930. Ngày 15: Ngày Dân vận Việt Nam - 1949 và Ngày Truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - 1956. Ngày 16: Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng - 1948. Ngày 17: Ngày cả nước vì người nghèo - 2000. Ngày 18: Ngày truyền thống Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng cấp ủy Đảng - 1930.

Đương nhiên đã là ngày truyền thống thì phải tổ chức kỷ niệm, quy mô to hay nhỏ tùy thuộc vào sự kiện ấy rơi vào năm chẵn hay năm lẻ mà thông thường là nếu vào các năm có số cuối là 5 hoặc số 0 như 35 năm, 40 năm, 45 năm hoặc 50 năm v.v...

Hội chứng kỷ niệm

Đã có đề xuất (bị dẹp) kỷ niệm 2.000 ngày sinh của Hai Bà Trưng

Cũng từ khá lâu ở cấp Trung ương đã quy định là chỉ tổ chức lễ kỷ niệm với quy mô lớn đối với các sự kiện vào các năm chẵn, ví như 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; 80 năm thành lập Đảng; 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ v.v... Hoặc sang năm 2015 là năm có nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn của dân tộc thì cũng chỉ lựa chọn một số sự kiện tiêu biểu mà thôi, còn các năm khác thì không tổ chức để tiết kiệm, tránh lãng phí về thời gian và tiền bạc.

Ở Trung ương thì như vậy, nhưng xuống các địa phương, bộ, ngành, đoàn thể thì hằng năm trên cả nước có muôn vàn cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm có thể nói là rất vô bổ, nhạt nhẽo và tốn kém kinh khủng. Nào là kỷ niệm ngày thành lập tổng cục, vụ, cục, viện, trường, có những vụ, cục, thậm chí đơn vị cấp phòng mới thành lập được 10 năm cũng bày vẽ kỷ niệm ngày thành lập, mà không lẽ chỉ kỷ niệm suông, thế là lại chạy đôn chạy đáo để ít nhất có được cái bằng khen, còn không thì phải có cái huân chương để trao vào dịp lễ kỷ niệm cho nó hoành tráng.

Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con người từ Bắc chí Nam được triệu tập về dự những buổi lễ kỷ niệm, đi lại xe cộ, ăn nghỉ tốn kém đến để nghe một bài diễn văn báo cáo thành tích sáo rỗng, những lời huấn thị khuôn mẫu, rồi tay bắt mặt mừng, rồi liên hoan vui vẻ, ra về với túi quà, với bộ ấm chén, lọ hoa khắc tên đơn vị cùng cuốn kỷ yếu dày cộp giấy trắng tinh, ảnh màu, mà có khi mang về nhà vứt xó, không một lần ngó đến. Đương nhiên những khoản chi phí nói trên đều được lấy từ ngân sách Nhà nước, tức là từ tiền thuế của doanh nghiệp, của người dân.

Gần đây trên tivi thỉnh thoảng có đưa tin tỉnh này, tỉnh kia kỷ niệm 100 năm, rồi 110 năm thành lập tỉnh và đón nhận huân chương do Nhà nước trao tặng. Theo tôi nghĩ là không nên tổ chức vì sớm hay muộn thì mỗi tỉnh, thành phố sẽ đến cái mốc 100 tuổi, đó là điều đương nhiên của lịch sử, cũng như con người sống lâu rồi sẽ lên ông, lên cụ vậy thôi, không làm gì mà phải kỷ niệm rất tốn kém, vì mỗi cuộc như vậy phải mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương lân cận, kết nghĩa, rồi phải có diễu hành, đồng diễn thể thao, văn nghệ mà phải tập dượt cả tháng trời. Số tiền chi cho lễ kỷ niệm ấy có thể xây được hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa cho đồng bào nghèo, là hàng nghìn suất học bổng cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Cứ mỗi lần xem chương trình “Lục lạc Vàng” phát trên VTV tôi lại chạnh lòng trước những hoàn cảnh cùng quẫn của những hộ dân do đói nghèo, bệnh tật được các nhà hảo tâm tặng một cặp bê giống là họ đã có thể thoát nghèo, đổi đời, trong khi những cảnh cờ, đèn, kèn, trống trong các lễ kỷ niệm như ném tiền qua của sổ.

Chưa kể vào các dịp kỷ niệm, nhiều công trình xây dựng rồi tượng đài để chào mừng vì làm dối, làm ẩu, chất lượng kém, rút ruột công trình như tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, hay như Bảo tàng Hà Nội đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động được...

Trong những lễ kỷ niệm ấy những tấm Huân chương Lao động hạng Nhất, hoặc Huân chương Hồ Chí Minh tặng cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cũng không mấy ý nghĩa, không mang đến sự thi đua nào cả mà rất hình thức, bởi vì khen cả tỉnh thì kể cả những phần tử bất lương, trộm cắp, thoái hóa, tham ô tham nhũng... cũng coi như được tặng huân chương à? Cho nên việc khen thưởng càng cụ thể cho một con người, một tập thể nhỏ thì mới có tác dụng thiết thực. Chưa kể ở cấp quốc gia thì sang năm 2015 đất nước ta mới kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9, ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì hà cớ gì các tỉnh lại kỷ niệm 100 năm thành lập, thế thì thử hỏi khi thành lập cái tỉnh ấy thì nó nằm trong quốc gia nào?

Chuyện kỷ niệm thành lập tỉnh đã đáng bàn nhưng có những lễ kỷ niệm còn đáng nói hơn rất nhiều, đó là gần đây một số tỉnh lại còn tổ chức kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh. Như chúng ta đã biết, sau ngày đất nước thống nhất hầu hết các tỉnh trong cả nước đều được sáp nhập lại với nhau, ít thì 2 tỉnh làm một, nhiều thì 3 tỉnh làm một, để làm ăn lớn, tiến nhanh lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu tôi nhớ không nhầm thì ở miền Bắc chỉ có 3 tỉnh là Thanh Hóa, Quảng Ninh và Thái Bình là không bị sáp nhập mà thôi. Nhưng sau một thời gian dài thấy rằng, việc sáp nhập thành các tỉnh lớn do công tác quản lý yếu kém, rồi vấn đề nhân sự, nội bộ, rồi phong tục tập quán, đặc điểm vùng miền đã hạn chế sự phát triển của các địa phương nên Trung ương lại quyết định tách các tỉnh theo địa giới như cũ, theo như sự phân chia địa giới hành chính của người Pháp cách đây cả một thế kỷ.

Không muốn nói là việc sáp nhập các tỉnh là sai lầm nhưng ít nhất cũng thể hiện sự ấu trĩ, nóng vội và thực tế sự phát triển hiện nay của các tỉnh sau khi được tái lập đã là câu trả lời cho chủ trương sáp nhập tỉnh là nên hay không nên. Nhưng cũng không vì thế mà lại đẻ ra việc kỷ niệm 10 năm rồi 15 năm, rồi nay mai là 20 năm tái lập tỉnh, nó không giải quyết vấn đề gì cả mà lại chỉ gợi nhớ đến một chủ trương chưa được bàn tính thấu đáo và cũng để lại một hậu quả không nhỏ trong đời sống kinh tế, xã hội một thời gian khá dài.

Một câu chuyện còn mang tính thời sự cách đây ít ngày là Hội Phụ nữ Việt Nam đề xuất lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2.000 của Hai Bà Trưng, thật là một câu chuyện hài hước. Đến ngay như bây giờ rất nhiều cán bộ, công chức còn có 2-3 giấy khai sinh tuổi tác khác nhau, rồi tầm tuổi trên dưới 60, ít người nhớ chính xác là mình sinh vào ngày nào và chỉ nghe bậc sinh thành  kể lại là tao đẻ mày lúc ấy vào cữ tháng Chạp, hay tháng Giêng, rồi vào vụ gặt mùa, cấy chiêm, rồi thì mày cùng lứa con nhà này nhà khác trong làng mà thôi. Thế mà Hội Phụ nữ Việt Nam lại tự tin biết rõ ngày sinh tháng đẻ của Hai Bà trong khi giới Sử học không ai dám khẳng định, thế mới biết Hội Phụ nữ Việt Nam siêu thật. Rất may đề xuất nói trên đã bị UBND TP Hà Nội từ chối một cách khéo léo và hoãn để đến sang năm 2015 sẽ tổ chức kỷ niệm cho Hai Bà.

Không ai ngăn cản việc tổ chức lễ lạt kỷ niệm để “ôn cố tri tân”, nhưng những kiểu kỷ niệm để mà kỷ niệm và tiêu xài bằng ngân sách Nhà nước thì rất không nên.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có một quy định nghiêm ngặt trong việc tổ chức các lễ kỷ niệm ở các cấp mà xài tiền Nhà nước, đó cũng là một cách chống lãng phí, thực hành tiết kiệm thiết thực và dễ thấy nhất. Đừng để cho đất nước chúng ta quanh năm đắm chìm liên miên trong lễ hội, họp hành, mít tinh, kỷ niệm, ra quân v.v... thì còn thời giờ đâu để mà suy tính, làm ăn phát triển kinh tế chấn hưng đất nước, trong khi khoảng cách với các nước láng giềng ngày càng tụt hậu và không biết các nước họ có nhiều mít tinh kỷ niệm như xứ mình không nhỉ?

Xuân Tuyến

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc