Không nên phủ nhận vai trò của "quả đấm thép"

08:34 | 28/11/2012

1,451 lượt xem
|
(Petrotimes) - Gần đây trên nhiều diễn đàn đã xuất hiện một số ý kiến đánh giá thấp, thậm chí phủ nhận vai trò của các tập đoàn, Tổng Công ty 91.

Họ nói rằng, “quả đấm thép tan chảy” vì nợ nần. Tuy nhiên, đây không phải là “phát hiện” gì ghê gớm.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã báo cáo với Quốc hội rằng, cho tới thời điểm hiện tại, quỹ tích lũy trả nợ đang ứng trả thay cho Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng, đều là các doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn được Chính phủ bảo lãnh vay và đang gặp khó khăn trong việc trả nợ với tổng số tiền là 109,7 triệu USD.

Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên hiện nay đang thực hiện tái cơ cấu và cam kết sẽ hoàn trả hết số tiền nhận tạm ứng trong 5 năm tới đây.

Còn tại Báo cáo số 336/BC-CP của Chính phủ ngày 16/11/2012 trình Quốc hội về tình hình làm ăn của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) Nhà nước cho biết: “Năm 2011, tổng số nợ phải trả của TĐ, TCT là 1.292.400 tỉ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Xét từng TĐ, TCT, có 30 TĐ, TCT tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó có 8 TĐ, TCT trên 10 lần.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na (Nghệ An) có công suất 180MW

 

Báo cáo cho biết, lỗ lớn nhất là TĐ Điện lực Việt Nam, lỗ do sản xuất kinh doanh điện: 11.437 tỉ đồng; TCT Hàng hải Việt Nam: 5.738 tỉ đồng; TĐ Xăng dầu Việt Nam: 2.390 tỉ đồng; TCT Xăng dầu Quân đội: 566 tỉ đồng; TĐ Sông Đà: 625 tỉ đồng; TCT Dâu tằm tơ: 321 tỉ đồng; TCT Cà phê Việt Nam: 209 tỉ đồng; TCT Trường Sơn: 66 tỉ đồng; TCT Xây dựng Đường thủy: 871 tỉ đồng; TCT Xây dựng Công trình Giao thông 1: 35 tỉ đồng; TCT Chè Việt Nam: 27 tỉ đồng; TCT Xây dựng Công trình Giao thông 6: 27 tỉ đồng; TCT Văn hóa Sài Gòn 3,4 tỉ đồng…

Trong danh sách này không có tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Rõ ràng là “núi” nợ của các TĐ, TCT Nhà nước đang đặt ra những vấn đề rất nghiêm túc về trách nhiệm giải trình, quy chế công khai minh bạch, trách nhiệm quản lý vốn của chủ sở hữu, quy chế bổ nhiệm cán bộ của TĐ và TCT nhưng không thể phủ nhận vai trò của các DNNN quan trọng này.

Mới đây, khi trả lời báo giới về việc sắp xếp lại các TĐ, TCT nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, với trọng tâm là sắp xếp lại các TĐ, TCT nhà nước, thời gian tới định hướng sẽ chỉ giữ lại 5-7 tập đoàn có vai trò lớn trong sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội như dầu khí, viễn thông...

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chính phủ sẽ phân định rõ trách nhiệm quản lý của các cấp đối với các doanh nghiệp nhà nước. Các tập đoàn quan trọng với quốc kế dân sinh sẽ tăng cường trách nhiệm của Thủ tướng, còn các đơn vị khác sẽ được tổ chức lại, trao quyền trực tiếp cho các bộ chủ quản là cấp trên trực tiếp. Việc này, theo Bộ trưởng nhằm quy định rõ trách nhiệm cho từng bộ, ngành, cá nhân, tổ chức trong việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Theo nhiều chuyên gia, các tập đoàn do Thủ tướng nắm sẽ là những DNNN có vai trò chủ lực còn các TCT ở dưới sẽ trực thuộc các bộ, từ đó sẽ đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và các bộ, đặc biệt là trách nhiệm của bộ trưởng và phù hợp với quá trình tái cơ cấu DNNN.

Tại Hội nghị lần thứ VI vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng đã ra Kết luận về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, BCH TƯ nhận định về DNNN như sau: Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX và các nghị quyết của Đảng về doanh nghiệp nhà nước, các ngành, các cấp đã tổ chức quán triệt và thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước một cách khá đồng bộ, sâu rộng, đạt được những kết quả quan trọng.

Doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp lại một bước (từ 5.374 doanh nghiệp giảm xuống còn 1.060 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước), tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt nhà nước cần nắm giữ; đứng vững và có bước phát triển, góp phần vào thành tựu chung của đất nước; chi phối được những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thế và lực của đất nước.

Ban Chấp hành Trung ương đã phân tích, chỉ ra các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém. Đó là những sai sót, khuyết điểm trong công tác lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ quản trị các TĐ,TCT, trong phân cấp cơ quan quản lý và công tác kiểm tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp.

Ban Chấp hành Trung ương cho rằng, cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, giữ vững vai trò nòng cốt, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Phải khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, bao gồm : công nghiệp quốc phòng, công nghiệp độc quyền tự nhiên, lĩnh vực cung cấp hàng hóa dịch vụ thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ có sức lan tỏa cao.

Chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ngoài ngành và hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước vào năm 2015. Khẩn trương bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước; áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với kinh tế thị trường và thực hiện nghiêm chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch.

Kết thúc giai đoạn thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước; xem xét chuyển một số tập đoàn kinh tế nhà nước thành TCT. Đồng thời, với việc mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, phải tăng cường vai trò và sự giám sát, kiểm tra của đại diện chủ sở hữu nhà nước, nhất là trong việc phê duyệt điều lệ, quyết định chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt các doanh nghiệp. Nghiên cứu hình thành cơ quan nhà nước thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Trước mắt, tập trung soát xét, điều chỉnh sự phân cấp, phân công, phối hợp trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

Trên thực tế, việc sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức quản lý các TĐ, TCT được triển khai mạnh mẽ. Từ tháng 7/2010, trừ TCT Thép đang thực hiện cổ phần hóa, tất cả các công ty mẹ của các TĐ, TCT đã được Thủ tướng quyết định chuyển thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu…

Nhìn lại sự điều hành quản lý của Chính phủ với DNNN, trong các lần làm việc với các DNNN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều yêu cầu các TĐ, TCT chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai một cách sát sao, đồng thời quyết liệt, nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh, thực hiện các dự án đang thi công, thu xếp, bố trí vốn để sớm khởi công, hoàn thành các dự án trọng điểm.

Hơn nữa, khối kinh tế này cần chú trọng sắp xếp, đổi mới theo hướng cổ phần hóa, giảm số lượng DNNN có cổ phần chi phối, coi đây là nhiệm vụ đóng góp quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, những chỉ số cơ bản về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ nợ trong giới hạn cho phép,… cho thấy các DNNN đầu tàu, đóng góp xấp xỉ 40% GDP cả nước vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước sớm vượt qua tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nằm trong nhóm 10 nước có mức tăng trưởng cao trên thế giới.

M.N 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc