Khả thi và bất khả thi

10:22 | 22/08/2012

1,727 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vấn đề khả thi hay bất khả thi cần được nghiên cứu kỹ ngay từ khâu soạn thảo.

Thông tư 33 của Bộ NN&PTNT vừa ban hành quy định điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực từ ngày 3/9/2012 lẽ ra sẽ được hoan nghênh nhưng hóa ra không phải như vậy. Gần như ngay lập tức một nội dung trong thông tư này bị phản ứng vì có tính khả thi rất thấp. Đó là quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ.

Cựu Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), PGS.TS Trần Đáng cho rằng, nếu thiếu quy định về thực hiện thì Thông tư 33 chỉ... có cho vui!

Hàng vạn chiếc mũ hợp chuẩn đã được trao tặng cho học sinh tiểu học, đảm bảo an toàn cho các em khi đến trường

Còn giới tiểu thương lập tức kêu trời bởi trong tình hình sức mua thị trường thấp do giá cả và những thông tin bất lợi vì dịch bệnh nên thịt bán rất chậm, làm sao có thể tiêu thụ hết trong chừng ấy thời gian. Nhưng người khởi thảo thông tư này hình như không biết rằng, các lò giết mổ đều hoạt động từ nửa đêm tầm từ 1 đến 3 giờ sáng. Như vậy làm sao họ bán hết thịt lúc 9-11 giờ cùng ngày. Không lẽ số thịt còn lại phải bỏ. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thịt gia súc còn được chuyển bán liên tỉnh, thời gian vận chuyển kéo dài, quỹ thời gian ra sạp rất ngắn. Ngoài ra, rất nhiều người nội trợ thường ra chợ muộn biết mua thịt ở đâu đây. Không chỉ người dân mà các cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng không mấy đồng tình với quy định chưa sát thực tế này. Bộ NN&PTNT lấy đâu ra nhân sự để bảo đảm kiểm soát việc bán thịt gia cầm trong thời gian 8 giờ kể từ khi giết mổ tại các chợ?

Theo báo cáo của Bộ Công Thương Việt Nam, không kể các chợ cóc, chợ vồ, chợ nhảy, hiện nay nước ta có trên 8.500 chợ. Chỉ cần nhân với số phản thịt từng chợ thì đã đủ thấy, con số mấy chục ngàn tiểu thương đang kinh doanh thịt gia súc hầu như không có tủ lạnh để bảo quản tại chỗ, càng cho thấy Thông tư 33 là bất khả thi.

Điều trớ trêu là chính Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, việc thực hiện và giám sát thực hiện “thịt bán trong 8 giờ” là không dễ, nhất là tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Vậy thì ai tham mưu tư vấn cho quý bộ soạn thảo và ban hành thông tư này. Ai cũng biết rằng, thông tư của các bộ phải là văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật hoặc các văn bản pháp quy của Chính phủ. May mắn là quý bộ đã nghe ra và hứa sẽ chỉnh sửa thông tư này.

Các chuyên gia pháp luật đã đưa ra nhận xét rằng, hiện có rất nhiều thông tư, văn bản, quy định xa rời thực tế do các quan chức “chế tạo” ra và cơ quan Nhà nước ban hành gấp gáp. Được biết, trước khi Quốc hội thông qua luật cấm hút thuốc lá và quảng cáo thuốc lá nơi công cộng sẽ có hiệu lực vào tháng 5/2013 thì từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành một quyết định về cấm hút thuốc lá tại các nơi công cộng như trường học, bệnh viện, văn phòng và trên các phương tiện giao thông công cộng, tăng thuế cũng như hạn chế việc bán thuốc lá.

Cũng theo quyết định này, ai hút thuốc nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000 đến 100.000 đồng. Theo các thông tin trên báo chí, dường như chưa có lực lượng xử phạt nên chưa có ai bị phạt do hút thuốc lá nơi công cộng.

Vì vậy quyết định này hầu như đã bị phớt lờ và việc hút thuốc lá vẫn tràn lan ở các nơi công cộng, trong khi thuốc lá vẫn được bày bán công khai ở hầu khắp các phố tại Hà Nội. Trong thực tế hiện nay còn nhiều quy định bất khả thi khác không được điều chỉnh hay xóa bỏ như quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy không hợp chuẩn. Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, thực tế nhiều người đội mũ không đúng quy chuẩn. Nói cách khác, đội mũ chỉ để đối phó với công an, không phải để bảo vệ đầu của mình, cũng như vì sức khỏe của cộng đồng.

“Tình trạng đội mũ không đúng quy định vẫn diễn ra. Các nhà sản xuất vì trục lợi và người tiêu dùng ham rẻ nên vẫn sản xuất và mua bán các loại mũ không phải mũ bảo hiểm” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Cũng theo Bộ trưởng Quân, những loại mũ này rất rẻ tiền và bày bán tràn lan, dễ mua. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng: “Nếu nói người đội mũ rởm, mũ nhái không có tem, bị xử phạt là cơ quan Nhà nước không quản lý được, đổ khó cho người dân, thì tôi cho không hẳn như thế. Chúng tôi cũng yêu cầu tất cả các công ty sản xuất và nhập khẩu phải niêm yết công khai danh mục đại lý kinh doanh mũ bảo hiểm của mình cho người dân biết để không mua phải mũ rởm”.

Không ai có thể bắt bẻ ý nghĩa, mục đích đúng đắn của hầu hết các quy định đã được ban bố. Thế nhưng, vì những người soạn thảo xa rời thực tế, ít quan tâm đến khâu tổ chức thực hiện nên quy định chưa kịp đi vào cuộc sống hoặc vừa mới qua quá trình áp dụng đều bộc lộ rõ sự bất cập, dẫn đến hiệu quả pháp lý rất thấp. Vậy nên vấn đề khả thi hay bất khả thi cần được nghiên cứu kỹ ngay từ khâu soạn thảo.

Minh Nghĩa

(Năng lượng Mới số 148, ra thứ Ba ngày 21/8/2012)