Không biết tin ai!

08:12 | 23/07/2012

1,120 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Gần đây, báo chí khui ra nhiều cái sai quá! Thấy cái sai, ngẫm lại mà xót xa vì điều đó khiến cho các em nhỏ trở nên hoang mang, không biết tin vào đâu!

Chị hàng xóm nhà tôi cấm không cho cô con gái nhỏ 7 tuổi của chị đọc một số truyện tranh vốn dành cho tuổi thiếu nhi. Tôi lấy làm lạ nên thắc mắc thì chị giải thích: “Dù đó là ý cực đoan, nhưng thà vậy mà chắc còn hơn là cho chúng đọc, bởi sách bây giờ viết còn sai huống hồ mấy truyện tranh này. Truyện phản cảm nhưng dành cho trẻ vẫn tràn lan đầy ra đấy! Không biết đâu mà lần!”. Tôi tin đây không phải là câu chuyện cá biệt mà hiện đang rất phổ biến trong tâm lý các bà mẹ!

Không ai có thể quên khi vừa rồi một cuốn sách tưởng chừng đơn giản như “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” do NXB Đà Nẵng cấp phép ấn hành lại có những sai sót khó tin như “cây lêu” thay vì là “cây nêu, “dỗ Tổ” thay vì là “giỗ Tổ”… Người ta ngỡ ngàng bởi đây là những từ thông dụng và quen thuộc nhất, không những thế tác giả của nó lại là một nhà sư phạm có thâm niên, từng nhiều năm giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội và từng giữ chức Vụ phó Vụ Giáo dục tiểu học!

Kế đến là cái sai đình đám trong một cuộc thi nổi tiếng trí tuệ là “Đường lên đỉnh Olympia”. Nếu đây là một cuộc thi bình thường thì chắc vấn đề cũng không đến nỗi ồn ào. Nhưng đây là cuộc thi quy mô với cả một ban cố vấn gồm toàn những chuyên gia uy tín trong ngành giáo dục đào tạo mà khi xem lại toàn bộ câu hỏi của cuộc thi vẫn không một ai phát hiện ra sai sót thì lạ thật! Ở câu hỏi đầu tiên trong phần thi “Tăng tốc” đưa ra 3 dữ liệu: 3 mặt trời = 2 ngôi sao, 1 ngôi sao + 4 mặt trăng = 1 mặt trăng 5 mặt trời, 4 ngôi sao + 2 mặt trăng = 1 mặt trăng + 1 ngôi sao + ? mặt trời. Với câu hỏi là “Cần bao nhiêu mặt trời để cân thăng bằng?”. Chương trình đưa ra các giá trị tương ứng là ngôi sao = 9 và mặt trăng = 7. Đáp án của chương trình 6 mặt trời là đúng. Tuy nhiên, làm một phép tính nhẩm đơn giản với dữ liệu mà BTC đưa ra thì cả 6 đáp án có giá trị từ 4 đến 9 đều không thích hợp! Vị PGS – TS cố vấn cho môn Toán của cuộc thi này cũng đã nhìn nhận sai sót ấy! Vậy mà cuối cùng người ta vẫn cứ công nhận nó là “đúng” khi đã biết sai! Thế mới lạ!

Những cuốn sách giáo khoa, sách truyện, cuộc thi hay phim ảnh... luôn là những người thầy thầm lặng của các em học sinh. Ngày nay xã hội phát triển, văn hóa đọc, xem, nghe ngày càng cao và các em nhỏ luôn gửi niềm tin vào những “người thầy” thầm lặng và xem ra rất đáng tin cậy này! “Người thầy” chuẩn mực, nội dung hay thì các em nhỏ được nhờ, được giáo dục cái hay, cái đẹp, cái đúng. Còn “người thầy” cẩu thả, đúng sai lẫn lộn thì các em sẽ hoang mang, ngơ ngác không biết nên học cái gì, không biết tin vào ai. Nhưng hoang mang còn là may, bởi chắc chắn đã có không ít em nhỏ vốn vô tư và đầy tin tưởng đã học theo những sản phẩm được xem là tri thức nhưng chểnh mảng, vô trách nhiệm. Kết quả là tình trạng học sinh nói ngọng, viết sai chính tả và nghiêm trọng hơn là vô số những hệ lụy vì bị ảnh hưởng bởi những sản phẩm “độc hại” đó!

Trách nhiệm của sự vô tâm trước tương lai trẻ em thuộc về ai đây?! Chắc đây cũng chỉ là một “quả bóng trách nhiệm” được đá qua đá lại mà thôi!

Lê Vân

(Năng lượng Mới số 139, ra thứ Sáu ngày 20/7/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc