Không hình thức, phải thực chất

07:00 | 14/01/2013

1,211 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Lâu nay, trong một số sinh hoạt chính trị quan trọng, chúng ta thường tổ chức lấy ý kiến của nhân dân. Đây là việc làm cần thiết trong quá trình dân chủ hóa từ cơ sở và khai thác được trí tuệ và chất xám của người dân. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều hoạt động mang tính phong trào này hay rơi vào hình thức, chiếu lệ, làm cho có.

Rất nhiều cuộc không suôn sẻ và không đạt kết quả như mong muốn. Cả hai thái cực cầu toàn và hình thức đang cản trở quá trình dân chủ hóa ở cơ sở. Đáng quan tâm hơn cả là thực hiện theo kiểu đánh trống ghi tên ào ào, khoán phát biểu, chỉ định nội dung. Ngay trong việc tiến hành tự phê và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 cũng đã có biểu hiện không thực hiện đúng hướng dẫn. Có nơi “kéo giỗ làm chạp” để kiểm điểm công tác cả năm và xếp loại đảng viên nên đã biến cuộc họp thành cuộc khẩu chiến mất mặn mất nhạt.

Từ việc này, nhìn sang việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cần có cái nhìn đúng và cách làm tốt nhất. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp, pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Hội nghị trực tuyến về góp ý kiến sửa đổi Hiến Pháp

Bộ Chính trị có chỉ thị yêu cầu lãnh đạo tổ chức, đơn vị đôn đốc, kiểm tra và tạo điều kiện cần thiết cho cơ quan, tổ chức, đơn vị ở bộ, ngành, địa phương mình phụ trách tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức lấy ý kiến.

Các vị lãnh đạo Quốc hội đều nhấn mạnh đây là việc quốc gia đại sự nên việc lấy ý kiến nhân dân phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Được biết tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu đã dành thời gian phân tích, thảo luận, cho ý kiến về các nội dung sửa đổi và ban hành Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh cần tổ chức thật tốt việc lấy ý kiến nhân dân để chắt lọc cho được tinh hoa trí tuệ, ý chí của toàn dân, chuẩn bị tích cực để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua văn kiện quan trọng này vào kỳ họp cuối năm 2013.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, người dân có thể góp ý với dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi bằng nhiều cách. Ngoài việc góp ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản tại các cuộc thảo luận, tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm công dân còn có thể thông qua trang thông tin điện tử của Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng để nêu ý kiến của mình. Người dân có nhiều điều kiện, phương tiện để hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng bản Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới. Nhắc lại điều này để lưu ý các cơ sở không cần gò ép người dân có mặt tại các cuộc họp, các hội nghị góp ý kiến…

Vậy dự thảo đã sửa đổi như thế nào? Xin điểm nhanh những điểm đáng chú ý trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Có chuyên gia đã tìm ra được ít nhất có 22 điều của Hiến pháp 1992 đã được sửa đổi.

Ngay tại Điều 1 Hiến pháp sửa đổi đã ghi rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Còn Điều 1 Hiến pháp 1992 là: “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời”.

Tại Điều 2 dự thảo sửa đổi đã bổ sung thêm chữ pháp quyền ngay sau chữ Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Điều 4, dự thảo sửa đổi thể hiện đầy đủ hơn bản chất của Đảng theo cương lĩnh: Thứ nhất, “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”; thứ hai là, Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình và thứ ba là, không chỉ các tổ chức của Đảng, mà các đảng viên hoạt động phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Theo các chuyên gia, điểm mới nhất của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nằm ở Chương X với cả ba điều đều nới. Lầnđầu tiên khái niệm Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Kiểm toán Nhà nước đã được đưa ra.

Theo đó, Điều 120 (mới) nêu: Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên; Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn;

Theo Điều 121 (mới): Hội đồng Bầu cử Quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên; Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia do luật định…

Điểm nhanh một số điều để thấy nội dung của Hiến pháp sửa đổi rất cần được nghiên cứu, bàn thảo trên cơ sở ý kiến đóng góp nhiệt tâm, trí tuệ của nhân dân.

Tuy nhiên, suy tính cho kỹ, quỹ thời gian cho việc lấy ý kiến nhân dân thực sự không đủ 3 tháng như Nghị quyết của Quốc hội. Tháng 1 đã qua mất 10 ngày rồi vẫn chờ hướng dẫn, lại bận lo tết nên khó có thể triển khai được việc gì. Sang tháng 2 tuy nghỉ tết có 9 ngày nhưng chắc là mất đứt nửa tháng. Vậy là chỉ còn khoảng 30 ngày để tổ chức cơ man những cuộc họp cơ quan, đoàn thể, đơn vị, tổ chức và dân phố, bản làng để lấy ý kiến và tổng hợp những đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã yêu cầu công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền phải làm cho mọi người nhận thức được rõ việc lấy ý kiến không phải là một việc mang tính hình thức, mà là hoạt động pháp lý nhằm mang đến kết quả thực chất về thực thi quyền làm chủ của nhân dân. Công tác tư tưởng, tuyên truyền phải làm cho người dân tin tưởng những ý kiến góp ý được trân trọng, nghiên cứu và tiếp thu.

Vì vậy, tin rằng đợt sinh hoạt chính trị này sẽ có kết quả thực chất để chúng ta có một Hiến pháp sửa đổi đúng lòng dân ý Đảng.

Tầm Văn